Xin cơ chế phá 22 ‘tàu hoang’ treo cờ nước ngoài

Thứ tư, 20/02/2013, 16:24
Quy định hiện hành không cho phép nhập khẩu tàu biển để phá dỡ. Trong khi đó, rất nhiều tàu cũ của Vinashin, Vinalines lại mang “quốc tịch” ngoại.

Cục Hàng hải vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất hướng xử lý đối với tàu biển neo đậu lâu ngày, vẫn được dư luận biết tới như những con “tàu hoang”, trôi nổi ở cả trong lẫn ngoài nước. Trong số này, đáng chú ý là hướng giải quyết đối với các tàu thuộc sở hữu của doanh nghiệp Việt Nam nhưng treo cờ nước ngoài, hiện không còn khả năng khai thác.

vinalines
Diamond Way - một trong những con tàu bị bỏ hoang nổi tiếng của Vinashinlines. Ảnh:MarineTraffic

Thống kê của Cục Hàng hải cho thấy, có tổng cộng 53 tàu biển (tổng tải trọng 673.500 DWT, tương đương khoảng 10% năng lực đội tàu quốc gia) thuộc sở hữu của các doanh nghiệp Việt Nam nhưng không còn khả năng khai thác. 41 trong số này neo trong nước và 12 chiếc khác nằm ở nước ngoài, trong đó có 7 tàu thuộc biên chế Công ty Vận tải Viễn dương Vinashin - Vinashinlines đang bị chủ tàu bỏ mặc, không cung cấp kinh phí, duy trì an toàn.

Theo quy định hiện hành, kể cả trong trường hợp neo chờ, chủ tàu cũng phải cấp đủ nhiên, nguyên vật liệu, bố trí thuyền viên để duy trì hoạt động tàu, đảm bảo an toàn và phòng ngừa ô nhiễm. Ngoài ra, chủ tàu cũng phải đóng đầy đủ các khoản phí, lệ phí liên quan. Cục Hàng hải cho rằng chi phí như vậy là khá lớn và trong điều kiện kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp khó có khả năng chi trả, dẫn đến tình trạng bỏ mặc tàu. Cách giải quyết tốt nhất trong điều kiện hiện nay, theo cơ quan quản lý là phá dỡ tàu để thu hồi vốn.

Tuy nhiên, việc phá dỡ hiện chỉ có thể thực hiện với tàu mang quốc tịch Việt Nam, trong khi có tới 22 trong tổng số 53 tàu thuộc danh sách nêu trên đang treo cờ nước ngoài.

Theo Nghị định 29/2009 của Chính phủ về đăng ký và mua bán tàu biển, những chiếc tàu này không được phá dỡ tại Việt Nam. Đồng thời, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, doanh nghiệp cũng không được phép nhập khẩu phương tiện vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ.

“Quy định này đã gây ách tắc trong việc giải bản tàu thuộc sở hữu của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời ảnh hưởng tới hoạt động phá dỡ tàu cũ, làm phát sinh tình trạng tàu bị bỏ rơi hoặc phải neo chờ dài ngày trong tình trạng mất an toàn”, Cục Hàng hải nhận định.

Để giải quyết tình trạng này, đồng thời góp phần giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc Vinashin, Vinalines, cơ quan này đề xuất Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng cho phép tàu biển mang cờ nước ngoài thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam được phá dỡ trong nước như các tàu nội địa.

Kiến nghị với Bộ Tài nguyên & Môi trường sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường để phù hợp với thực tế hoạt động phá dỡ tàu cũ. Ngoài ra, Cục cũng đề xuất Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về tài chế tàu biển, đồng thời sửa đổi một số quy định về tài chính để phục vụ hoạt động phá dỡ tàu.

Danh sách 7 tàu của Vinashinlines bị bỏ tại nước ngoài

Tên tàu Quốc tịch Năm / nơi đóng DWT Thời gian neo Vị trí
Hoàng Sơn 28 Mongolia 1980 / Nhật 31.503 Ấn Độ
Hoa Sen Việt Nam - / Italia 16.850 5/01/11
Diamond Way Panama 1988 / Nhật 13.266 30/10/12 UAE
New Phoenix Panama 1986 / - 65.051 Trung Quốc
Sea Eagles Liberia 1981 / Nhật 65.081 28/02/07 Trung Quốc
New Horizon Panama 1986 / Nhật 9.606 25/08/12 Pakistan
Cái Lân 4 Việt Nam 2006 / VN 8.732 10/01/12 Ấn Độ
Tổng số 7 tàu 210.089

(*) Tương đương 3% DWT đội tàu quốc gia Việt Nam.

Nguồn: Cục Hàng hải

Theo VnExpress

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn