Cực Bắc và những thương vụ đắng từ… lòng đất - Kỳ 1: Đánh bạc với… lòng đất

Thứ ba, 03/07/2012, 13:57
Sau hậu họa "Đại công trường” nổi tiếng toàn quốc thì nay Hà Giang – Vùng đất phên dậu có tới 22 anh em dân tộc sinh sống và 7/11 huyện thuộc diện 30a lại nơm nớp với hậu họa của "Đại khai khoáng”. 

>> Các doanh nghiệp ngành khai khoáng đều có lãi
>> Australia “mở cửa” khai khoáng cho Việt Nam


Nếu không có sự "tỉnh táo” kịp thời thì ngoài việc ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh còn là trả giá bằng môi trường. Môi trường của hậu khai khoáng ở Hà Giang không chỉ người Hà Giang, dân Hà Giang gánh chịu mà nó còn có nguy cơ tác động rộng vì đây được coi là tỉnh đầu nguồn.
 
Nhiều núi đồi ở Hà Giang nham nhở do đào bới khai thác khoáng sản. Tình trạng khai thác khoáng sản ồ ạt ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã dẫn đến tàn phá môi trường, bồi lấp ruộng và nhà dân
 
Với lợi thế về 30 loại kháng sản, tập trung tại 100 điểm mỏ, trong mấy năm gần đây, khai khoáng đã được tỉnh Hà Giang đưa vào chiến lược với mục đích thu hút đầu tư, giải quyết công ăn việc làm và tạo nguồn thu cho ngân sách. Việc xin phép và khai thác khoáng sản đang trở thành "cơn sốt” trên toàn tỉnh.

Giống như những ngày đầu của kỳ "Đại công trường”, hiện nay "Đại khai khoáng” đang trở thành vấn đề nóng của Hà Giang. Đâu đâu cũng thấy treo biển khai khoáng, câu chuyện khai khoáng, xin giấy phép có từ quán cà phê đến… cổng các cơ quan hành chính.
 
Trắng tay vì… khoáng sản!
 
Từ những tuyên truyền, với những cởi mở, khoáng sản và tiềm năng về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã tạo nên sự hấp dẫn với nhiều người. Không chỉ người Hà Giang mà "tiếng lành” này cũng đã bay đến với người nhiều nơi khác. Người có tiền cũng như không có tiền nhưng có chung một ước mơ giàu lên nhanh chóng về nghề khai khoáng đã ào ào tìm lên Hà Giang.

Thế nhưng nhiều người trong họ nhanh chóng thất vọng. Chỉ vài ba năm hý hửng đổ tiền xuống đầu tư mỏ thì nay họ đang lo gánh nợ. Khoáng sản ít, thậm chí không đúng như hồ sơ thiết kế đánh giá ban đầu đã biến họ trở thành những con nợ.


Nhiều người trở nên khánh kiệt khi đổ tiền vào vùng đất này mà chưa thu được lợi nhuận nào
 
Tại trụ sở của một Cty TNHH khai khoáng tên QL. đóng trên địa bàn huyện Vị Xuyên, ông H. – Giám đốc, một đại gia dưới Hà Nội thở ngắn than dài cùng chúng tôi. Ông bảo, chả biết "ma đưa lối, quỷ dẫn đường” thế nào tôi lại mò lên cái đất này. Đem hết vốn, nhà cửa dưới Tây Hồ cắm ký để dồn vào xin giấy phép và khai thác mangan ở chiếc mỏ có tên là Núi Bạc. 3 năm chưa hết, giờ quặng thì chả thấy đâu mà còn rơi vào tình cảnh khánh kiệt nợ nần và mất nhà dưới Hà Nội.
 
Theo lời kể của ông H., đầu năm 2009, qua đợt làm quen, ông đã được một người trên Hà Giang rủ lên mở Cty khai thác khoáng. Với sự mời mọc của đối tác này, lại thấy nhiều người đổ xô vào nghề này ở Hà Giang, thế là ông gật đầu lao vào kiếm tìm cơ hội.
 
Sau khi làm thủ tục, ông đã được cấp giấy phép khai thác quặng mangan ở khu N. Không tin tưởng hồ sơ trữ lượng ước tính ban đầu, ông móc tiền ra thuê thêm Cty khảo sát và đánh giá trữ lượng khoáng sản tên Đ. đánh giá tiếp.

Sau một thời gian, với không ít tiền đổ ra, Cty kia đưa ra bộ hồ sơ đánh giá trữ lượng khẳng định: Quặng sắt mangan ở Núi Bạc ước chừng có tới 56 nghìn tấn.
 
Tin, thế là ông lao vào. Hơn 20 tỷ đồng có được do đem cắm ký 2 ngôi nhà dưới Tây Hồ và vay mượn thêm ông đầu tư vào khu xưởng tuyển và mở đường vào điểm khai khoáng. Nhưng niềm vui chưa kịp đến thì ông đã hốt hoảng vì mỏ cạn kiệt. Chỉ sau 3 tháng máy móc chạy và tuyển công nhân thì mỏ đã không còn quặng để khai thác nữa.
 
Ngồi chuyện trò với tôi, ông H. bảo thú thực chúng tôi đã đánh bạc, tiếp tục thuê khảo sát và mua thêm máy móc hiện đại như tuyển quặng mangan bằng từ cộng hưởng xem thế nào. Tôi chỉ mong lần này mình gặp vận may để có đủ tiền "nhổ” lại 2 chiếc nhà chót cắm ký.
 
Bi đát, trắng tay và nợ nần là những cụm từ dễ gặp của một số các cá nhân và tổ chức đang tham gia khai khoáng trên địa bàn Hà Giang. Không chỉ người ngoài gặp khốn đốn mà ngay cả những người có máu mặt và kinh nghiệm khai thác khoáng sản trên địa bàn Hà Giang cũng đang ngậm đắng, nuốt cay về vấn đề này.
 
Trong các Cty có tên tuổi về khai khoáng ở Hà Giang phải kể đến sự liên kết đến dở khóc, dở cười của Cty TNHH DT. và Cty Cổ phần Luyện kim mầu của tỉnh nhà. Theo sự liên kết, 2 Cty này đã quyết định hợp tác để có chiếc mỏ rộng đến 30ha ở khu vực Bản Đén (Tùng Bá – Vị Xuyên).
 
Hồ hởi, hào hứng, 2 liên danh gọi là có kinh nghiệm lâu năm này đã đáp vào mỏ Bản Đén vài chục tỷ đồng cùng những hứa hẹn như giải quyết việc làm, nộp ngân sách... Giấy phép cấp cho mỏ được bắt đầu từ tháng 7 năm 2009 nhưng đến nay khu vực sản xuất, dây chuyền sàng tuyển của 2 Cty này vẫn chưa thể hoạt động được vì không có khoáng sản cùng với đó là sự gánh chịu do lãi suất của ngân hàng.
 
"Mông mỏ” và chuyển nhượng ngầm
 
Theo các doanh nghiệp đang làm ăn kém hiệu quả và thua lỗ thì có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó nổi lên lớn nhất 2 vấn đề chính là việc "mông mỏ” và "hồ sơ rởm” nghĩa là các hồ sơ đánh giá trữ lượng không đúng về lượng khoáng sản ở các mỏ.
 
"Mông mỏ” có lẽ là một khái niệm rất mới ở tỉnh Hà Giang với việc khai thác các mỏ. Theo một số người có kinh nghiệm hay một số doanh nghiệp đã gánh chịu hậu họa này thì ở Hà Giang trong kỳ "sốt” khai khoáng đã có những cá nhân "rất đặc biệt”. Ngoài việc quan hệ rộng thì họ còn có một mẹo mực là xin giấy phép và "mông mỏ” rồi mời gọi hay bán trao tay cho các đối tác đầu tư.
 
Theo mẹo mực này, khi giấy phép cấp, quá trình khảo sát và đánh giá trữ lượng khoáng sản sẽ được các cá nhân có giấy phép này thuê các công ty có chức năng đánh giá lại.

Vì đã có sẵn âm mưu nên họ thực hiện việc "đi đêm” với các đối tác được thuê khảo sát và đánh giá trữ lượng với mục đích cuối cùng là đẩy trữ lượng các mỏ cao hơn so với thực tế và "vạch ra” các phương án "rất dễ ăn” như: Trữ lượng lớn, quặng tập trung theo vỉa, theo vụng…vv.
 
Khi có trong tay bộ hồ sơ này, họ sẽ đi tìm đối tác. Với cách "chém gió” và "thuyết trình” cùng hồ sơ ảo đi cùng họ rất dễ lôi kéo được đối tác. Thuận thì bán mỏ theo kiểu trao tay hay khéo hơn thì họ sẽ đặt ra vấn đề về liên danh và liên kết.

Nhưng khi đối tác bị lôi kéo đã say đòn thì họ tìm mọi cách rút vốn cùng lợi nhuận đã có với một lý do gì đó. Tất cả mọi rủi ro đều đổ lên đầu các đối tác hay những người đã chấp nhận chuyển nhượng mỏ với họ.
 
Tiêu biểu nhất tại tỉnh Hà Giang hiện nay về việc "mông mỏ” và chuyển nhượng mỏ để biến người khác thành nạn nhân phải kể đến đại gia có tên H. Hiện đại gia này đang tung hoành tại các khu mỏ ở huyện Bắc Mê.

Vừa rồi, bằng việc "mông mỏ” và "tâng hồ sơ” đại gia này đã biến 2 Cty có tên S.P. và G.T. thành nạn nhân. Bằng cách "chém gió” đầy thuyết phục nên 2 công ty này đã "ăn phải” 2 khu mỏ của đại gia H. và trả cho đại gia này một số tiền không nhỏ để được quyền khai thác. Nhưng tới nay, một thời gian dài qua đi mà 2 Cty này cũng chưa thu được đồng nào cùng số tiền vay mượn đang lớn dần cùng lãi suất.

 
Theo Đại Đoàn Kết

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích