Liên tiếp những tiếng kêu cứu thống thiết của DN

Thứ ba, 03/07/2012, 09:56
Hàng loạt các hiệp hội ngành hàng vừa qua đã gửi văn bản lên Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương... kêu cứu. Lý do đều giống nhau là tiêu thụ giảm sút, tồn kho tăng cao, nhiều DN gặp khó, buộc phải ngừng sản xuất.


>> Doanh nghiệp vẫn chịu lãi suất trên 20%/năm

>> Lập công ty mua bán nợ quốc gia: “Không hiệu quả!”
>> Giá điện tăng 'nhầm thời điểm', doanh nghiệp thêm suy kiệt
>> Ngân hàng tìm doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp chờ giá tốt
 

Thống thiết nhất có lẽ là tiếng kêu của ngành thủy sản. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đến thời điểm này, đã có 20% số DN trong ngành thủy sản phải ngừng hoạt động. Ngành hàng cá tra được nhận định là ảm đạm nhất. Lãi suất cao trong một thời gian dài đã làm hàng loạt DN cá tra suy yếu. Hiện chỉ còn khoảng 20% DN ngành này tồn tại và phát triển bình thường, 80% DN trong tình trạng khó khăn, trong đó 30% trong số này đang "hấp hối".

Từ đầu năm đến nay, các nhà máy không những không tiếp cận được các nguồn tín dụng mà còn bị các ngân hàng thúc ép thu hồi vốn vay trước đó, khiến các DN trong ngành tìm mọi cách bán hàng ra nhanh nhất có thể. Hậu quả là phá giá ồ ạt, giá mua cá nguyên liệu giảm mạnh tới mức nông dân không có lãi, DN muốn thu mua để chế biến nhưng lại chẳng có vốn.


Sau cá tra, tôm là mặt hàng gặp tình trạng thiếu vốn vẫn phải lo chạy nợ. Ngoài vấn đề lãi suất, tín dụng, nguyên nhân khiến ngành thủy sản đang "chết dây chuyền" là do chi phí chế biến, sản xuất ở Việt Nam hiện quá cao, trong khi giá xuất khẩu thấp làm cho DN không có lãi.

Chính vì vậy, VASEP đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp là gia hạn nợ; đề xuất cho các DN, nhà máy chế biến vay tiền thu mua nguyên liệu, thu hồi vốn vay theo hợp đồng xuất khẩu; cơ cấu lại sản xuất, tài chính cho các DN có thương hiệu đang phải tạm dừng hoạt động.

Mới đây nhất, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, Hội Vật liệu Xây dựng cũng vừa lên tiếng về những khó khăn của ngành từ đầu năm đến nay do thị trường ế ẩm.

Trong văn bản gửi lên Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, từ năm 2011 đến nay, do tình hình kinh tế có nhiều khó khăn đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng nói riêng.

Đặc biệt, do chủ trương cắt giảm đầu tư công, các dự án bất động sản tạm dừng hoặc giãn tiến độ, nhiều công trình xây dựng không có vốn để triển khai... đã dẫn đến nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng 5 tháng đầu năm 2012 giảm đáng kể.

 


 

Cùng với đó, những khó khăn hiện hữu như giá cả nhiên liệu, điện, nguyên liệu đầu vào liên tục tăng, lãi suất ngân hàng cao, tỷ giá ngoại tệ tăng, chi phí tài chính lên đến 20 - 30%, vốn lưu động thiếu đã làm cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng phải giảm sản lượng hoặc dừng sản xuất, sản phẩm tồn kho khối lượng lớn, kinh doanh thua lỗ; nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu phá sản.

Khó khăn nhất là ngành xi măng. Trong 5 tháng đầu năm 2012, sản xuất xi măng chỉ đạt khoảng 19 triệu tấn, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2011; tiêu thụ xi măng đạt khoảng 18,495 triệu tấn, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2011; cộng với lượng tồn lũy kế từ năm ngoái, lượng clinker, xi măng hiện còn tồn kho khoảng trên 3 triệu tấn (trên 3.000 tỷ đồng).

Tiếp đến là ngành gốm sứ xây dựng, tồn kho đầu năm 2012 đã tăng lên, nếu tính cả lượng tồn kho lũy kế tại các đơn vị sản xuất và cả tồn kho từ các đại lý chưa bán hàng tới người tiêu dùng thì lượng tồn đã tăng lên tới 20% (hàng hóa tồn kho khoảng trên 40 triệu m2 gạch ốp lát và trên 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, tương đương khoảng trên 3.000 tỷ đồng).

Sản xuất vật liệu xây không nung, thủy tinh xây dựng, đá ốp lát... tất cả đều phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu, tồn kho lớn, tiêu thụ chậm, nhiều DN phải dừng sản xuất.

Hội Vật liệu Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương nghiêm chỉnh thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ và các giải pháp kích cầu, tạo đầu ra cho các sản phẩm vật liệu xây dựng. Đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng (tất cả các loại đường giao thông nông thôn, tỉnh lộ, quốc lộ, đường đô thị, sân bãi các khu công nghiệp) bằng bê tông xi măng; như vậy vừa kích cầu tiêu thụ xi măng vừa giảm nhập siêu do giảm nhập khẩu nhựa đường làm bê tông atsphan, vừa bảo đảm công trình bền vững.

Hội cũng kiến nghị Quốc hội cho áp dụng thuế suất thuế VAT các sản phẩm vật liệu xây dựng là 5% trong năm 2012, thay cho thuế suất 10% hiện hành để kích thích người tiêu dùng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiêu thụ hết hàng tồn kho, thu hồi vốn trả nợ ngân hàng.

Đồng thời, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại các khoản nợ (giãn nợ, khoanh lãi các khoản vay đầu tư trước đây) cho các doanh nghiệp để không lâm vào tình trạng nợ xấu, hạ lãi suất cho vay dưới 12% và nới rộng các quy định về điều kiện vay vốn lưu động để các doanh nghiệp khát vốn thực sự vay được vốn với lãi suất thấp để phục vụ sản xuất.

Trước đó Hiệp hội xi măng cũng đã có "tiếng kêu" riêng của mình bằng văn bản gửi Chính phủ và Quốc hội, đề nghị một loạt giải pháp hỗ trợ như được giãn các khoản vay nợ nước ngoài, cơ cấu lại danh mục nợ; khoanh nợ, lùi thời hạn trả nợ các khoản vay trong nước đã đến hạn; hạ lãi suất cho vay; giảm thuế VAT xuống còn 5% như thời điểm 2008 - 2009...

Hiệp hội Ôtô, Xe máy, Xe đạp Việt Nam cũng đã lên tiếng kêu cứu cho các DN sản xuất xe máy trong nước. Theo số liệu tính chung 5 tháng, sản xuất xe máy đạt 1,559 triệu chiếc, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên,  tiêu thụ sản phẩm mô tô, xe máy 5 tháng đầu năm 2012 giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước, tồn kho tăng tới 42,3%. Trước thực trạng này, một số DN thậm chí đã giảm công suất hoạt động song vẫn không cải thiện được tình hình. Đơn cử như Công ty Sufat Việt Nam có công suất hơn 10.000 xe/năm. Tuy nhiên hiện nay chỉ còn hoạt động khoảng 1/3 công suất, tương đương 3.000 xe/năm, chưa kể đang tồn kho khoảng 7.000 xe.

 



Doanh nghiệp kêu cứu vì thiếu vốn, hàng ứ đọng. Ảnh minh họa
 

Thời gian qua mặc cho nhiều DN sản xuất và đại lý đã triển khai các chương trình khuyến mãi lớn nhằm kích cầu tiêu dùng, nhưng tình hình cũng không mấy khả quan khi doanh số bán hàng liên tục sụt giảm mạnh. hiện nay có thể thấy, hầu hết các dòng xe đều được chào dưới giá niêm yết từ 2-3 triệu đồng/chiếc.

Hiệp hội đã gửi công văn lên các cơ quan quản lý đề xuất nhiều phương án hỗ trợ DN như đề nghị xóa phạt quá hạn về thuế, giảm thuế thu nhập DN, hỗ trợ lãi suất, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu ra 5%... Theo hiệp hội này, gói hỗ trợ sẽ có ý nghĩa lớn trong việc duy trì ngành sản xuất vốn nội địa cho các DN trong ngành.

Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) thời gian qua cũng liên tục kêu cứu đến các cơ quan chức năng. bởi doanh số bán hàng sụt giảm. Ngành công nghiệp ôtô VN đang đối mặt với sự sụt giảm doanh số chưa từng có. Theo đó, doanh số trong 5 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm 2011 đã giảm 40%. VAMA cho rằng, việc doanh số bán ôtô giảm mạnh cho thấy ngành công nghiệp ôtô đang đứng trước khó khăn "vô cùng to lớn".

Doanh số sụt giảm mạnh được VAMA nhận định là có ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách của các tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô đặt trụ sở chính. Kế hoạch sản xuất kinh doanh của các thành viên VAMA cũng bị điều chỉnh tương ứng với tình trạng thực tế của thị trường khiến hàng trăm công nhân phải nghỉ việc.


Để cứu thị trường, VAMA cho biết, đã và đang đề xuất Chính phủ thực hiện một số biện pháp như tuyên bố hủy bỏ đề xuất thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, giảm mức lệ phí trước bạ xuống một tỷ lệ hợp lý (tương đương với 5%, áp dụng đồng đều trên cả nước, tương tự như lệ phí trước bạ áp dụng đồng đều cho xe tải là 2%)...

Ngoài ra VAMA còn có riêng văn bản kêu cứu gửi UBND hai địa phương là Hà Nội và TP.HCM đề nghị giảm mức phí trước bạ đối với ôtô chở người xuống mức thấp nhất theo quy định của Chính phủ, tức là chỉ còn 10% thay vì 20% như hiện nay để giải cứu thị trường.


Theo VAMA, một trong những nguyên nhân khiến thị trường ôtô đóng băng là do phí trước bạ đối với xe ôtô chở người tại Hà Nội tăng từ 12% lên 20%, TP.HCM tăng từ 10% lên 15%. Việc tăng mạnh phí trước bạ khiến nhiều khách hàng nản và quyết định dừng mua xe mới.

VAMA khẳng định, nếu HĐND, UBND hai địa phương đồng ý với đề xuất nêu trên, doanh số bán ôtô có thể "ngay lập tức trở lại mức bình thường", qua đó giải quyết việc giảm đóng góp vào ngân sách Nhà nước, đảm bảo việc làm cho người lao động và người tiêu dùng Việt Nam có thể mua xe ôtô với mức giá hợp lý.

 

Theo VEF

Các tin cũ hơn