Doanh nghiệp xăng dầu trần tình chuyện "lười" giảm giá

Thứ tư, 04/07/2012, 07:00
5 lần giảm giá liên tiếp trong vòng 3 tháng qua, mỗi lần vài trăm đồng một lít và đều theo chỉ đạo của liên bộ, các doanh nghiệp xăng dầu lại bị kết tội là lười giảm giá, chỉ hào hứng xin tăng.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 7 lần với 2 lần tăng và 5 lần giảm giá. Cũng như trước đây, phần lớn các lần tăng đều diễn ra sau khi doanh nghiệp liên tục kêu lỗ và xin tăng.

Còn khi giá giá thế giới hạ nhiệt, Bộ Tài chính buộc phải "ra lệnh" giảm thay vì doanh nghiệp chủ động đề xuất. Trong khi đó, với cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện tại, từ vài năm nay các doanh nghiệp đã được trao quyền chủ động điều chỉnh giá khi điều kiện cho phép.

 
Để "thúc" các doanh nghiệp đăng ký điều chỉnh, ngày 29/6 vừa qua, Bộ Tài chính ra văn bản nhắc lại quyền chủ động của doanh nghiệp trong việc điều chỉnh giá mặt hàng này. Tuy nhiên, ngay cả khi được trao quyền, lượng doanh nghiệp chủ động đăng ký điều chỉnh giá cũng rất hiếm hoi.
 
Trong khi đó, cả 5 lần giảm vừa qua, tổng cộng chỉ là 3.200 đồng một lít xăng, trong khi 2 lần tăng đầu năm, mức điều chỉnh là 3.000 đồng.
 
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Trần Ngọc Năm cho hay, mức độ giảm cao hay thấp hoàn toàn phụ thuộc vào sự biến động của giá xăng dầu thế giới và chính sách thuế của nhà nước trong từng thời kỳ. Ngoài ra việc điều chỉnh này sẽ hạn chế tối đa yếu tố đầu cơ. Bởi trường hợp giảm với biên độ nhỏ sẽ khiến đại lý phải cân nhắc giữa việc nhập hàng với lượng xăng dầu tồn trong kho.
 
Lãnh đạo Petrolimex cũng khẳng định, ngày 29/6, Tập đã gửi văn bản đến Bộ Tài chinh đề nghị điều chỉnh giá mặt hàng dầu và tăng thuế nhập khẩu xăng. Ông Năm cho hay, trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, tập đoàn đã đề xuất giảm giá các loại dầu từ 200 đồng đến 300 đồng.
 
Riêng đối với xăng, mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng, Petrolimex đề xuất tăng thuế lên 3%. "Khung tối đa là thuế nhập khẩu là 30%, nên dư địa tăng thuế vẫn còn. Chúng tôi đề xuất mức tăng cao hơn của Bộ 1%", ông Năm cho hay.
 
 
Mức giảm 5 lần chỉ nhích hơn 2 lần tăng giá 200 đồng.

Nhiều doanh nghiệp đầu mối cho biết cũng đang "có ý định" đề xuất giảm giá xăng dầu trước khi Bộ ra "lệnh" giảm giá xăng 600 đồng. "Nếu nói về tính chủ động thì chúng tôi cũng chuẩn bị chủ động, đang định chiều 2/7 hoặc sáng 3/7 làm đề nghị giảm giá gửi Bộ Tài chính thì lại nhận được quyết định của Bộ", đại diện Sài Gòn Petro cho biết.
 
Sài Gòn Petro dự kiến sẽ đề xuất giảm 500 đồng mỗi lít xăng. Trả lời thắc mắc về việc giảm giá 5 lần mới gần bằng 2 lần tăng, lãnh đạo Sài Gòn Petro giải thích, khi giá trên thế giới mới tăng, doanh nghiệp lỗ 200-300 đồng mỗi lít và họ vẫn "chấp nhận được". "Khi con số này lên 1.000-2.000 đồng thì doanh nghiệp hết chịu nổi, lúc đó mới gửi đề nghị tăng giá. Chính vì vậy, dễ thấy xăng lên thường ở mức cao: 1.000-1.500 đồng một lít một lần", lãnh đạo Sài Gỏn Petro phân tích.
 
Đại diện PV Oil cũng khẳng định, đang "định" ngày 3/7 gửi đề nghị giảm giá cho Bộ Tài chính, nhưng chưa kịp thì hôm qua Bộ đã làm luôn. "Tuy nhiên, có thể thấy dù doanh nghiệp đề xuất nhưng quyết định vẫn là Cục quản lý giá Bộ Tài chính. Chính sách là như vậy nhưng hiện doanh nghiệp vẫn không tự quyết định được", PV Oil nêu quan điểm.
 
Phó tổng giám đốc Petrolimex cho rằng, trong một vài ngày gần đây, giá xăng dầu thế giới lên xuống thất thường song theo ông Năm cần phải nhìn chuyện tăng giảm của xăng dầu thế giới theo chu kỳ dài.

Với những lô hợp đồng quốc tế, doanh nghiệp không thể mua tại thời điểm giá công bố giảm ngày hôm nay mà phải phụ thuộc vào các hợp đồng đã ký trước đó. "Doanh nghiệp chưa dùng hết lô hàng xăng dầu mới nhập thì giá đã giảm dẫn đến việc doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, chuẩn bị hòa vốn thì giá giảm", ông Năm nói.

 
Theo ông Năm, vấn đề mấu chốt để minh bạch trong xăng dầu là ổn định chính sách thuế. "Khi đó, việc điều chỉnh giá bán trong nước với chu kỳ theo quy định tại Nghị định 84 sẽ làm cho giá xăng dầu trong nước bám sát được sự biến động của thế giới, khắc phục được ý kiến cho rằng tăng nhanh, giảm chậm; tăng cao, giảm nhỏ giọt", ông Năm nói.
 
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, việc tăng hay giảm giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động của giá thế giới. Khi giá nhiên liệu thế giới tăng cao, để kìm lại mức tăng trong nước, Bộ đã yêu cầu trích Quỹ bình ổn, tuy nhiên, khi quỹ không "chịu đựng" được nữa thì buộc phải tăng giá.

Việc giảm giá cũng hoàn toàn phụ thuộc vào biến động của thế giới. "Giá thế giới giảm 1 đồng mỗi lít thì mình cũng giảm 1. Không thể có chuyện giá thế giới giảm 1 mà trong nước giảm 10", lãnh đạo này cho hay.

 
Nguồn tin này cũng xác nhận Petrolimex đã chủ động có văn bản đăng ký giá trước khi Bộ Tài chính ra quyết định giảm giá xăng dầu ngày 2/7. Còn các doanh nghiệp khác dù không có văn bản nhưng cũng đồng tình giảm giá xăng dầu.
 
"Sở dĩ doanh nghiệp không đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu vì còn làm nhiệm vụ bình ổn giá, chúng ta thông cảm với họ. Vừa rồi Bộ Tài chính đã ra văn bản trao quyền cho doanh nghiệp nhưng vẫn trong biên độ Nhà nước kiểm soát vì xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm", ông nói.
 
Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích