Tiền bạc có mang lại hạnh phúc cho ông không? Người giàu thứ 7 ở Mỹ và 14 thế giới với tài sản ròng 20,5 tỉ đô la Mỹ hiện nay (theo Forbes) - tỷ phú Sheldon Adelson - Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Las Vegas Sands tất nhiên không nhớ rằng ông đã trả lời tôi câu hỏi này hơn 2 năm trước, nhưng câu trả lời không khác lần đầu: Tôi yêu tiền và hy vọng tiền cũng thích tôi.
Ông kể, bất cứ ai gặp tôi ngày nay đều thốt lên: Sao ông giàu thế! Nhưng tôi lại là người sinh ra trong cơ cực. Cha mẹ tôi là người Do Thái. Chúng tôi lớn lên tại khu ngoại ô nghèo Boston. Bố tôi lái taxi, mẹ quản lý một tiệm hàng dệt may nhỏ. Cả gia đình gồm 6 người phải ngủ trong một buồng chỉ vài mét vuông. Tôi đã chứng kiến cách bố mẹ tôi cật lực làm việc để nuôi con, vì vậy tôi luôn đánh giá cao những người lao động.
Adelson bắt đầu kiếm sống từ nhỏ. Khi mới 10 tuổi, ông nói đã làm đủ nghề như bán bánh kẹo, bán báo, nhưng chưa bao giờ cậu bé Adelson nghĩ mình sẽ phải chịu khổ mãi. Ông từng theo học đại học rồi bỏ giữa chừng. Ông không có bằng cấp, nhưng lại có quá nhiều kinh nghiệm thương trường từ chính cuộc sống. Adelson bước vào nghiệp kinh doanh từ nhiều nghề, bất động sản, tư vấn tài chính, rồi đến kinh doanh sòng bạc.
|
Tỷ phú Sheldon Adelson |
Ông vươn lên vị trí người giàu thứ ba thế giới vào năm 2006, 2007 và 2008 với gia sản 26 tỉ đô la Mỹ và biệt danh “Vua sòng bạc”. Vào thời điểm hoàng kim này, mỗi giờ ông thu về lợi nhuận gần một triệu đô la Mỹ nhờ hệ thống casino sang trọng trải từ Las Vegas (Mỹ) đến Macau (Châu Á). Tốc độ làm giàu này chưa tỉ phú nào đạt được.
Xung quanh sự nghiệp Adelson có nhiều quan điểm trái chiều, người thì phản đối cách “kinh doanh tội lỗi” của ông, người thì khen ngợi vì ông tạo ra nhiều công ăn việc làm và làm từ thiện rất nhiều. Song cả hai phe đều phải thừa nhận ông là nhà kinh doanh đại tài và có tầm nhìn chiến lược.
Ông là người biến Las Vegas từ một thành phố xơ xác giữa sa mạc trở thành trung tâm cho ngành du lịch hội nghị, sự kiện. Ông đã biến vùng đầm lầy của Macau tại Dải Cotai trở thành một thành phố nghỉ dưỡng phức hợp lớn nhất thế giới và hiện đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Ông đã biến vịnh Marina của Singapore từ khi chưa có đất trở thành một trong những biểu tượng mới của châu Á với con thuyền lơ lửng trên 3 tòa tháp khổng lồ 57 tầng.
Triết lý kinh doanh của ông là gì? Tôi hỏi. “Đó là tạo ra những lĩnh vực kinh doanh mới và luôn làm mọi việc một cách khác biệt, làm những điều chưa ai làm.
Chẳng hạn chưa từng có ai trên thế giới này nghĩ đến việc xây dựng những khu phức hợp nghỉ dưỡng trước tôi. Tôi đã làm việc trong ngành kinh doanh trong suốt 67 năm qua. Đó là cả một chặng đường dài. Tôi biết tôi là một ông già, nhưng điều này giúp tôi. Tôi không cần đến nghiên cứu thị trường. Thường tôi chỉ đến một nơi, cảm nhận và đánh giá từ chính bản năng kinh doanh và quyết định và tôi cũng cho rằng Việt Nam thực sự là một điểm đầu tư rất đáng để mạo hiểm”, Adelson trả lời.
Ở tuổi 79, Adelson là một ông già rất giỏi thuyết phục, lý lẽ gãy gọn, sắc bén. Khi chúng tôi hỏi tại sao ông không tận hưởng sự an nhàn? Ông tỏ vẻ ngạc nhiên pha chút hài hước: Thật vậy sao? Tôi là doanh nhân. Tôi yêu thích và đam mê công việc cũng như thành công. Nó mang lại cho tôi cảm giác mình đang trải nghiệm cuộc sống.
Mỗi lần tôi hoàn tất một dự án nào đó, tôi lại muốn lao ngay vào một dự án khác lớn hơn, một cái gì đó chưa từng được thực hiện trước đây. Nó là động lực cuộc sống, là châm ngôn hoạt động của tôi. Tôi không làm tất cả những điều này vì tiền. Tôi đã có đủ tiền.
Tất nhiên, để nói cho đúng, tiền chính là thước đo cho sự thành công. Nếu tôi thành công và sự thành công đó mang lại nhiều tiền bạc, thêm nhiều những cổ đông khác sẽ được chia sẻ sự thành công đó. Nhưng tôi không làm việc mọi chỉ vì đam mê kiếm tiền. Một doanh nhân giỏi luôn ước ao vươn lên và hoàn tất các giấc mơ của mình và đó là lý do tôi vẫn tiếp tục làm việc. Tôi không thích bỏ cuộc một cách dễ dàng.
Tỷ phú Adelson nói rằng Tập đoàn đang có kế hoạch xây dựng những khu nghỉ dưỡng phức hợp ở Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam (tại Hà Nội và TP.HCM). Họ cũng vừa được cấp phép xây dựng một khu phức hợp có sòng bạc đầu tiên ở châu Âu, tại thành phố Madrid.
Ông chỉ tay sang một vùng rộng lớn còn bỏ hoang đối diện khu Vientian hoành tráng: Chúng tôi vừa có giấy phép xây dựng một khách sạn mới. Trong vòng khoảng 1,5 năm nữa, khách sạn mới với khoảng 3.000 phòng sẽ mọc lên phía bên kia và sẽ có thêm một khách sạn khoảng 3.300 phòng ngay tại khu này, quy mô đầu tư của khách sạn mới khoảng 2,5 tỉ đô la Mỹ và có thể hơn.
Lạc quan và đam mê cuộc sống là điều Adelson khó giấu, khi được hỏi tiếp tục đầu tư rất nhiều trong thời buổi ai cũng thận trọng có phải là lựa chọn khôn ngoan hay không? Ông nói rằng người kinh doanh cần mua thấp bán cao chứ không phải ngược lại. Tình hình khó khăn chính là thời điểm tốt để phát triển bởi chi phí sẽ thấp hơn, lao động và nguyên vật liệu sẵn có.
“Khi chúng tôi xây dựng xong những khu khách sạn mới, mất khoảng 2-3 năm, thì nền kinh tế đã phục hồi rồi. Chúng ta không thể nhìn vào diễn biến trong khoảng một, hai hay sáu tháng để xác định xu hướng dài hạn. Không gì có thể cứ lên thẳng mãi và không gì là xuống mãi. Mọi cái đều có đỉnh và đáy. Vậy, chúng ta hãy bắt đầu vào lúc đáy và xây dựng, kiến tạo để có thể gặt hái vào lúc đỉnh. Một doanh nhân phải luôn bận rộn với các ý tưởng về phát triển”.
Bạn hỏi bí quyết làm giàu của tôi ư? ông tiếp, muốn giỏi giang trên thương trường, bất cứ ai cũng phải hiểu và làm chủ được nghệ thuật tiếp thị. Một yếu tố khác nữa là tôi sẵn sàng mạo hiểm, đánh cược với số phận. Cơ hội trong cuộc sống cũng giống như một người đợi xe bus, chẳng may lỡ chuyến này thì chỉ vài phút sau lại có chuyến khác. Nhưng khi bị ngã, bạn cần phải tự đứng dậy và tự làm lại từ bàn tay trắng.
Chúng tôi kết thúc cuộc trò chuyện bằng việc quay lại quan điểm về tiền. “Tôi không thể nói rằng chúng tôi không hạnh phúc nếu không có tiền. Nhưng lý do để kiếm tiền là vì tôi tin rằng để hạnh phúc phải làm những người khác hạnh phúc. Tình yêu luôn là món quà giá trị nhất. Vì thế chúng tôi làm từ thiện rất nhiều, ít nhất là một tỉ đô la một năm”, ông trầm giọng.
"Triết lý dùng tiền của tôi là giúp những người không thể tự giúp mình. Làm tỷ phú không chỉ có sức ép mà còn là trách nhiệm. Chúng tôi may mắn có nhiều tiền và sử dụng đồng tiền đó đúng mục đích là trách nhiệm để đóng góp cho xã hội".
Theo VietnamNet