Cực Bắc và những thương vụ đắng từ… lòng đất - Kỳ 2: Đổi môi trường… lấy tiền?

Thứ ba, 03/07/2012, 15:40
Từ một thiển ý rất tốt là mở rộng chiến lược khai khoáng, giải quyết công ăn việc làm và tạo nguồn thu nên các mỏ trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh Hà Giang được tạo điều kiện thuận lợi tối đa. Nhưng với những hệ lụy về làm ăn kém hiệu quả hiện tại thì Hà Giang đang đứng trước những thảm trạng về môi trường.
Hà Giang lại là tỉnh đầu nguồn, nơi có dòng sông Lô và sông Gâm ngày đêm đưa nước về nhập vào với sông Hồng. Vậy nên không ai dám bảo là các tỉnh cuối nguồn sẽ không gánh chịu hậu họa về những ô nhiễm của tình trạng khai khoáng đại trà này.
 
Nhức đầu vì… đơn thư
 
Hà Giang đã và đang phải nhức đầu về tình trạng kiện cáo giữa người lao động và chủ doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Cao điểm nhất về sự kiện cáo của hậu "Đại công trường” này phải kể đến vụ việc căng thẳng giữa Cty TNHH Sông Lô mà đứng đầu là ông Lê Duy Hảo với nguyên Chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô.

Thời gian trôi, kiện cáo về hậu "Đại công trường” đã vãn thì nay các cấp, ngành Hà Giang lại đang đau đầu do tình trạng khiếu kiện đông người về việc khai thác khoáng sản.

Nước sông Lô cũng bất thường hơn khi có nhiều doanh nghiệp vào địa bàn để thực hiện khai khoáng.
 
Trong nhiều vụ kiện về khai khoáng, xâm hại đến môi trường, phá hủy nguồn nước và đất sản xuất của người dân, tiêu biểu nhất trong thời gian gần đây phải kể đến vụ kiện cáo của người dân ở xã Ngọc Linh. Cty L. được cấp phép vào đây khai thác với những hứa hẹn là tạo công ăn việc làm, giữ gìn môi trường thì chưa đầy 2 năm sau đã làm nguồn nước của dân tê liệt.

7 dân tộc sinh sống ở đây chỉ trông chờ vào nguồn nước từ trên núi chảy xuống. Thế nhưng sau khi kéo máy móc vào, đất đá từ khai trường đã vùi lấp nguồn nước của dân.
 
Dân làm đơn, gửi và tìm gặp doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp né tránh. Không chịu được nữa, dân cử người đại diện ra huyện gặp lãnh đạo. Không biết vì lý do gì đấy lãnh đạo ở đây cũng khó có giải thích với dân. Không nước sinh hoạt, không nước canh tác, dân lại cơm nắm cơm đùm lên tỉnh gặp lãnh đạo. Và tình trạng đi và gặp này đến nay vẫn chưa ngã ngũ chỉ vì một lý do doanh nghiệp đang làm ăn không hiệu quả.
 
Vào khai thác mỏ thì hứa hẹn, cam kết, nhưng do làm ăn kém hiệu quả nên cái việc cốt lõi nhất là bảo vệ và hoàn nguyên môi trường cũng khó được các doanh nghiệp thực hiện.

Một chủ doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở đây cho biết: Thú thực là ai cũng biết môi trường khai thác khoáng sản là rất quan trọng. Doanh nghiệp vào khai thác, ngoài hồ sơ DTM (đánh giá tác động môi trường) thì phải có cam kết và phương án hoàn nguyên môi trường. Nhưng như anh thấy đấy, khai thác kém hiệu quả, tiền trả lương cho công nhân, tiền thuế đóng theo định kỳ, tiền lãi ngân hàng nữa thì lấy đâu ra tiền để mà có trách nhiệm về môi trường.
 
Khu Tùng Bá, nơi được mệnh danh là rốn quặng sắt của Hà Giang, thì dòng sông Ma hiện nay cũng đục ngàu và có dấu hiệu bất thường. Nhìn cảnh cát sỏi và đất đai từ các công trường vây hãm dòng sông ai cũng bảo dòng sông Ma thực ra đang gọi là dòng sông chết.

Các lãnh đạo những thôn bản kề cận dòng sông nơi đây cho biết: hằng ngày phải nhức đầu với đề xuất của dân. Cũng may người dân trên đây thuần và ngại viết đơn chứ với nơi khác thì còn buốt đầu hơn nữa về đơn thư của dân.
 
Khai thác khoáng sản không chỉ mất màu xanh của rừng mà còn đe dọa đến đất canh tác của dân.
 
Ngoài việc phá hủy môi trường, cám cảnh nhất là việc phá hủy hệ thống hạ tầng giao thông. Phần lớn các tuyến đường liên thôn, liên xã và liên thị này đều là tiền do dân đóng góp hay các nguồn đầu tư từ ngân sách. Nhưng chỉ đôi ba năm sau khi các doanh nghiệp vào khai thác, các tuyến đường này đã bị băm vằm. Lợi nhuận đóng góp chưa thấy đâu thì nay hậu họa nhãn tiền đã thấy khi các cung đường hàng ngàn tỷ đồng đã "đội nón” ra đi vì hai chữ "khoáng sản”.
 
Đã có một thời gian, người dân xã Tùng Bá (Vị Xuyên) rất tự hào khi trên địa bàn có nhiều dự án khai thác mỏ được khởi động. Nhân dân kỳ vọng con em họ sẽ có việc làm ổn định tại các công trường, nhà máy. Nhưng đến nay, những dự án đó đã tác động lớn đến cuộc sống của họ theo hướng tiêu cực.

Điều nhìn thấy rõ nhất là con đường vào Tùng Bá hôm nay rất thảm hại, nó bị phá tung với những ổ gà, ổ voi do các xe chở quặng tạo ra. Nguy cơ về mất an toàn khi tham gia giao thông của người dân, về thảm hoạ môi trường đang từng ngày, từng giờ đe doạ.
 
Lạnh người về những con số
 
Hiện tại với 20 mỏ được cấp phép khai thác nhưng trong vòng 3 năm qua họ mới giải quyết được trung bình có 60 lao động/mỏ. Thế nhưng sự giải quyết công ăn việc làm cho người địa phương theo như cam kết cũng ngắc ngoải lắm. Số mỏ làm ăn được chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại phần lớn các mỏ thì chủ và tớ đều rơi vào tình cảnh lao đao.
 
Việc làm ít, thu nhập thấp và cái quan trọng là tàn dư để lại cho môi trường đã đến lúc cảnh báo. Trước tình trạng môi trường bị phá hủy này, trong đợt rà soát lại gần đây đã có 19 mỏ bị tỉnh nhắc nhở về bảo vệ và vệ sinh môi trường. 7 doanh nghiệp khai thác khoáng trên địa bàn đã bị Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu dừng khai thác để chấn chỉnh về môi trường.
 
Tình trạng coi thường môi trường đang trở thành vấn đề nhức nhối đối với các doanh nghiệp và các mỏ trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi có "cơn sốt” "Đại khai khoáng”, vừa rồi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang cũng đã vào cuộc. Đánh giá tác động của hoạt động khai thác khoáng sản đến môi trường được Sở này tổ chức trên địa bàn 2 huyện là Bắc Mê và Vị Xuyên đã cho những kết quả đáng lo ngại.
 
Bên cạnh những báo động về ô nhiễm và tác động môi trường này, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã khuyến cáo thêm: Nếu không có kế hoạch khai thác tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, diện tích đất rừng sẽ bị thu hẹp, đất nông nghiệp bị ảnh hưởng đến chất lượng do xói mòn làm mất chất dinh dưỡng.
 

Theo Đại Đoàn Kết

Các tin cũ hơn