Thuyền thúng Việt sang Thái giúp dân chạy lụt

Thứ sáu, 02/12/2011, 10:58
Những chiếc thuyền thúng do thợ thủ công làng Phú Mỹ (xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) làm ra giờ đây còn được xuất ngoại qua Thái Lan để giúp người dân nước này chạy lụt...

Nhận được thông tin thú vị này, sáng 1.12, chúng tôi lập tức lên đường về xã An Dân. Dọc theo các con đường dẫn vào làng làm nghề thúng chai Phú Mỹ, thúng chai vừa làm xong được phơi, xếp la liệt. Hỏi thăm, bà con cho biết, các làng chài sắp vào mùa đánh bắt và thêm đơn đặt hàng từ Thái Lan nên đây là thời điểm bà con phải làm ngày làm đêm mới kịp đủ thúng.
 

Người thợ hoàn thành công đoạn cuối cùng là quét dầu cho thúng, trong khi xe tải đang chờ chở hàng.
 

Làm không kịp bán

Làng Phú Mỹ có loại tre chịu nước, săn chắc, người dân ở đây lại khéo tay nên đã sinh ra nghề truyền thống làm thúng chai từ hơn 100 năm nay. Hiện Phú Mỹ có hơn 40 hộ làm nghề đan thúng chai và thu hút khoảng 120 lao động tham gia. Thúng chai ở đây đẹp và đặc biệt bền, được khách hàng là ngư dân từ Quảng Trị cho đến Cà Mau rất ưa chuộng.

Chị Trương Thị Thanh Kiều - một người đan thúng chai ở Phú Mỹ, cho biết, chị còn nợ bạn hàng đến 100 chiếc thúng phải giao trong 1 tháng tới nhưng 2 vợ chồng làm ngày làm đêm cũng không kịp. Nay mai chị phải thuê thợ về phụ làm để kịp hàng giao.

Thêm một niềm vui mới cho người dân Phú Mỹ là giữa tháng 11 vừa rồi, Công ty Đông Dương (trụ sở ở TP.HCM) đã đến đặt mua thúng chai của bà con để xuất khẩu sang Thái Lan. Chuyến hàng đầu tiên, công ty này đã mua 125 chiếc. Riêng chị Trương Thị Thanh Kiều bán 27 chiếc, mỗi chiếc giá từ 1,3 - 1,9 triệu đồng, bằng với giá bán trong nước. Hiện tại doanh nghiệp này cũng tiếp tục đặt hàng nhưng bà con không có hàng để bán vì ngay cả bạn hàng lâu nay trong nước cũng chưa kịp giao.

Cả làng sung túc

Ông Trương Văn Tấn (80 tuổi) - một người làm thúng chai lâu đời và cũng là thầy truyền dạy nghề cho các thanh niên trong làng ở Phú Mỹ, cho biết: Để hoàn thành một chiếc thúng phải qua nhiều công đoạn: Chẻ, vót tre, đan mê, lận, nức, quét dầu. Tre đan thúng không dùng tre non, tre già mà chỉ dùng tre vừa tuổi và chỉ chọn cật tre để làm nan. Một người thợ muốn làm được thúng phải học qua 3 công đoạn từ vót nan đến đan mê và khâu cuối cùng là lận thúng.

Ở làng Phú Mỹ, không chỉ đàn ông mà cả phụ nữ cũng tham gia làm thúng, đặc biệt là đan mê và quét dầu. Ông Trần Hữu Hiệu - Chủ tịch UBND xã An Dân, cho biết: Nhờ có nghề mà các nơi rất khó bắt chước này nên dân làng Phú Mỹ có việc làm quanh năm, đời sống sung túc, dù mùa màng thất bát thì cũng không lo chuyện túng bấn.

Ông Trần Hữu Hiệu cho hay, địa phương đang phối hợp với Liên minh Hợp tác xã và Hội Nông dân đầu tư một số trang thiết bị cho làng nghề để giảm bớt các công đoạn thủ công. Hiện nay các hộ sản xuất cũng đã liên kết thành lập hợp tác xã để đưa thúng chai Phú Mỹ đi xa hơn nữa.

Theo ông Trương Văn Tấn, hiện nay, thị trường đã có loại thúng nhựa vừa đẹp vừa bền đang cạnh tranh gay gắt với thúng chai. Dù vậy, thúng chai Phú Mỹ vẫn có đất sống. “Nay còn xuất khẩu được ra nước ngoài nữa thì bà con chúng tôi không lo thiếu việc, chỉ lo không có sức mà làm” - ông Tấn phấn khởi.
 

Theo Danviet

 

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn