Nhìn vào bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm cho thấy, nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn nhất, tăng trưởng thấp. Trong bối cảnh đó, không ít người lo ngại việc “điều chỉnh linh hoạt” sẽ thành “đảo chiều chính sách”, dù về tổng thể, chúng ta vẫn quan tâm đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Lạm phát ở Việt Nam do 3 yếu tố. Một là cung tiền và đầu tư công. Hai là do biến động của kinh tế thế giới, giá cả hàng hóa, tác động đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp (DN). Ba là tình trạng “đô la hóa”.
Nếu nhìn dưới 3 góc độ này thì từ trước đến nay chúng ta làm không được việc chống lạm phát.
Nhưng về cơ bản, nếu tổng đầu tư xã hội khoảng trên dưới 30% và tổng cung tiền trung bình trên dưới 15% thì lạm phát ở Việt Nam tương đối ổn định, tất nhiên là phải ngoại trừ các cú sốc bên ngoài.
Lo ngại nợ xấu trở thành “nút thắt mới” của nền kinh tế, một số tờ báo đặt vấn đề, tại sao lúc Chính phủ nói 3,6% lúc nói 10%, còn HSBC lại khen ngợi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã “dũng cảm” nói ra sự thật con số 10%.
Năm 2012, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách khoảng 180 ngàn tỷ đồng, từ đầu năm mỗi tháng giải ngân được 12,7 ngàn tỷ đồng nhằm mục tiêu giải quyết các khó khăn, ách tắc của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Nếu năm nay thực hiện đúng kế hoạch, kể cả việc giải ngân gần 120 ngàn tỷ đồng, chưa kể tín dụng tăng 15 - 17% như tính toán, thì tổng đầu tư toàn xã hội cũng không vượt quá 33 - 34%.
Đấy là chưa kể đầu tư tư nhân hiện nay đang giảm. Tín dụng, nếu làm tốt, thì từ nay đến cuối năm chỉ tăng trên dưới 10%, trong điều kiện không có các cú sốc bên ngoài - xác suất cao do tình hình kinh tế thế giới được dự báo xấu đi từ nay đến năm sau.
Như vậy, việc thực hiện quyết liệt kế hoạch khơi thông nguồn tín dụng, khả năng lạm phát năm nay và năm sau không phải quá cao.
Tuy nhiên, ở đây có 2 rủi ro. Một là biến động của thế giới, biến động của giá đô là và giá vàng gắn với “đô la hóa”, dù hiện nay vòng xoáy “đô la hóa” đang giảm.
Hai là chúng ta đang quá đà hứng khởi, nên trong điều hành hiện nay Chính phủ rất quan tâm, liên tục cập nhật tình hình từ nay đến tháng 8, tháng 9 để nếu cần sẽ có điều chỉnh nhất định.
Một vấn đề nữa, lo ngại nợ xấu trở thành “nút thắt mới” của nền kinh tế, một số tờ báo đặt vấn đề, tại sao lúc Chính phủ nói 3,6% lúc nói 10%, còn HSBC lại khen ngợi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã “dũng cảm” nói ra sự thật con số 10%.
Thực tế, có 3 nguồn khác nhau đưa ra số liệu nợ xấu của các ngân hàng của Việt Nam, nên cách so sánh giữa con số 3,6 và 10% nợ xấu của một số tờ báo là không chính xác.
Số liệu nợ xấu thứ nhất được công bố cuối năm ngoái khoảng 3,1% và bây giờ là 3,6% hoặc trên dưới 4% là do NHNN tổng hợp từ các báo cáo của các NHTM.
Số liệu thứ hai mà Thống đốc NHNN “lộ ra” được dựa trên đánh giá của Thanh tra NHNN. Trước đây, số liệu ấy khoảng 6 - 7% và bây giờ tăng lên mức 10%.
Số liệu thứ 3 là của các tổ chức quốc tế, các tổ chức định mức tín nhiệm công bố khoảng 13 - 14 %. Ở đây, chưa nói về độ chính xác, nhưng những số liệu này rất quan trọng để ước tính nguồn để xử lý nợ xấu, đặc biệt là nợ nhóm 4 và nhóm 5, dự tính khoảng 40% tổng dư nợ của nợ xấu.
Hiện nay, không cần đặt vấn đề lãi suất, trừ khi có cú sốc quá lớn. Bước đi của Thống đốc NHNN đối với lãi suất dài hạn được cho là khôn ngoan.
Tuy nhiên, thực sự các điều kiện đã tương đối chín muồi, chỉ trừ một điều kiện cần làm nốt là xử lý nợ xấu ngân hàng, nhưng phải mở ngoặc, trừ trần lãi suất đồng đô la.
Xử lý nợ xấu và tạo thanh khoản cho nền kinh tế có 2 khía cạnh: Đầu ra cho DN - nền kinh tế thực, khả năng hấp thụ vốn và tạo chuẩn cho DN tiếp cận được vốn của ngân hàng. Để xử lý nợ xấu, về mặt kỹ thuật có mấy nguyên tắc quan trọng.
Một là, cơ chế/tổ chức để thực hiện cơ cấu nợ xấu phải có quyền hạn đầy đủ và đặc biệt, vì phải xử lý rất nhanh và quyết liệt, tất nhiên không phải là hấp tấp. Điều này quan trọng và khó khăn hơn rất nhiều so với việc huy động trong hạn đến đâu.
Thứ hai, vì nó có quyền lực, cơ chế đặc biệt cho nên phải có giám sát rất đặc biệt, nhưng gắn với giám sát đặc biệt ấy là nhóm chuyên gia chuẩn.
Ba là, định giá để mua bán nợ trong điều kiện thị trường mua bán nợ của Việt Nam chưa hoàn hảo, thậm chí còn rất manh nha, thì việc kết hợp nguyên tắc thị trường với nguyên tắc định giá và giám sát sẽ tạo được thanh khoản cho thị trường này rất quan trọng, nếu không sẽ không mua bán được nợ.
TS. VÕ TRÍ THÀNH - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương