Nhức nhối xi măng và những cái tên bị “điểm mặt”

Thứ tư, 04/07/2012, 13:40
Những cái tên đang gây nhức nhối trong ngành xi măng như: Xi măng Hạ Long, Xi măng Đồng Bành, Xi măng Quang Sơn, Xi măng Tam Điệp... đã được Bộ Xây dựng điểm mặt và làm rõ nguyên nhân yếu kém.

>> Nhà máy xi măng lỗ, Nhà nước gánh nợ
>> Đến lượt nhà máy xi măng đổ nợ
>> Hải Dương: Chết mòn vì khói bụi xi măng
>> Ngành điện bù lỗ hơn 3 nghìn tỷ đồng cho thép và xi măng

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam  


Trước thông tin về khả năng mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng trên thị trường xi măng hiện nay có nguyên nhân từ việc xây dựng quy hoạch ngành có “vấn đề”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã có cuộc trao đổi với báo giới. Thứ trưởng cho biết:
 
Trong 6 tháng đầu năm 2012, tiêu thụ xi măng đạt khoảng 28 triệu tấn. Cộng với lượng tồn lũy kế từ năm 2011, số tồn kho của xi măng tính đến thời điểm hiện tại là 2,8 triệu tấn. Theo tôi, số tồn kho này tương đương với sản lượng 20 ngày sản xuất nằm trong giới hạn cho phép và an toàn.
 
Điều đáng nói là, trong cái gọi là tồn kho chung của toàn ngành với 2,8 triệu tấn nói trên cũng không phải là tình trạng chung của tất cả các doanh nghiệp xi măng. Rất nhiều nhà máy hiện không hề có tồn kho.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tiêu thụ xi măng trên thị trường hiện đang rất khó khăn trong khi dây chuyền sản xuất thì quá nhiều . Và đây mới chính là vấn đề khiến người ta băn khoăn để việc xây dựng quy hoạch ngành xi măng. Ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này?
 
Toàn ngành xi măng hiện có 62 dây chuyền sản xuất xi măng lò quay, tổng công suất đạt 57,6 triệu tấn/năm. Nếu như nhu cầu xi măng năm 2011 chỉ từ 54-55 triệu tấn (nghĩa là cung đang lớn hơn cầu không nhiều) thì chỉ tới năm 2015, chỉ số tiêu thụ dự báo là 75-76 triệu tấn, năm 2020 là 93-95 triệu tấn, năm 2030 sẽ là 113 - 115 triệu tấn. Nếu chúng ta chỉ lấy thời điểm khó khăn hôm nay để đánh giá và điều chỉnh Quy hoạch thì không hợp lý.  

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam
  "Nếu chúng ta chỉ lấy thời điểm khó khăn hôm nay để đánh giá và điều chỉnh Quy hoạch thì không hợp lý"

Xi măng đang nỗ lực “tìm đường” vào các công trình dự án giao thông (đặc biệt là giao thông nông thôn) đang được ưu tiên phát triển trên phạm vi toàn quốc, hoặc các dự án sản xuất vật liệu xây không nung với những hứa hẹn lớn về tiềm năng phát triển trong tương lai không xa.
 
Thứ trưởng nói gì về hiện tượng một số nhà máy mới đầu tư nhưng không thể phát huy được năng lực máy móc thiết bị, không hoàn được vốn, thậm chí có nguy cơ vỡ nợ có liên quan gì đến chất lượng quy hoạch ngành?
 
Chúng ta có thể gọi thẳng những cái tên đang gây nhức nhối trong ngành xi măng như Xi măng Hạ Long, Xi măng Đồng Bành, Xi măng Quang Sơn, Xi măng Tam Điệp...
 
Ví dụ, Nhà máy xi măng Đồng Bành thua lỗ là do các cổ đông không đóng góp đủ vốn điều lệ, thiếu vốn hoạt động, lại tổ chức sản xuất không tốt; Xi măng Hạ Long thì do bị kéo dài thời gian đầu tư, bị tăng tổng mức đầu tư và do trượt giá nên dù sản xuất tốt, hàng tiêu thụ hết nhưng vẫn thiếu hụt dòng tiền…
 
Mới đây, Bộ Xây dựng cũng thực thi những động thái quyết liệt như đình chỉ 3 dự án nghiền clinker ở phía Nam khi phát hiện không nằm trong quy hoạch được phê duyệt.
 
Việc kết luận rõ như vậy cho thấy dù dự án được xây dựng đúng quy hoạch, có thị trường tốt nhưng tổ chức triển khai dự án không tốt, không cân đối giữa vốn tự có và vốn vay, tổ chức sản xuất không tốt, thiếu sự đồng lòng quyết tâm vượt khó của những người vận hành dự án thì kể cả trong điều kiện sản xuất bình thường cũng nan giải chứ chưa nói tới bối cảnh chung vô cùng khó khăn của nền kinh tế trong thời điểm này.
 
Vậy theo thứ trưởng, ngành xi măng cần có những hướng đi như thế nào để hạn chế tình trạng xấu như: dư thừa hay vỡ nợ tại các doanh nghiệp…, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay?
 
Vượt qua những khó khăn với các dư chấn về các đợt “nóng – lạnh” bất thường từng xảy ra trong quá khứ, ngành xi măng đang dần dần đi đúng vào “quỹ đạo” trong quy hoạch phát triển ngành, ở từng giai đoạn cụ thể. Chúng ta cũng rất thận trọng xem xét rà soát quy hoạch hàng năm để có những điều chỉnh cần thiết phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Bộ Xây dựng một mặt khuyến khích các doanh nghiệp xi măng nỗ lực thực thi các kế sách vượt khó như: tăng cường quản lý đầu tư, tăng sức cạnh tranh cả về chất lượng và giá bán, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, xuất khẩu... , một mặt khuyến cáo các doanh nghiệp phải cân nhắc hết sức thận trọng về các quy định đầu tư mới, đảm bảo đủ vốn và kiểm soát dòng tiền của mình.
 
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
 
Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích