Sau khi cấp phép cho Ngân hàng Đông Á tạm xuất 100 kg vàng miếng không mang thương hiệu SJC để nhập về một khối lượng vàng nguyên liệu tương ứng vào tuần cuối cùng trước Tết, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Tài chính soát lại quy trình trước khi triển khai đại trà với các ngân hàng khác.
Số lượng vàng phi SJC các ngân hàng xuất ra nước ngoài kiểm định và chuyển đổi thành vàng nguyên liệu hiện còn khoảng 9 tấn. Gần 10 tấn trước đó đã được kiểm định trong nước và chuyển đổi thành vàng thương hiệu SJC.
"Quy trình sẽ hoàn thiện để việc tạm xuất tái nhập kết thúc sớm, hy vọng xong trước tháng 3", một đại diện của Ngân hàng Nhà nước nói. Hiện nay, các đơn vị phải tạm xuất và tái nhập trong cùng một ngày nhằm giảm thiểu các rủi ro.
Số lượng vàng phi SJC các ngân hàng xuất ra nước ngoài kiểm định và chuyển đổi thành vàng nguyên liệu hiện còn khoảng 9 tấn. |
Cho ngân hàng tạm xuất vàng miếng phi SJC, tái nhập vàng nguyên liệu để dập đúc thành vàng SJC là biện pháp Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng giúp tăng cung cho thị trường, qua đó dần ổn định giá mua bán, đưa về sát với thế giới.
Một năm qua, sau khi SJC được công nhận là thương hiệu vàng của Nhà nước và cũng là thương hiệu duy nhất tiếp tục dập đúc, các loại vàng miếng mang thương hiệu khác hầu như không còn giao dịch trên thị trường. Người nắm giữ vàng phi SJC đều có tâm lý muốn chuyển đổi sang SJC.
Ngân hàng huy động trong dân trước đây, nay muốn trả lại bằng vàng SJC cũng không được chấp nhận. Trong khi công suất của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) - đơn vị được chỉ định dập đúc vàng cho Ngân hàng Nhà nước, không đáp ứng đủ nhu cầu chuyển đổi này. Đây là một trong những lý do khiến giá vàng miếng SJC duy trì khoảng cách khá xa so với thế giới, nhiều thời điểm đắt hơn 4 triệu đồng mỗi lượng.
"Các ngân hàng được cấp phép tạm xuất tái nhập với điều kiện không thu phí khi đã dập đúc thành vàng SJC trả lại cho dân", đại diện Ngân hàng Nhà nước nói.
Ông thừa nhận, cách thức chuyển đổi này đắt hơn so với tự kiểm định và dập đúc trong nước, nhưng nếu tiếp tục chờ đợi một mình SJC xử lý, thời gian sẽ kéo dài vài tháng. Trung bình mỗi ngày SJC kiểm định và dập đúc 60 kg vàng, trong khi nhu cầu của toàn thị trường lên đến hàng chục tấn.
Theo vị đại diện này, việc tạm xuất tái nhập vàng cũng không phải là nguyên nhân khiến tỷ giá tăng nóng hai ngày qua.
"Về nguyên tắc các ngân hàng đều có tài khoản giao dịch ở nước ngoài. Mức ký quỹ đặt cọc chỉ khoảng 15-20% số vàng tạm xuất tái nhập. Đơn cử như Đông Á xuất lô 100 kg, trị giá hơn 5 triệu USD, như vậy chỉ mất vài trăm nghìn đôla đặt cọc, số tiền này không đáng gì và cũng không ảnh hưởng tới trạng thái ngoại tệ của ngân hàng", ông nói.
Ông cho biết sau Tết lượng tiền đồng quay về ngân hàng khá lớn, cộng với tâm lý xáo trộn khi có một số chuyên gia đề xuất phá giá tiền đồng 2-3% ngay quý I, đã khiến tỷ giá tăng trở lại. Tuy nhiên cung cầu ngoại tệ trong ngân hàng vẫn ổn định, khi giá tăng qua mốc 20.900 đồng một đôla, lực bán trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh khiến giá giảm trở lại trong sáng 20/2.
Theo VnExpress