9 tiếng đi được 300 km
Là người đã gắn bó với nhiều chuyến tàu gần 20 năm nay, nhưng anh Mạnh Hưng (Hà Nội) cho biết di chuyển bằng tàu hỏa hiện nay không phải là lựa chọn hàng đầu đối với gia đình, bạn bè anh, bởi thời gian chạy tàu quá lâu, điều kiện phục vụ còn rất kém.
|
Một số chuyến tàu Thống Nhất đã rút ngắn thời gian hành trình, nhưng nhiều chuyến tàu khác vẫn có thời gian di chuyển quá dài, đặc biệt là các chuyến tàu địa phương - còn gọi là “tàu chợ”.Mỗi lần về quê vào dịp lễ tết, không mua được vé tàu nhanh SE, buộc phải đi tàu địa phương là một lần anh Hưng và gia đình mệt mỏi.
“Như tàu NA chạy Vinh - Hà Nội thường mất khoảng 9 tiếng cho quãng đường 300 km, có lẽ là một kỷ lục với thời gian di chuyển. Ngày lễ tết thời gian chạy tàu có thể còn lâu hơn. Tôi vẫn nhớ chuyến tàu về tết đi mất gần 12 tiếng, tàu khi đó đến ga Quán Hành, chỉ cách ga Vinh khoảng 30 km nhưng dừng mất gần 2 tiếng với lý do chờ tàu tránh ngược chiều, ưu tiên cho tàu Thống Nhất”, anh Hưng nhớ lại.
"Việc rút ngắn hành trình chạy tàu bắc - nam là nhờ bớt dừng tại một số ga, rút ngắn thời gian tránh tàu, không phải do áp dụng công nghệ gì tiên tiến. Trên thế giới, công nghệ bẻ ghi đã hoàn toàn tự động, trong khi Việt Nam còn bẻ ghi bằng tay." ÔngHà Ngọc Trường,Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM |
Những lần không phải đi tàu địa phương, được về quê bằng tàu Thống Nhất, thời gian đi tàu nhanh hơn, nhưng theo anh Hưng, thời gian dừng lại ở ga quá ngắn, có khi vừa kịp chuyển đồ đạc xuống sân ga là tàu đã chạy mất. Chưa kể, tàu còn có thể đến trễ.
Anh Hưng kể có năm tết anh đã phải chờ ở ga Vinh hơn 1 tiếng để đón tàu Thống Nhất ra Hà Nội.
Mặc dù từ ga về nhà chỉ chưa đến 10 phút đi xe nhưng anh và nhiều hành khách khác không dám rời nhà ga vì không biết tàu đến lúc nào. Khi tàu dừng cũng chỉ có 5 phút để lên, nhiều người phải để lại đồ đạc vì không mang lên nổi.
“Đường sắt luôn diễn ra tình trạng là ngày thường thì vắng khách còn ngày lễ tết lại quá tải. Nếu đi vào dịp không phải cuối tuần hoặc vào ngày lễ tết có khi một toa chỉ 2-3 khách đi, thích nằm, ngồi đều thoải mái.
Nhưng vào ngày cao điểm, đến ghế nhựa cũng không có để ngồi. Khi vé chính đã hết phải mua vé phụ và thời gian chủ yếu trên tàu là đứng, dựa lưng vào bất kỳ nơi nào có thể được. Vì ngày cao điểm, quá tải nên nhiều khi nhân viên tàu phục vụ không thể chu đáo”, anh Hưng bày tỏ.
Có mặt trên tuyến tàu Thống Nhất TN17 ngày 26 tết từ Hà Nội về ga Đồng Hới, bà Vân (Quảng Bình) chia sẻ hơn chục năm đi tàu về quê mỗi dịp cận tết nhưng bà vẫn thấy các toa tàu chưa có nhiều thay đổi. Dàn quạt máy lắp trên nóc toa đã rất cũ, có cái mỗi khi chạy lại rít lên khiến hành khách giật mình, thậm chí có cái còn không quay được.
“Hơn chục năm đi tàu, tôi chỉ thấy chất lượng nội thất toa xe ngày càng xuống cấp, từ sàn xe đến ghế. Thậm chí các tàu Thống Nhất hay tàu địa phương còn không được dọn vệ sinh sạch sẽ, toa xe nhiều khi còn mùi hôi”, bà Vân cho hay.
Bất tiện trong việc mua vé cũng là lý do khiến nhiều hành khách ngại đi tàu hỏa. Dù “nhà tàu” đã sử dụng thêm cả hệ thống bán vé điện toán bên cạnh hình thức bán vé thủ công trước đây, nhưng khách hàng vẫn không thể thanh toán bằng thẻ như đối với vé máy bay. Hành khách sống ở nước ngoài có muốn đặt vé trước cũng đành chịu, vì dù vé có đưa lên mạng cũng chỉ đặt chỗ và vẫn phải ra ga nhận vé.
Chị Lê Tuyết, sinh sống tại TP.HCM, cho biết tết năm ngoái canh mãi không mua được vé trên mạng, chị phải nhờ người thân sống tại Hà Nội mua vé tàu khứ hồi rồi… gửi ngược vào TP.HCM.
“Hệ thống bán vé như hiện nay gây nhiều khó khăn cho hành khách, nói là đặt chỗ trên mạng nhưng tôi và nhiều bạn bè đặt không nổi vì mạng nghẽn. Trong khi ở TP.HCM không mua nổi thì Hà Nội mua vé lại thoải mái. Sao ngành đường sắt mãi không có nổi hệ thống bán vé tự động như máy bay, không thể tổ chức bán vé trước như máy bay để hành khách đỡ khổ”, chị Tuyết bức xúc.
Theo kết quả một cuộc điều tra độc lập về tâm lý hành khách đi tàu, mong muốn lớn nhất của hành khách là được hưởng chất lượng phục vụ tốt hơn. Có hơn 40% hành khách cho biết không hài lòng về dịch vụ bán vé, 10% chỉ biết thông tin về chuyến tàu qua phương tiện thông tin đại chúng, một tỷ lệ không nhỏ hành khách phàn nàn về chất lượng phục vụ trên tàu như sự quan tâm, dịch vụ ăn uống, điều hòa không khí... |
Số liệu thống kê 5 năm trở lại đây cho thấy, bình quân số người sử dụng phương tiện đường sắt chỉ là 0,12 lần, nói cách khác, mỗi người dân bình quân 9 - 10 năm mới đi tàu hỏa một lần.
Như thập niên 1960
Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, người đã có nhiều năm công tác trong ngành khảo sát - thiết kế đường sắt, lý giải đường sắt Việt Nam hiện nay vẫn là con đường có từ thời Pháp, có cải tạo một số điểm, nhưng về cơ bản thì vẫn sử dụng đường đơn khổ 1 m, khiến năng lực vận tải hạn chế vì các đoàn tàu phải chờ nhau tránh, vượt.
Nếu so sánh, theo ông Trường, công nghệ đường sắt Việt Nam hiện nay với năm 1964 - thời thịnh hành nhất của đường sắt Việt Nam, vẫn chưa có tiến bộ gì rõ rệt: đầu máy cũng vẫn là diesel, dù có cải tiến, nhưng sức kéo còn thấp, có chăng là cải tiến được thiết bị thông tin tín hiệu bán tự động.
Hành trình Hà Nội - TP.HCM được rút ngắn từ 72 giờ vào thời kỳ mới giải phóng, xuống còn 29 - 32 giờ hiện nay.
“Việc rút ngắn hành trình chạy tàu bắc - nam là nhờ bỏ bớt việc dừng tại một số ga, rút ngắn thời gian tránh tàu, không phải do áp dụng công nghệ gì tiên tiến. Trên thế giới, công nghệ bẻ ghi đã hoàn toàn tự động, trong khi Việt Nam còn bẻ ghi bằng tay”, ông Trường nhìn nhận.
Theo Hội Kinh tế vận tải đường sắt, mạng tuyến đường sắt hiện có đã quá cũ. Hầu như các tiêu chuẩn kỹ thuật, tải trọng, tốc độ chạy tàu, chiều dài sử dụng đường ga… vẫn duy trì gần như hồi mới đưa vào khai thác từ hơn 100 năm trước.
Theo TS Nguyễn Văn Bính, ủy viên Hội Kinh tế vận tải đường sắt, các ga khách phần lớn đã có độ tuổi 100 năm, vì thế hệ thống trang thiết bị, phòng đợi hành khách đã không còn phù hợp với nhu cầu hiện nay.
Chỉ có các ga lớn mới có hệ thống cổng vào, các ga dọc đường hầu như không có đường dẫn hành khách vào ga, nhiều ga vì phòng đợi quá nhỏ nên dịp cao điểm hành khách tràn cả vào trong ga và ở ngoài ga như ga Bắc Hà, Bắc Lệ, Gia Lâm...
Hệ thống bán vé dù đã được cải thiện nhiều (sử dụng đồng thời hệ thống bán vé điện toán và bán vé thủ công), nhưng vẫn còn rất nhiều bất cập như đã nêu trên.
(Còn tiếp)
Theo Thanhnien