Ngân hàng Nhà nước đóng vai nào trên thị trường vàng?

Thứ năm, 21/02/2013, 10:18
Giá vàng trong nước lại cao hơn nhiều so với giá thế giới. Ngân hàng Nhà nước đang gấp rút và chờ đợi khung pháp lý chính thức ban hành để vào cuộc mua bán, điều tiết thị trường. Khi vào cuộc, họ đứng ở vai trò nào, nhà quản lý hay kinh doanh?

Giả sử lúc này, khung pháp lý đã xong, giá trong nước cao hơn giá thế giới khoảng 4,5 triệu đồng/lượng, Ngân hàng Nhà nước nhập vàng ở nước ngoài về, dập thành vàng miếng SJC, bán ra, lãi lớn. Một chuyến buôn dễ dàng!

Song, tham gia mua - bán như vậy có lẫn lộn với vai trò quản lý nhà nước, chưa kể đến chuyện bình đẳng trên thị trường khi họ nắm những lợi thế riêng có (độc quyền xuất nhập khẩu vàng, độc quyền sản xuất vàng miếng, được mở tài khoản vàng ở nước ngoài để phòng ngừa rủi ro…)?

Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), cho rằng, trong tình huống này Ngân hàng Nhà nước cùng lúc đóng hai vai và cần nhìn nhận một cách cụ thể từng vai.

ngân hàng nhà nước
 Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện mua bán trên thị trường vàng - điều mà các bộ ngành khác thường không làm đối với các mặt hàng cụ thể nào.

Hai vai gồm: Một là cơ quan cấp bộ - thành viên của Chính phủ, thực hiện quản lý nhà nước; một là vai ngân hàng trung ương - cũng như các ngân hàng trung ương khác trên thế giới, tham gia vào các thị trường tài chính, tiền tệ mà ở đây là thị trường vàng.

“Việc Ngân hàng Nhà nước tham gia vào thị trường vàng không phải là kinh doanh, mà là một biện pháp, một nghiệp vụ để quản lý thị trường. Hoạt động này không vì mục đích lợi nhuận”, ông Huy nói.

Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện mua bán trên thị trường vàng - điều mà các bộ ngành khác thường không làm đối với các mặt hàng cụ thể nào. Có mua có bán, thường được hiểu là kinh doanh.

Nhưng theo như ông Huy giải thích, việc mua bán sẽ được thực hiện thông qua đấu thầu với mục đích tạo ảnh hưởng đến giá trên thị trường về vùng hợp lý, để bình ổn, khác với các loại đấu thầu - kinh doanh khác là nhằm tìm mức giá sinh lãi nhất.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước chỉ triển khai nghiệp vụ này khi thị trường có biến động bất thường, gây xáo trộn lớn. Cơ chế thực hiện ở đây cũng giống như việc tham gia mua bán, điều tiết cung - cầu ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng hiện nay, nhằm thực hiện vai trò điều hành chính sách tỷ giá và quản lý thị trường ngoại hối. Nếu thị trường ổn định, đi đúng quỹ đạo và không méo mó, cơ quan này chỉ việc ngồi ngoài và giám sát.

Liên quan đến hoạt động này, trong dự thảo quyết định liên quan của Thủ tướng Chính phủ có nêu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định giá mua, giá bán vàng miếng trên thị trường trong nước. Có ý kiến cho rằng, trong cơ chế thị trường, giá phải do thị trường quyết định chứ không phải do Thống đốc.

Trả lời về tình huống trên, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Nguyễn Quang Huy lưu ý về sự nhầm lẫn giữa hai loại giá, một của Ngân hàng Nhà nước lựa chọn và một của thị trường.

“Giá ở đây là giá Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định để đấu thầu với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng, chứ không phải giá giao dịch giữa các tổ chức đó với người dân. Ngân hàng Nhà nước không đủ sức để quyết định được giá thị trường, cũng không thể chạy theo được sự biến động từng giờ, từng phút của thị trường. Chỉ khi thị trường méo mó, có những biến động bất thường thì mới can thiệp để điều tiết giá cho hợp lý”, ông Huy nhấn mạnh.

Ở một nội dung khác hiện cũng có những cách hiểu khác nhau. Cụ thể ở cơ chế tham gia của Ngân hàng Nhà nước, bước đầu định hình ở bản dự thảo thông tư hướng dẫn, tại Điều 7: “Ngân hàng Nhà nước mua, bán vàng miếng SJC hàm lượng 99,99% loại 01 (một) lượng do Ngân hàng Nhà nước cho phép sản xuất hoặc tổ chức sản xuất”.

Với quy định dự kiến trên, liệu nó đã gạt đi các loại vàng đơn vị khác, đặc biệt là các loại vàng nhẫn mà nhiều người dân quen tích trữ? Khi vàng nhẫn bị “ngoài lề” giao dịch của Ngân hàng Nhà nước thì giá của nó có bị ảnh hưởng, người dân có bị thiệt thòi?

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước giải thích rằng, vấn đề và phạm vi xử lý ở đây là vàng miếng, thực hiện với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đầu mối, chứ không trực tiếp với người dân. Lợi ích là nhằm bình ổn, tạo những vận động hợp lý chung cho cả thị trường chứ không riêng cho vàng miếng.

Hơn nữa, việc quy định hàm lượng và đơn vị như trên là để đảm bảo tiêu chuẩn trong giao dịch. Ngân hàng Nhà nước không thể đứng ra mua bán các loại vàng nhẫn nhiều chủng loại, có tuổi và hàm lượng khác nhau hiện nay để đưa vào dự trữ ngoại hối nhà nước, cũng như không dùng chúng để giao dịch trên thị trường quốc tế.

Những loại vàng đó, được xếp vào vàng nữ trang nói chung, dự kiến từ tháng 5 tới Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ bắt tay vào việc tổ chức lại các khâu, theo hướng tăng cường quản lý trách nhiệm của các đầu mối đối với chất lượng sản phẩm và an toàn trong giao dịch…

Theo VnEconomy

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn