Đại gia nhà cổ, giá trăm tỷ/ngôi nhà

Thứ ba, 03/07/2012, 13:07
Cách Hà Nội khoảng 35km, tới thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang, Hải Dương) là nơi đại gia Phạm Văn Nhân (sinh năm 1964) sinh sống. Ông vừa phục dựng xong 7 khu nhà cổ (mỗi khu trị giá hàng chục tỷ đồng).

>>Ngôi nhà gỗ quý dát vàng "khủng" nhất miền Bắc
>>Một cán bộ xã làm nhà gỗ "khủng" ngay Trạm bảo vệ vườn Quốc gia Vũ Quang
>>Đại gia và...quan chức
>>Chùm ảnh đại gia xây mộ chờ ướp xác mình

Thú chơi nhà cổ
 
Tiếp chúng tôi, “đại gia Hải Dương” chia sẻ, tôi không giống một số người khác thích sưu tập xe hơi đắt tiền hay mua những căn biệt thự tráng lệ dát vàng. 

"Nghệ thuật luôn hướng con người tìm kiếm chân, thiện, mỹ. Khi đó, con người biết dùng khả năng nghệ thuật của mình để mở ra với cuộc sống, chứ không đóng khung trong những động cơ thấp hèn, mục đích vụ lợi"
Tôi chỉ tậu cho mình chiếc Mẹc vài tỷ đồng làm phương tiện làm ăn, còn bao nhiêu của cải đổ vào thú chơi phục dựng đình làng, nhà cổ.
 
Câu chuyện về thú chơi lạ mà không phải ai cũng đủ tiền chơi của người đàn ông thành đạt với chúng tôi được ông kể từ thuở hàn vi nghèo khó.
 
Xuất thân từ nông dân, 16 tuổi, chàng trai Phạm Văn Nhân vật lộn với cuộc mưu sinh, nay đây mai đó, từ tỉnh này qua tỉnh khác.
 
Ban đầu, Phạm Văn Nhân theo cha mẹ buôn bán tạp hóa ở các chợ tạm. Thời đó chỉ buôn bán ít bao diêm, vài gói thuốc lá, kim, chỉ, bánh xà phòng (của Liên Xô cũ)… Gia đình tần tảo, chịu khó. Cuộc sống dần bớt khó khăn.

Một trong 7 khu nhà được anh Nhân phục dựng
 
Năm 1986, Phạm Văn Nhân quyết định đánh quả liều, bán nhà cửa lấy 8 chỉ vàng mua đầu máy nổ Ba Lan, công suất 4 mã lực, sau đó lại đổi cho người khác để lấy vàng.
 
Mỗi lần mua đi bán lại, Phạm Văn Nhân lãi một chỉ vàng. Công việc kinh doanh cứ theo đà ấy hanh thông, cứ thế phất lên.

Anh Nhân kể, tình yêu với… đồ cổ đến một cách tự nhiên khi một lần nhặt được bộ chân nến gỗ cổ ngoài đường. Về nhà, anh cứ ngắm mãi, thấy thú vị.
 
Thời điểm đó, thú chơi đồ cổ còn lạ lắm. Tò mò tìm kiếm thông tin, Phạm Văn Nhân bị hút hồn vào thú chơi này lúc nào không biết. Khi có của ăn của để, anh Nhân kể, đi hết làng này đến xóm khác để sưu tầm bình vôi, điếu bát, ấm, chén cổ…
 
Công việc làm ăn đòi hỏi phải đi khắp nơi, anh Nhân luôn để ý, ghi lại địa chỉ những ngôi nhà cổ từ Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình… Khi đó chưa đủ tiền mua nhà to, thì sắm đồ vật như hoành phi câu đối, độc bình…

Anh Nhân giới thiệu những đồ vật quý trong căn nhà kiểu Pháp
 
Những năm 2000, anh Nhân mở xưởng, rồi mở công ty. Việc kinh doanh khá thuận lợi… Có tiền trong tay, năm 2008, anh bắt đầu nâng cấp thú chơi đồ cũ: dựng đình. Anh mua những ngôi nhà cổ, đình làng, tập kết quanh nơi mình ở, tạo nên một quần thể độc đáo.
 
Những ngôi nhà tồi tàn, người ta đập đi xây mới, có khi chỉ còn lại vài chiếc cột, mấy cái kèo, tôi cũng mua về để phục dựng nhà cổ theo ý mình - Anh Nhân nói.
 
Và, cùng với thời gian và niềm đam mê đến nay, vị giám đốc tên Nhân đã phục dựng thành công bảy ngôi nhà cổ tại thị trấn Kẻ Sặt (Hải Dương). Bên trong mỗi ngôi nhà cổ chỉnh chện 7 bộ tràng kỷ cổ.
 
Đưa làng về phố
 
Ngồi trò truyện với chúng tôi trong căn nhà cổ 5 gian vừa phục dựng xong được mấy tháng, chủ nhà liên tục đứng lên vì khách tấp nập đến ngắm, hỏi han. Những đôi uyên ương từ nhiều nơi cũng tìm về xin chụp ảnh cưới…
 
Anh Nhân bảo, với mình, nhà cổ là một nét nghệ thuật. Nghệ thuật luôn hướng con người tìm kiếm chân, thiện, mỹ. Khi đó, con người biết dùng khả năng nghệ thuật của mình để mở ra với cuộc sống, chứ không đóng khung trong những động cơ thấp hèn, mục đích vụ lợi.

Anh Nguyễn Mạnh Cường, bạn của chủ nhà, thêm vào câu chuyện: Căn nhà này có diện tích 320 m2, gồm nhiều gian, được ghép từ năm nếp nhà tương đương.
 
Các nếp nhà được anh Nhân mua từ nhiều tỉnh thành khác nhau như Nam Định, Thái Bình, Hải Dương… và đều có tuổi thọ cách đây gần 150 năm. Mua được nó, chủ nhà đã tính chi trên 50 tỷ đồng.
 
Khi phục dựng 7 khu nhà cổ, anh Nhân thuê gần 1.000 nghệ nhân đến từ Bắc Ninh, Nam Định. 50 nghệ nhân làm việc trong hai năm mới hoàn thiện phần mộc của một khu nhà.

Một góc mái của Phương đình
 
Anh Cường chỉ và giới thiệu cho chúng tôi chi tiết từng vật dụng trong ngôi nhà mà các vị khách đang có mặt. Nhà được thiết kế với dãy 9 cột lớn, mỗi cột cao 7 mét, phải hai người ôm.
 
Trong nhà trưng bày nhiều vật dụng quý như tủ đứng, giường, sập ngụ có niên đại trước năm 1914. Nhiều vật và linh vật thờ tự cũng được sưu tầm về.
 
Ông chủ này bảo, vì là đồ thờ nên người bán bao giờ cũng cân nhắc kỹ lưỡng, hỏi han về mục đích sử dụng. Có người cẩn thận đến mức, họ phải tìm hiểu nhân thân của người mua mới quyết định trao cho anh những “báu vật” đó.
 
Anh Nhân cho hay, 9 bộ bàn ghế cổ trong nhà trị giá từ 4 đến 5 tỷ đồng. Đôi giường, đôi sập cũng có giá gần 3 tỷ. Hoành phi, câu đối và các đồ vật khác cộng lại cả chục tỷ đồng.
 
Chúng tôi đến khu quần thể nhà cổ Việt, trông giống những đình làng mái đao cong vút. Căn nhà này được thiết kế theo kiểu “tam quan ngũ cửa”, phía ngoài là 3 cổng lớn, 5 cánh cửa lớn, qua cổng là khu phương đình (người xưa thường dùng để đối ẩm khi khách đến chơi, hoặc chờ gia chủ).
 
Căn nhà gồm 7 gian (250 mét vuông) được ghép từ 2 căn nhà thờ họ mua từ Đông Hưng và Đồng Khê (Thái Bình), ghi năm sinh là 1904.
 
Bộ cột kèo gian chính được tạc Long, Ly, Quy, Phượng. Khi phục dựng, anh Nhân vào tận Thanh Hóa mua bổ sung gỗ lim làm vách. Trong căn nhà này được trưng bày nhiều bộ bàn ghế quý có giá trị từ 400 đến 500 triệu đồng.
 
Gia chủ nói, ngôi nhà được chính quyền thành phố Huế đề nghị đưa vào miền Trung để trưng bày. Chủ nhà sẽ được hưởng các khoản tiền từ việc bán vé đem lại. Anh Nhân đã từ chối.
 

Anh Nguyễn Văn Hưng, người dân thị trấn Kẻ Sặt tiết lộ, sau khi phục dựng xong những căn nhà này, nhiều đại gia ở các tỉnh, thành khác đổ về đây trả hơn 100 tỷ đồng/căn, nhưng anh Nhân không bán, mà chỉ để làm quán trà tiếp khách.
Hiện 5 nhà cổ còn lại được phục dựng từ những căn nhà cổ thuần Việt có diện tích nhỏ hơn, song nó có giá trị tương đương với hai ngôi nhà trên.
 


Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích