Lãi suất cho vay vẫn… trên trời

Thứ tư, 04/07/2012, 14:45
Lãi suất điều hành do ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố dồn dập giảm, một số ngân hàng cũng rầm rộ quảng bá các chương trình giảm lãi suất cho vay, song lượng tín dụng lãi suất thấp rất ít, lãi suất cho vay cao gấp đôi lãi suất huy động vẫn còn phổ biến.
 
 
Chỉ trong vòng bốn tháng qua, trần lãi suất huy động đã giảm tới bốn lần, từ 14%/năm ngày 13.3 xuống còn 9%/năm ngày 11.6.2012. Các ngân hàng thương mại cũng lần lượt công bố các chương trình giảm lãi suất cho vay vốn.

Như ngân hàng BIDV, từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 đã hai lần công bố giảm lãi suất cho vay, và là lần thứ tư tính từ đầu năm đưa mức lãi suất cho vay vốn thấp nhất tại ngân hàng này còn 12%/năm. Vietcombank, mức sàn cho vay cũng còn 12%/năm.

VIB cởi mở với tín dụng bất động sản khi công bố triển khai gói cho vay ưu đãi bất động sản với mức lãi suất thấp nhất chỉ 9,9%/năm trong ba tháng đầu dành cho các khách hàng có nhu cầu vay mua, xây dựng, sửa chữa nhà.
 


Nhiều doanh nghiệp chưa thể chạm được số vốn lãi suất thấp. Ảnh minh họa
 
Đặc biệt, thấp nhất về lãi suất tín dụng trên thị trường hiện nay đang thuộc về ngân hàng Eximbank, khi tung ra chương trình cho vay VND với lãi suất 7%/năm, với điều kiện khách hàng bù đắp chênh lệch về tỷ giá.
 
Muối bỏ biển
 
Tuy nhiên, ngoại trừ Eximbank công bố cụ thể: 60% khách hàng của họ đang được vay vốn lãi suất 14 – 15% và gói tín dụng hưởng lãi suất 7%/năm đã giải ngân được gần 2.700 tỉ đồng cho 234 khách hàng (bao gồm 35 cá nhân, 199 doanh nghiệp).

Còn lại, lượng tín dụng có lãi suất thấp chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu tín dụng của các ngân hàng, và số doanh nghiệp tiếp cận được các gói tín dụng ưu đãi đó cũng hết sức mơ hồ.
 
Cụ thể như BIDV, khoản tín dụng được hưởng mức lãi suất ưu đãi (thấp nhất 12%/năm) trong lần giảm gần đây nhất (từ ngày 7.6) chỉ giới hạn trong con số 4.000 tỉ đồng, trong khi tính đến ngày 19.4, doanh số cho vay của ngân hàng này đạt trên 154.000 tỉ đồng.

Tương tự, gói cho vay ưu đãi gần nhất của ngân hàng VIB chỉ 1.000 tỉ đồng, so với mục tiêu đặt ra trong năm 2012 của ngân hàng này là đạt dư nợ 50.891 tỉ đồng. Hay như ngân hàng Vietcombank, giá trị mỗi gói tín dụng ưu đãi được ngân hàng lần lượt cung cấp chỉ xấp xỉ 2.000 tỉ đồng.
 
Cộng chung lại, khoản tín dụng được hưởng lãi suất thấp như công bố của các ngân hàng đến thời điểm này chỉ vào khoảng một vài chục ngàn tỉ đồng, chiếm tỷ trọng nhỏ so với tổng dư nợ tín dụng của cả nền kinh tế tương ứng khoảng 2,7 triệu tỉ đồng! Trong khoản tín dụng được hưởng lãi suất thấp đó, cũng chỉ có một số ít doanh nghiệp có thể tiếp cận được.
 
Tại cuộc làm việc giữa thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình với các tổ chức tín dụng trên địa bàn Đà Nẵng mới đây, giám đốc ngân hàng SHB Đà Nẵng Lê Văn Hiển cho biết, khi triển khai gói cho vay 5.000 tỉ đồng với lãi suất tối đa 15%, chi nhánh đã gửi thông tin đến các doanh nghiệp nhưng vẫn không nhận được sự phản hồi.

Còn giám đốc chi nhánh BIDV Đà Nẵng Trần Thanh Điện thì chia sẻ, một doanh nghiệp có hạn mức tín dụng trên 100 tỉ đồng, song đến nay dư nợ bằng không. Phó tổng giám đốc ngân hàng ACB Nguyễn Thanh Toại cũng xác nhận gói tín dụng ưu đãi của ACB có tỷ trọng rất thấp, song các doanh nghiệp vẫn xài chưa hết.
 
Phổ biến cho vay lãi suất cao
 
Cũng theo báo cáo của NHNN Đà Nẵng, hiện lãi suất bình quân VND của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh là 18,14%, tức gấp hơn hai lần so với mức trần lãi suất huy động hiện nay.
 
Còn báo cáo của NHNN, tính đến thời điểm ngày 22.6, lãi suất cho vay phổ biến trong hệ thống ngân hàng thấp nhất là 11 – 13%/năm, trung bình là 14 – 17%/năm và cao nhất là 16 – 20%/năm.
 
Mặc dù cơ quan quản lý chính sách tiền tệ không thống kê cụ thể tỷ trọng các khoản vay tương ứng với các mức lãi suất, song những số liệu trên cho thấy, mặt bằng lãi suất cho vay giảm chậm hơn rất nhiều so với trần lãi suất huy động.

 
Theo SGTT

Các tin cũ hơn