Chống thương lái Trung Quốc: Ai đi đầu?

Thứ ba, 03/07/2012, 07:55
Tình trạng thương lái Trung Quốc thao túng và ép giá các mặt hàng nông sản, đẩy doanh nghiệp và nông dân vào tình cảnh khốn đốn đã không còn là “chuyện mới” mà dường như đang dần trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”, chỉ chờ “đến hẹn lại lên”.
Xây dựng ý thức tự bảo vệ

Vải bị ép giá ngay từ đầu vụ, rồi đến thanh long, dưa hấu, dứa, thậm chí cả gạo..., đặc biệt là khoai lang tím bị rớt giá thảm hại tới 70%, chỉ còn 250,000 đồng/tạ ( trong khi đó tháng trước giá khoai lên tới 1 triệu đồng/tạ) và dừa Bến Tre bị ép giá tới đáy. Nếu như cuối năm 2011, giá dừa còn ở mức 150.000 đồng/chục (12 trái) thì bây giờ chỉ còn từ 12.000 đến 15.000 đồng/chục,...

Sản xuất nhưng không thể làm chủ giá thành phẩm, được mùa nhưng vẫn thua lỗ vì bị ép giá, nông dân và doanh nghiệp nông sản đang liên tục phải chịu thiệt hại nặng nề và "cay đắng".

 

Cần phải cảnh báo để nông dân, doanh nghiệp Việt Nam cẩn thận khi buôn bán với Trung Quốc để tránh sa bẫy.

Phân tích thực trạng, tìm hiểu nguyên nhân là những điều Việt Nam đã cố gắng thực hiện trong thời gian vừa qua. Thế nhưng, tìm ra được những giải pháp thích hợp, cụ thể và hiệu quả để bảo vệ nông dân, doanh nghiệp trong nước, cũng như bảo vệ sự phát triển củahàng nông sản Việt Namlại là điều cần kíp và quan trọng nhất.

Trước mắt, cần phải cảnh báo để nông dân, doanh nghiệp Việt Nam cẩn thận khi buôn bán với Trung Quốc để tránh sa bẫy.

Cách làm trong thời gian của UBND tỉnh Tiền Giang và Tổng công ty Lương thực miền Nam trong sự việc với dứa và gạo đã giúp giảm thiểu phần nào thiệt hại. Tuy nhiên, việc này mới chỉ gói gọn trong phạm vi một vài tỉnh nên chưa đạt hiệu quả cao, cần đẩy mạnh quy mô và phạm vi ra cả nước.

Các cơ quan quản lý cần liên kết và có chiến lươc truyền thông và thông qua thông tin đại chúng để đưa tin đến người dân một cách sâu rộng, chính xác và liên tục.

Điều quan trọng hơn là cần phối hợp nhịp nhàng với các địa phương để nhanh chóng cập nhật tình hình và thông tin kịp thời. Nếu tất cả các địa phương cùng thực hiện triệt để điều này sẽ có thể tạo được một độ phủ thông tin rộng khắp, tuyên truyền đến toàn dân. Lúc đó, người nông dân và doanh nghiệp sẽ có ý thức tự bảo vệ mình trước các thủ đoạn thao túng và ép giá, trước khi các cơ quan chức năng vào cuộc.

Đừng để nông dân đơn độc

Thương lái Trung Quốc có thể dễ dàng thao túng các mặt hàng nông sản bởi lẽ nông dân và doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải "đơn độc" đối phó với cả tập thể thương lái Trung Quốc, luôn bị động từ khâu kí hợp đồng tới khâu bán ra.

Bấy lâu nay, nông sản Việt Nam vẫn buôn bán qua đường tiểu ngạch với Trung Quốc, hầu hết giao dịch chỉ là trên miệng, không có hợp đồng ràng buộc, dẫn đến tình trạng thương lái Trung Quốc dễ dàng giở trò, đặt mua nhưng sau đó bỏ về nước.

Do đó, cần sớm thành lập và thể hiện vai trò các hiệp hội, các tổ chức, các ngành hàng tương ứng ví dụ "Hiệp hội những người trồng dứa" hay" Hiệp hội những người sản xuất khoai lang",... để giúp người dân chủ động hơn, giành được những quyền lợi chính đáng khi đối phó với thương lái Trung Quốc.

Các hiệp hội vừa có nhiệm vụ giúp nhân dân cập nhật thông tin giá cả, thị trường nhanh chóng, vừa có trách nhiệm cảnh báo họ trước những trò "bẩn" của thương nhân Trung Quốc, bảo vệ người dân khi phía Trung Quốc vi phạm hợp đồng. Chỉ có đoàn kết lại nông dân mới không bị thương lái nước ngoài "gài bẫy" vào ép.

Trong khi đó, cũng không thể quên vai trò của cơ quan chức năng trong sự dụng các chế tài hiện có để quản lý. Không thể xem việc thương lái thao túng và ép giá nông sản như một chuyện thường và để tràn lan như hiện nay.

Như đối với việc xử phạt. mặc dù Nhà nước cũng đã lập Ban chỉ đạo 127 TƯ về chống buôn lậu hàng giả và gian lận cấp Trung ương, rồi Quyết định 80 của Chính phủ về tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng... Hoàn thiện cơ chế pháp lí và có các chính sách bảo vệ quyền lợi cho nông dân, doanh nghiệp trong nước là việc cần làm lúc này.

Thế nhưng hiệu quả của các hình thức chế tài vẫn còn rất hạn chế do công tác quản lí và kiểm soát của ta còn quá yếu kém.Vụ việc liên quan đến gạo thời gian vừa qua là một ví dụ điển hình.

Cũng sử dụng những "chiêu thức" như với dứa, khoai lang, dừa, Trung Quốc đã gây thiệt hại lớn cho kinh tế Việt Nam vì gạo chính là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Hơn nữa, việc thương lái Trung Quốc đề nghị nông dân và doanh nghiệp Việt Nam trộn gạo thơm và gạo thường với tỉ lệ 50:50, thu mua rồi bán ra với giá gạo thơm đã gây ảnh hưởng xấu tới uy tín gạo Việt Nam trên trường quốc tế.

Thật khó hiểu, vì mỗi một việc yêu cầu thương lái Trung Quốc đăng kí buôn bán tại các cơ quan chức năng hoặc phải lập chi nhánh hoat động thường trực tại Việt Nam... để có thể kiểm soát được hành động của thương nhân Trung Quốc và xử phạt nặng các hành vi "gian lận" hoặc tiếp tay cho "gian lận"... nhưng đến nay vẫn không làm triệt để.

Từ đó thật dễ hiểu vì sao chúng ta đang lúng túng trước sự thao túng, ép giá đối với nông dân, doanh nghiệp Việt Nam và quản lý được thị trườngnông sản trong nước.

Về lâu dài, cần hạn chế buôn bán với Trung Quốc qua đường tiểu ngạch và chuyển dần sang chính ngạch. Khi thực hiện giao dịch cần có hợp đồng với các điều kiện ràng buộc về giá và thanh toán một cách rõ ràng để tránh việc Trung Quốc vi phạm hợp đồng, "bỏ đi" khi đang buôn bán giữa chừng.

Một khi đã có những hình thức chế tài, Nhà nước sẽ có cơ sở pháp lí để xử phạt những hành vi sai trái của thương nhân Trung Quốc. Hơn nữa, cần tiến hành mở rộng thị trường, tìm kiếm các đối tác tiềm năng khác cho mặt hàng nông sản... nhằm tránh tình trạng độc quyền thu mua từ Trung Quốc.

Nếu không thì những tin tức đau lòng về việc nông sản Việt Nam bị ép giá sẽ lại tiếp tục xuất hiện. Nhưng câu hỏi muôn thưở đặt ra là ai sẽ thực hiện và thực hiện như thế nào?.

Vì sự việc không phải mới, biện pháp cũng không phải mới xuất hiện, nhưng bao năm qua vẫn không có nhiều tiến triển. Nếu không thể trả lời câu hỏi trên, có lẽ nông dân Việt Nam sẽ mãi phải chịu cảnh bị ép giá!

 
Theo VEF

Các tin cũ hơn