Chiều 3/7, ông Trần Ngọc Thành - Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT cũng cho biết, ông đang họp với các bộ phận chuyên môn để đưa ra đề nghị các doanh nghiệp tính toán chi phí vận tải, tiến tới giảm giá cước, tránh thiệt hại cho người tiêu dùng.
|
Giá hàng hóa đã... “hóa đá”!
Không chỉ các doanh nghiệp vận tải, taxi cố tình "chây ì" việc giảm giá sau khi giá xăng dầu giảm, mà giá cả hàng hóa, thực phẩm nói chung hầu như không hề có động tĩnh gì trong việc hạ. Không ít người tiêu dùng bức xúc nhận xét giá cả giờ "hóa đá" trước tin giảm giá xăng dầu và chỉ phản ứng nhanh là tăng lại mỗi khi giá xăng dầu tăng. Ghi nhận của phóng viên tại chợ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội ), giá các loại rau xanh đang ở mức cao. Hiện đang mùa rau muống nhưng vẫn có giá tới 7.000 đồng/mớ, rau dền cơm 4.000 đồng/mớ, cải mơ giá 4.000 đồng/mớ, hoa thiên lý 80.000 đồng/kg... Các loại cá đồng tuy không tăng giá mạnh như mặt hàng rau nhưng giá cũng khá cao. Cá quả có giá 140.000 đồng/kg, tép mương 50.000 đồng/kg, tôm giá 200.000 đồng/kg, cua đồng giá 140.000 đồng/kg, hến 15.000 đồng/kg... Chị Thu Hương (nhà G4, tập thể Thành Công) cho rằng: Dường như chỉ có gạo là giá hạ chút ít, thịt gia súc, gia cầm các loại giảm không đáng kể, còn lại hầu hết các loại thực phẩm vẫn giữ giá. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng cho rằng: Khó có thể kết luận các mặt hàng không giảm khi giá xăng đã có tới 5 lần giảm giá. Tuy nhiên, theo cái nhìn cảm quan thì ai cũng nhận thấy mỗi khi xăng dầu tăng là lập tức các mặt hàng ào ạt tăng theo, nhưng khi giá xăng dầu giảm thì hàng hóa không mấy khi tạo được "làn sóng" giảm giá. Người tiêu dùng bây giờ chỉ còn biết hy vọng các doanh nghiệp tự nguyện giảm giá chứ không có cách gì để "bắt" họ được. |