Chuyên gia kinh tế: "Giá xăng còn có thể giảm tiếp"
Thứ ba, 03/07/2012, 09:06
Chỉ vài giờ sau khi Bộ Tài Chính phát đi công văn yêu cầu DN giảm giá xăng dầu từ 19h tối ngày 2/7, hầu hết các chuyên gia đều đánh giá cao động thái điều hành giá xăng dầu trong nước đồng điệu với giá thế giới.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để đánh giá được chính xác mức giảm giá chiều 2/7 đã phù hợp với mức giảm của giá thế giới hay chưa là rất khó. Bởi, không có con số thống kê cũng như hạch toán của doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Về mặt định tính, không quá nặng nề ở vấn đề tăng nhanh giảm chậm, dù sao đó cũng chỉ là một cách nói. Việc giảm giá liên tục cũng đã đưa lại mức giảm khá. Nhưng, không có con số cụ thể thì cũng khó kết luận mức giảm hợp lý hay chưa
Tuy nhiên, việc giảm giá liên tiếp 5 lần gần đây cho thấy tín hiệu tốt, linh hoạt của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong điều hành giá. Mức độ tăng giảm cần so sánh nhưng theo tôi giảm như vậy cũng đã là tốt lắm rồi”.
Xăng giảm xuống còn 20.600 đồng/lít
Thời gian qua, giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục giảm mạnh và quay về mức giá của giai đoạn cuối năm 2011 tại thị trường Singapore.
Theo đó, trên thị trường New York, giá dầu WTI tháng 5 hạ 17% - tháng giảm sâu nhất kể từ cuối năm 2008. Trong phiên 1/6, giá giảm tiếp 3,8% và hiện chỉ còn 83,23 USD/thùng – thấp nhất trong 8 tháng. Giá xăng tại đây cũng giảm 11% trong tháng còn dầu sưởi giảm 15%. Giá dầu Brent tại London trong khi đó để mất 15% ở tháng trước và 3,3% ở ngày đầu tháng này, hiện còn 98,43 USD/thùng – mức thấp chưa từng có kể từ ngày 27/1/2011.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến giá xăng dầu giảm mạnh tháng qua là kinh tế Mỹ hồi phục chậm lại, khủng hoảng nợ công châu Âu có nguy cơ mất kiểm soát (Tây Ban Nha có thể cần đến cứu trợ, Hy Lạp thất bại trong việc thành lập chính phủ sau bầu cử ngày 6/5 và phải tiến hành bầu cử lần hai vào tháng 6 cùng nguy cơ cao sẽ phải rời khu vực đồng euro).
Đặc biệt, giá xăng còn có thể hạ tiếp do kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại và đồng USD mạnh lên. Cùng nhịp chung của thị trường thế giới, giá các sản phẩm xăng dầu tại Singapore – thị trường nhập khẩu xăng dầu chính của nước ta, cũng là nơi giá xăng dầu được lấy làm cơ sở để tính giá trong nước – cũng sụt giảm mạnh.
Cụ thể, theo Biểu đồ giá sản phẩm tại thị trường Singapore trên website của Petrolimex, giá xăng Ron92 đã giảm từ mức 104,91 USD/thùng từ ngày 4/6 xuống còn 97,8 USD/thùng vào ngày 29/6, đây là mức giảm thấp nhất kể từ cuối năm 2011 tới nay. Giá dầu hỏa đã giảm từ 109,91 USD/thùng xuống 108,84 USD/thùng.
Theo ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, việc giảm giá xăng dầu là xuất phát từ diễn biến thuận lợi từ thị trường thế giới nên mức điều chỉnh lần này nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng.
Cũng theo ông Năm, trước khi điều chỉnh giá, doanh nghiệp đã đăng ký và kê khai trước với liên bộ Tài chính-Công Thương theo đúng văn bản hướng dẫn của Nghị định 84/CP.
Như vậy, đây là lần thứ 5 kể từ đầu năm, giá xăng, dầu trong nước được điều chỉnh giảm. Riêng về giá xăng, sau 5 lần điều chỉnh, tổng mức giảm đã là 3.200 đồng/lít.
TS Nguyễn Quang A đánh giá: “Việc giảm giá xăng, dầu trong nước thời điểm này có vẻ linh hoạt hơn, một mặt do giá thế giới giảm, nhưng cũng có thể một phần do doanh nghiệp đã bớt khó khăn hơn”.
Tuy TS Nguyễn Quang A khẳng định khó có thể nói giá xăng dầu trên thị trường Việt Nam theo sát giá thế giới vì giá xăng trong nước luôn có độ trễ nhất định. Song vị chuyên gia này cũng đánh giá cao động thái giảm giá liên tiếp của cơ quan quản lý và doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tron nước thời gian gần đây.
“Xăng có thể nhập về từ cách đây 2 tuần, nên có độ trễ về mức giá. Song việc giảm giá liên tiếp đã phản ánh được tình hình giảm giá của thế giới”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Việc Petrolimex chiếm thị phần hơn 60% là điều tồn tại từ lâu.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, hiện nay theo Luật Cạnh Tranh, một doanh nghiệp chiếm thị phần 30%, hai doanh nghiệp 50% và ba doanh nghiệp 65% là độc quyền. Riêng Petrolimex đã chiếm đến hơn 60%, điều này chứng tỏ thị trường xăng, dầu vẫn còn hiện tượng độc quyền.
Biện pháp cần thực hiện trước mắt là chống độc quyền trên lĩnh vực này, TS Nguyễn Quang A đưa ra giải pháp: “Có thể tách đôi Petrolimex thành 2 doanh nghiệp, để mỗi doanh nghiệp chiếm khoảng 30% thị phần, các doanh nghiệp nhỏ hơn sẽ gộp lại thành một doanh nghiệp cũng ở mức thị phần tương tự khoảng 30%, một số doanh nghiệp khác chiếm 10% sẽ tạo được sự cạnh tranh”.
Với chỉ số CPI giảm rõ rệt như thời gian gần đây, nhìn chung mặt bằng giá các mặt hàng đang có xu hướng giảm. Việc giảm giá xăng, dầu lần thứ 5 liên tiếp sẽ một lần nữa sẽ góp phần kéo giá cả các loại hàng hóa trên thị trường xuống.
TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Một số mặt hàng giá còn cao là do yếu tố cung cầu của những mặt hàng này ổn định, thêm nữa là yếu tố cạnh tranh. Tuy nhiên, việc giảm giá xăng, dầu trước mắt sẽ giúp giảm giá ở ngành giao thông, vận tải và các chi phí sản xuất”.
Từ 1/7/2012, giá điện và nước tăng, nhưng theo các chuyên gia, việc tăng giá này khó dẫn đến tăng giá các mặt hàng.
“Trong xu hướng chung, giá sắt, thép, xi măng giảm thì mức tăng điện 7% không có ảnh hưởng nhiều và không gây xáo trộn về giá”, chuyên gia Nguyễn Quang A nhận định.
Trước đó, ngày 29/6, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có công văn xin giảm giá xăng và Liên Bộ Tài chính - Công thương sau khi họp bàn đã thống nhất yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối khác giảm giá bán xăng theo đề xuất của Petrolimex.