Thích đốt tiền, chán phá bỏ
Có lẽ không thuộc diện giàu tốp đầu trong giới doanh nhân cũng như trong dàn các ông "bầu" nội nhưng ông Nguyễn Đức Thụy được biết đến rộng rãi trong giới đầu tư cũng như những người hâm mộ bóng đá bởi độ chịu chơi, sự bốc lửa, những phát ngôn hành động và cái cách ông "làm" bóng đá.
Đến với bóng đá khá muộn màng nhưng "Bầu Thụy" đã nổi danh hơn rất nhiều tên tuổi lão làng hàng chục năm theo môn thể thao vua này. Sự nổi danh của ông Thụy một phần nhờ vào những thương vụ mua bán đình đám toàn sao, những vụ "bắt quân" của các đội bóng khác và quan trọng là cái cách làm bóng đá như trong showbiz, đôi khi như ở góc làng của ông bầu trẻ tuổi này.
Tại V-League 2012, ở những vòng đầu tiên của mùa giải, một số góc của sân Thống Nhất chẳng khác nào sàn diễn với nhiều gương mặt ca sĩ, người mẫu, MC nổi tiếng... biểu diễn nghệ thuật cũng như để cổ vũ cho Sài Gòn Xuân Thành.
Trong các "bầu" Việt Nam, có lẽ không có ai chơi bóng đá 'ngông' như ông Nguyễn Đức Thụy.
Nhiều người thực sự choáng ngợp với mức độ chịu chơi của bầu Thụy và sau này là bầu Thủy - em trai bầu Thụy và trầm trồ khi thấy họ đi những chiếc siêu xe như Rolls-Royce Phantom, Ghosht, Maybach, Mercedes, BMW, Lexus... tới sân bóng. Những khoản tiền được đồn đoán khổng lồ đổ ra cho đội bóng... đã khiến bầu Thụy "ăn đứt" các bầu khác.
Không chỉ nổi bởi cái cách "thêm mắm thêm muối" cho các trận đấu, bầu Thụy còn liên tục được nhắc tới bởi hàng loạt các phản ứng và phát ngôn thái quá với trọng tài, với ban tổ chức, và hàng loạt những lần thay tên đổi họ cho đội bóng, thay đổi chủ tịch, sa thải HLV, dọa bỏ giải, bỏ giải...
Sự nổi tiếng có lẽ còn ở chỗ, cho dù bỏ ra hàng trăm tỷ đồng cho bóng đá, để mua hàng loạt các ngôi sao giúp Sài Gòn Xuân Thành thăng hạng V.League nhưng bầu Thụy có vẻ không quan tâm nhiều lắm tới khoản đầu tư của mình. Ông sẵn sàng bỏ môn thể thao này, giao lại cho bầu Lãm để quay sang chơi golf, sau đó vài tháng lại bất ngờ lấy lại vị trí ông bầu và rồi lại giao cho em trai là bầu Thủy.
Chi rất nhiều tiền cho Sài Gòn Xuân Thành, bầu Thụy đã ghi tên mình vào trong lịch sử bóng đá nước nhà nhưng không phải ở góc độ góp phần cho sự phát triển của lĩnh vực này mà có thể là ngược lại bởi chỉ sau một thời gian ngắn đội bóng của thành phố này đã bỏ giải và giải thể.
Thất vọng vì kinh doanh bóng đá?
Chỉ một thời gian ngắn sau khi đổi tên thành Xi măng Xuân Thành Sài Gòn và dưới sự dẫn dắt của ông Nguyễn Xuân Thủy - em trai bầu Thụy, CLB này đã chính thức giải tán đội bóng vào cuối tháng 8/2013, không tham dự nốt 2 vòng đấu cuối V-League 2013. Câu chuyện "làm" bóng đá của bầu Thụy đã chính thức chấm dứt kể từ thời điểm nói trên.
Nhiều người tin rằng, bầu Thụy gia nhập làng bóng đá để đánh bóng tên tuổi Tập đoàn Xuân Thành.
Trước đó, trong năm 2011 và 2012, những người hâm mộ bóng đá cũng như giới đầu tư thực sự choáng váng về những quyết định đầu tư táo bạo của đại gia trẻ tuổi Nguyễn Đức Thụy khi xâm nhập vào làng bóng đá Việt Nam.
Quyết định mua lại suất hạng nhất của V&V Hòa Phát và đổi tên đội bóng thành Sài Gòn Xuân Thành cùng hàng trăm tỷ đồng được bỏ ra để mua các ngôi sao khiến nhiều người bàn tán về những mục đích khi bầu Thụy "làm" bóng đá.
Sự nổi lên của các thương hiệu Đồng Tâm, Hoàng Anh Gia Lai... của bầu Thắng, bầu Đức khiến nhiều người tin rằng, bầu Thụy gia nhập làng bóng đá để đánh bóng tên tuổi Tập đoàn Xuân Thành.
Trên thực tế, sau khi rót hàng trăm tỷ vào bóng đá, cái tên Xuân Thành được biết đến rộng rãi. Giới đầu tư trên cả nước mới biết đến ông Thụy là ông chủ của Xuân Thành với hơn chục công ty con với vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Nếu chỉ xét về độ nổi của cái tên Xuân Thành, thì rõ ràng đây là một thành công của cú đầu tư vào bóng đá của bầu Thụy. Tuy nhiên, hàng loạt những sự việc lùm xùm và tai tiếng trong thời gian "trị vì" Sài Gòn Xuân Thành có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh các DN của anh em nhà ông Thụy.
Chính trong thông báo về việc rút khỏi bóng đá, lãnh đạo CLB XM Xuân Thành Sài Gòn cho rằng họ đã đầu tư rất nhiều tiền của, công sức vào đội bóng nhưng VFF và Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã không mang đến sân chơi công bằng cho các đội tham dự, đặc biệt làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của nhà tài trợ là Tập đoàn Xuân Thành.
Giới đầu tư nhiều người thậm chí còn cho rằng, việc bầu Thụy rút khỏi bóng đá và sau đó là bầu Thủy giải tán đội bóng có lẽ đã được lên kế hoạch từ trước và nó gắn với thời kỳ mà nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Có thể thấy, việc các đại gia đầu tư vào bóng đá không có gì là mới cả trên thế giới và cả ở Việt Nam. Đầu tư vào bóng đá được xem như một hình thức quảng bá hình ảnh DN, sản phẩm một cách hiệu quả nhất và cũng tốn kém nhất. Tuy nhiên, các đại gia có sử dụng kênh quảng bá này hiệu quả hay không là một điều khác.
Khá nhiều ông bầu gần đây đã phải bỏ bóng đá hoặc có ý định bỏ bóng đá như trường hợp bầu Kiên, bầu Thọ, bầu Trường, bầu Hương. Kinh doanh bóng đá có lẽ cần phải bài bản, không thể theo phong trào, khi thị trường nóng thì lao vào, đổ tiền vào, khi chán thì rút ra bởi nó có thể như con dao hai lưỡi, mang lại hình ảnh xấu cho DN.
Theo VEF