Thái Lan yếu hơn năm ngoái
Tại giải Asian Cup 2014 lần này, tuyển nữ Thái Lan đã không còn giữ được lực lượng như hồi cuối năm ngoái khi họ thắng tuyển nữ VN 2-1 trong trận chung kết SEA Games 27 tại Myanmar. Sự vắng mặt và cũng là tổn thất lớn nhất của tuyển Thái Lan là tiền vệ đội trưởng Naphat Seesraum (số 8), cầu thủ hiện đang đá cho CLB Speranza Osaka FC ở giải hạng Nhì của Nhật Bản.
Seesraum dù chỉ 27 tuổi (sinh 1987) nhưng đã có gần 10 năm chinh chiến và được coi là linh hồn ở tuyến giữa của ĐTQG Thái Lan và rất nhiều lần đối đầu với cầu thủ ĐT nữ VN lứa Kim Chi, Ngọc Châm, Văn Thị Thanh, Kim Hồng cho tới Ngọc Anh, Minh Nguyệt, Lê Thị Thương của ĐT nữ VN hiện nay. Thông tin không rõ vì sao Seesraum vắng mặt nhưng có thể là do tiền vệ này bị chấn thương. Seesraum chính là cầu thủ đã ghi bàn cân bằng tỷ số 1-1 trong trận chung kết SEA Games 27.
Một cầu thủ đáng gờm khác của Thái Lan là tiền đạo Pitsamai Sornsai (số 13), người mà các cầu thủ nữ VN vẫn quen gọi với nick-name “Búi” cũng chơi cho CLB Speranza Osaka nhưng đã giải nghệ vì bị chấn thương nặng.
ĐT nữ VN và ĐT nữ Thái Lan dù là kỳ phùng địch thủ trên sân cỏ nhưng có thể nói ở ngoài đời họ có mối quan hệ khá tốt. Nhiều lần ĐT nữ VN qua Thái Lan tập huấn hay thi đấu, các cầu thủ của chúng ta đều được cầu thủ Thái Lan đón tiếp thân tình và ngược lại. Chính vì biết rõ điểm mạnh yếu của nhau nên việc Thái Lan mất hai trụ cột trong đội hình ở Asian Cup kỳ này là điều khiến cán cân chuyên môn nghiêng về phía ĐT nữ VN.
ĐT nữ VN cẩn trọng với tiền đạo Anootsara Maijarern (17), cầu thủ đã ghi bàn ấn định chiến thắng 2-1 cho tuyển Thái Lan ở trận chung kết SEA Games 27 (ảnh: NK-TTO) |
Trong khi đó, một số cầu thủ trẻ của ĐT nữ VN năm ngoái còn thi đấu khá chệch choạc vì tâm lý và kinh nghiệm chưa vững vàng như Thanh Hương, Tuyết Dung, Nguyễn Thị Liễu, Nguyễn Thị Xuyến, Chương Thị Kiều đã cho thấy sự tiến bộ rõ rệt hơn Asian Cup kỳ này.
Phải nói rằng sau nhiều năm lực lượng hai bên so kè với nhau và Thái Lan có đôi phần nhỉnh hơn thì lần này ĐT nữ VN được đánh giá cao hơn, đó chưa kể lợi thế sân nhà và việc được nghỉ nhiều hơn đối thủ một ngày. Hy vọng giành vé dự World Cup của thầy trò HLV Trần Vân Phát đang rất rộng mở.
Coi chừng “thuyết âm mưu”!
So về nền tảng, Thái Lan đầu tư cho bóng đá nữ bài bản hơn Việt Nam. Ở Thái Lan, họ đã tổ chức giải VĐQG với 8 CLB tham dự và thuê cầu thủ ngoại về thi đấu để học hỏi trình độ, kinh nghiệm. Thái Lan đã gửi 4-5 cầu thủ sang Nhật thi đấu hòng nâng cao trình độ như Seesraum, Pitsamai Sornsai, Kanjana Sungngoen (cầu thủ sút quả penalty mở tỷ số trận thắng Myanmar 2-1)…
Thu nhập của các cầu thủ Thái Lan tính trung bình vào khoảng 400 - 500 USD/tháng. Trong khi đó giải VĐQG nữ Việt Nam chỉ có 6 đội và đời sống cầu thủ còn rất cơ cực. Ngay cả đội Hà Nội 1 được đầu tư tốt nhưng lương của các tuyển thủ QG như Ngọc Anh, Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Xuyến, Nguyễn Thị Nga chỉ có hơn 3 triệu đồng/tháng.
Nếu bóng đá nữ VN coi chiếc vé dự World Cup 2015 là “cơ hội ngàn năm có một” thì bóng đá nữ Thái Lan cũng vậy, thậm chí họ còn đầu tư quyết liệt hơn ta để nắm bắt thời cơ. Điều lo ngại với ĐT nữ VN trong trận đấu chiều hôm nay không phải là chuyên môn mà nằm ở yếu tố trọng tài.
ĐT nữ VN đã chịu thiệt vì tiếng còi của trọng tài ở Asian Cup lần này nên "đề phòng củi lửa" không phải là thừa ở trận cầu tranh vé dự World Cup với người Thái (ảnh: TNO) |
Ở trận gặp Australia, ĐT nữ VN đã thua oan vì tiếng còi của trọng tài người Thái Lan, song ít người biết rằng Trưởng Ban trọng tài AFC chính là ông Worawi Makudi – chủ tịch LĐBĐ Thái Lan.
Ông Worawi Makudi vốn là một nhà tài phiệt và đang nằm trong Ban chấp hành của FIFA và người có ảnh hưởng rất sâu rộng ở AFC. Bởi vậy không thể loại những yếu tố mang tính hậu trường tác động đến trận đấu lịch sử giữa Việt Nam và Thái Lan, đặc biệt là tiếng còi của trọng tài.
Có thể có người cho rằng đề phòng như vậy là “lo quá xa” nhưng trong bóng đá không thể loại trừ bất kỳ nguy cơ nào, nhất là khi vừa rồi ĐT nữ VN đã thiệt nặng vì tiếng còi đầy sai lầm trong trận thua Australia.
Theo MTG