Họ được cả thế giới ngưỡng mộ không chỉ bởi khối tài sản kếch xù làm ra bằng mồ hôi, nước mắt của mình mà còn vì lối sống vô cùng giản dị, tiết kiệm.
Và trong thời buổi “thắt lưng buộc bụng” như hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế khuyên chúng ta nên học tập cách tích cóp từng đồng của nhà thông thái dưới đây để có thể cân bằng cuộc sống.
Warren Buffett: Tỷ phú tự lái xe
Dẫn đầu danh sách của các tỷ phú “tiết kiệm” luôn luôn là Warren Buffett, người điều hành một tập đoàn đa ngành trị giá hàng chục tỷ USD và có trong tay khối tài sản cá nhân 50 tỷ USD. Warren Buffett không chỉ nổi tiếng vì tài trí thông minh trời cho, kinh nghiệm đầu tư khôn ngoan, mà còn vì tính tiết kiệm từng xu một. Warren Buffett luôn cho rằng không nên bỏ qua những đồng bạc lẻ vì “tích tiểu mới thành đại”.
Cứ mỗi đồng bạc lẻ được tiết kiệm là có thêm một đồng để tái đầu tư: “Có thêm tiền, bạn có thể chi cho những thứ thật sự cần thiết hơn như một kỳ nghỉ chẳng hạn”.
Nổi tiếng, giàu có, Warren vẫn tự lái xe và không cần thuê đến vệ sĩ. Ông chưa bao giờ đi bằng máy bay riêng, mặc dù ông sở hữu một hãng máy bay tư nhân lớn nhất thế giới. Buffet không mang theo điện thoại di động, cũng không có máy vi tính trên bàn. Trong thập niên 1960, ông sống và làm việc tại New York. Ngay từ thời điểm đó, ông đã nhận hợp đồng đầu tư trị giá đến 6 con số với đối tác khách hàng.
Tuy nhiên, đại gia “bình dân” này đã gọi một người bạn từ khách sạn New York Plaza đến để ông khỏi phải trả tiền dịch vụ phòng. Ông đã dùng chiếc xe Volkswagen cho đến lúc vợ ông quyết định mua xe Cadillac thay thế vì lo ngại hình ảnh của ông bị xấu đi. Có thể bạn sẽ không tin nhưng khi đứa con đầu lòng chào đời, đại gia này đã tự tay sửa một chiếc tủ quần áo cũ thành một cái xe đẩy có mui để sử dụng.
Ba người con của ông không hề được thừa hưởng cuộc sống giàu sang từ số tài sản của cha. Buffett chỉ muốn “mang đến cho các con tôi đủ những thứ để chúng thấy rằng chúng có thể làm bất cứ điều gì, chứ không phải là quá nhiều để chúng thấy không cần làm gì”.
Carlos Slim: Tỷ phú không máy tính
Tạp chí Forbes vừa công bố top 10 tỷ phú kiếm nhiều tiền nhất năm 2012. Trong đó, Carlos Slim đứng ở vị trí đầu bảng với khối tài sản ròng lên tới 69 tỷ USD. Như vậy, Carlos Slim duy trì danh hiệu người giàu nhất thế giới nhiều năm liên tiếp mặc dù tài sản của ông giảm 5 tỷ USD so với năm 2011 do giá cổ phiếu tập đoàn viễn thông - vốn chiếm hơn một nửa tài sản của ông - giảm mạnh.
Được mệnh danh là “trùm” viễn thông Mexico, điều mà người ta ngưỡng mộ ở tỷ phú người Mexico gốc châu Á này không chỉ bởi số tài sản kếch xù ông đang sở hữu mà còn bởi lối sống hết sức giản dị, chân phương đến lạ thường. Ông chưa bao giờ “vung” tiền cho hàng hiệu, quần áo của ông chỉ là loại bình dân như bao người khác.
Phòng làm việc của ông được bố trí giống tất cả nhân viên bình thường trong công ty, không có cả máy tính. Những cuốn sổ mà cha ông đã bắt ông ghi lại cách chi tiêu từng tuần khi xưa được đặt ở kệ giá trang trọng nhất. Ông vẫn quen với việc ghi chép bằng bút và giấy thông thường. Chiếc đồng hồ ông mang thuộc loại rẻ tiền có gắn thêm máy tính.
Không sở hữu một biệt thự hạng sang, ngôi nhà của ông ở Mexico chỉ có 6 phòng ngủ và một bể bơi nhỏ. Trong phòng có treo các tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ, nhà điêu khắc trứ danh mà ông ưa thích như: Renoir, Van Gogh, Rivera và Rodin.
Người giàu nhất thế giới này luôn tôn thờ nguyên tắc: “Hãy loại bỏ những sự dư thừa ngay cả trong những lúc dễ dàng nhất của cuộc đời mình, vì điều này sẽ giúp ta ổn định trong những giai đoạn gặp nhiều khó khăn lớn nhất”. Hiện nay, hoạt động của ông chủ yếu là công việc từ thiện với mục đích phát triển năng lực con người.
Ingvar Kamprad: Tỷ phú đi xe... bus
Ở Thụy Điển, nếu bắt gặp một ông già một ông già mặc một chiếc áo khoác đã cũ sờn, đeo kính râm, đi một đôi giày mòn vẹt và lái chiếc xe Volvo có từ cách đây 20 năm, rất có thể bạn đang thấy tỷ phú đồ gỗ Ingvar Kampard. Cha đẻ của thương hiệu nổi tiếng Thụy Điển trên luôn là cái tên quen thuộc trong danh sách những người giàu nhất thế giới và ông được mệnh danh là tỷ phú bình dân của đế chế Ikea.
Việc chi tiêu chắc tay của ông được cả thế giới phải “ngả mũ” thán phục, ông cũng tự nhận thấy điều này: “Tôi thường chặt chẽ về tiền bạc, một tính cách điển hình rất Thụy Điển. Nếu tôi cứ chi tiêu hoang phí, xa hoa thì làm sao tôi có thể yêu cầu nhân viên của tôi dè xẻn, tiết kiệm. Một người lãnh đạo phải làm gương trước tiên”.
Trong các chuyến đi công tác, ông chỉ chọn các khách sạn 3 sao để nghỉ ngơi. Ông ưu tiên khách sạn nào miễn phí ăn sáng. Khi đó, ông sẽ dùng bữa sáng thật nhiều để tiết kiệm cho cả bữa trưa. Có lần, đại gia này được mời đến cắt băng khánh thành một bức tượng của chính ông được xây dựng tại quê hương mình.
Tuy nhiên, ông khiến tất cả phải trầm trồ ngạc nhiên khi thay vì cắt băng, ông đã gấp gọn lại và đưa cho thị trưởng. Ông nói giọng chắc nịch: “Thị trưởng có thể sử dụng dải băng này một lần nữa”.
Sở hữu khối tài sản “kếch xù” gần 30 tỷ USD, nhưng ông không chọn mua hãng xe Ferarri, Porscher hay Mercedes như các thương gia thành đạt khác. Ngược lại, ông vẫn trung thành và cảm thấy vô cùng hài lòng với chiếc Volvo 240 đời 1993, được kê vào loại xoàng xĩnh.
Theo ước tính của các chuyên gia, hiện nay giá trị xe chỉ còn khoảng... 1.500 USD, tương đương với trên 30 triệu VNĐ. Những thói quen của ông thật ấn tượng: “săn’ hàng giảm giá, đi máy bay với loại vé phổ thông, đi xe bus công cộng, cắt tóc làng...
Người dân làng Elmtary Agunnaryd, quê hương của Ingvar Kamprad, không thể nào quên về việc mỗi lần ông về quê lại vào tiệm cắt tóc làng với giá 5 Euro như những người nông dân nghèo. Tỷ phú giàu nhất châu Âu luôn tự hào về lối sống đó, vừa tiết kiệm, vừa có dịp hòa mình vào cuộc sống của những người dân lao động chân tay bình thường.
Mệnh danh là một “lão hà tiện”, nhưng ông chủ Ikea lại sẵn sàng bỏ ra hàng triệu USD làm công việc từ thiện, giúp đỡ dân chúng địa phương và là một trong những nhà tài trợ lớn cho UNICEF.
Chuck Feeney: Tỷ phú không... nhà!
Chuck Feeny có lẽ là nhà tỷ phú duy nhất không có nhà mà cũng không có xe hơi. Ông dùng một cặp kính đọc sách giá 9 đôla và đeo đồng hồ giá 15 đôla. Lối sống giản dị và tiết kiệm với phương châm “Sống để làm việc, chứ không phải để làm giàu” vẫn được ông lấy làm tôn chỉ.
Chuck Feeny là một người Mỹ gốc Ireland sinh ngày 23/4/1931 tại Elizabeth, bang New Jersey, Mỹ. Lớn lên trong một khu dân cư dành cho công nhân, bố làm công nhân, mẹ làm y tá, Feeney đã kiếm tiền bằng đủ mọi cách như dọn tuyết trên các đường lái xe vào nhà, nhặt bóng trên sân golf.
Cho đến khi đồng sáng lập ra chuỗi Cửa hàng mua sắm miễn thuế (DFS) - chuỗi cửa hàng bán lẻ miễn thuế lớn nhất thế giới - ông đã đứng vào hàng những nhà tỷ phú thế giới. Quan niệm “sống để làm việc” ông đã cố gắng truyền lại cho 5 người con từ lúc chúng còn bé. Ông yêu cầu con trai đi làm hầu bàn, con gái làm bồi phòng khách sạn hoặc thu ngân trong các kỳ nghỉ hè để chúng không biến thành “những đứa con nhà giàu hư hỏng”.
Tài sản khổng lồ của ông đã được bí mật làm từ thiện với tổng số tiền lên đến hàng tỷ USD. Với Việt Nam, kể từ năm 1998 cho đến nay, quỹ Bác ái Đại Tây Dương (Atlantic Philanthropies) do Chuck Feeney cũng đầu tư gần 350 triệu USD để góp phần cải thiện hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.
Frederik Meijer: Tỷ phú không đồ hiệu
Với khối tài sản 5 tỷ USD, Frederik Meijer hoàn toàn có thể có một cuộc sống như mong muốn. Nhưng ông lại lựa chọn cho mình một cuộc sống thật giản dị với chiếc xe hơi bình thường cho đến khi nó không còn chạy được nữa; những nhà nghỉ giá rẻ với dịch vụ đơn giản thay vì những khách sạn 5 sao... Về quần áo, ông vẫn thường lựa chọn những sản phẩm rẻ tiền từ ngay chính hệ thống cửa hàng của mình.
Có một tuổi thơ khá khổ cực cùng với người cha là thợ cắt tóc, Frederik từng bị trầm cảm bởi cuộc sống thiếu thốn. Có lẽ, vì vậy, ông biết cách sử dụng đồng tiền và được mệnh danh là tỷ phú bình dân và giản dị nhất thế giới.
Theo Dantri