Ảnh hưởng của suy giảm kinh tế khiến hàng ngàn doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động. Để hỗ trợ doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất tiền vay và đưa ra nhiều chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp. Thế nhưng, tại thành phố Đà Nẵng đến nay gần như chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được vốn vay lãi suất này.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Đà Nẵng, hết tháng 5 năm này, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tài chính tín dụng trên địa bàn thành phố đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng chậm, giảm 1,75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp vẫn đang loay hoay trong việc tiếp cận nguồn vốn rẻ của ngân hàng
Tuy nhiên, điều đáng nói là mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã liên tục giảm lãi suất cho vay và đưa trần huy động về mức 11%, thế nhưng lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng vẫn ở mức cao, trên 18%, có ngân hàng vẫn giữ trên 20%.
Nghị quyết 13 của Chính phủ nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, theo đó 4 nhóm ngành nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thế nhưng, trong tổng dư nợ hơn 47 ngàn tỷ đồng thì tổng dư nợ của doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ chiếm 42%, khối doanh nghiệp xuất khẩu chiếm chưa tới 5%; nông nghiệp nông thôn cũng chỉ đạt hơn 2%.
Việc khó tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi tất yếu dẫn đến kết quả là hơn 4.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tổng số 14.000 doanh nghiệp ở thành phố Đà Nẵng rơi vào tình trạng phá sản hoặc ngừng hoạt động.
Chủ một doanh nghiệp xuất khẩu ở thành phố Đà Nẵng chia sẻ:“Quy định trần lãi suất 15% áp dụng cho một số đối tượng trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa không có nợ quá hạn thì rất được doanh nghiệp chờ đón. Nhưng thực tế việc tiếp cận ưu đãi này không thực hiện được vì các ngân hàng trả lời rằng đang chờ chỉ đạo từ hội sở”.
Mức lãi suất còn cao là do hợp đồng ký kết ban đầu giữa doanh nghiệp với ngân hàng chưa đến thời điểm hạ lãi suất. Thông tư 14 và Quyết định 780 của Ngân hàng Nhà nước về vấn đề trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng Việt Nam đồng từ đầu tháng 6 tối đa 13%; các ngân hàng phải phân loại nợ, cơ cấu lại nợ, cho vay trả nợ…
Đây là giải pháp rất quan trọng để cứu doanh nghiệp bởi trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, làm ăn không hiệu quả nên tài sản hầu hết đã thế chấp trong ngân hàng. Nợ cũ với mức lãi suất cao chính là gánh nặng đè lên vai chủ doanh nghiệp, vì vậy khó còn cơ hội để tiếp cận nguồn vay mới với mức lãi suất thấp mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành.
Tuy nhiên, để những giải pháp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thực sự là cái “phao” cứu doanh nghiệp còn phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí của ngân hàng.
Ông Huỳnh Văn Quy, Giám đốc Ngân hàng Inovina Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng: “Hiện nay một số doanh nghiệp doanh số vay mục đích là để trả nợ cũ. Họ mong muốn ngân hàng điều chỉnh nợ cũ để giảm khó khăn cho họ. Ở đây là những doanh nghiệp làm ăn thực sự và thực sự khó khăn. Loại doanh nghiệp thứ hai khó khăn hơn thì đang cần ngân hàng điều chỉnh kỳ hạn nợ, giãn nợ. Chúng ta cũng nên chia sẻ với họ, nhất là vấn đề lãi suất”.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng: “Lãi suất còn phải giảm mạnh hơn nữa. Đối với các khoản cho vay mới thì phải đưa về mặt bằng lãi suất cho vay mới hiện nay, đối với các khoản cho vay cũ thì cũng phải cơ cấu lại lãi suất để đảm bảo tương thích với mặt bằng lãi suất hiện nay để với những doanh nghiệp có cơ tồn tại thì cũng là hỗ trợ để cho doanh nghiệp đỡ chi phí; còn với những doanh nghiệp đang gặp khó khăn trước mắt thì còn có cơ hội để khôi phục trở lại.”
Những giải pháp của Chính phủ thực sự cần thiết, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, để những giải pháp này thực sự phát huy hiệu quả cần sự kiểm soát chặt chẽ cũng như thiện chí tích cực từ phía ngân hàng.