Một buổi sáng tháng 11/1999, một cô gái nhảy từ tầng 8 của tòa nhà B trong nhà máy giày Yue Yuen, Đông Quảng xuống đất. Đó là một công nhân của nhà máy, nhưng không ai biết tên cô ta: cô gái đã dùng chứng minh thư của một người khác để xin vào làm việc, có lẽ vì cô chưa đủ 18 tuổi theo luật.
Đó chỉ là một trong số hàng chục người đã nhảy từ các tầng cao của nhà máy Yue Yuen xuống đất kể từ khi nó được thành lập vào năm 1989.
Yue Yuen, thuộc tập đoàn Pou Chen (Đài Loan), là nhà máy đã góp phần tạo nên Olympic, EURO, World Cup hay rất nhiều sự kiện thể thao toàn cầu khác. Đó là nhà thầu của Adidas, Nike, Reebok và Puma, bốn cái tên thâu tóm gần như toàn bộ thị trường giày thể thao thế giới.
Cũng tháng 11 năm 1999 ấy, một công nhân tên là Liu Xiaoling, làm việc trong bộ phận khâu - cắt của dây chuyền sản xuất giày Adidas, bị ốm. Ba lần, Liu đến gặp quản lý để xin được nghỉ, và cả ba lần đều bị từ chối. Cô phải ở lại làm việc đến khi tan ca, là lúc 1 giờ sáng. Ngày hôm sau, các công nhân khác tìm thấy xác của Liu trong toilet. Khoản tiền bồi thường mà Yue Yuen trả cho gia đình là 5.000 nhân dân tệ.
Đó là những câu chuyện mà người ta có thể đọc trên trang web của China Labour Watch, một tổ chức phi chính phủ tại Mỹ đã theo dõi tình trạng lao động tại Trung Quốc nhiều năm nay. Rất có thể một ai đó trong số những người này, đã khâu nên những đôi giày mà Messi, Beckham hay Michael Ballack từng đi.
“Áp lực lúc nào cũng tăng” – một quản lý của nhà máy than phiền vào năm 2000 – “Bây giờ họ luôn miệng nói về quyền con người, về phúc lợi. Năm 1989 chẳng ai nói về điều đó cả. Đó là thời hoàng kim của tôi”.
Thời hoàng kim của các lãnh đạo nhà máy Yue Yuen có vẻ như còn lâu mới đi qua. Bởi cho đến tận 14 năm sau, công nhân của Yue Yuen vẫn còn phải đình công để đòi tiền bảo hiểm xã hội. Tháng 4 vừa qua, 50.000 công nhân của nhà máy này đã tạo nên một trong những vụ đình công lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Họ tin rằng tiền bảo hiểm xã hội của mình đã liên tục bị cắt xén trong hàng thập kỷ, và nhà máy nợ họ hàng tỷ nhân dân tệ.
Biểu tình chống bóc lột sức lao động tại nhà máy Yue Yuen. |
Tổng giám đốc Adidas, Herbert Hainer tất nhiên không thể hài lòng về những đòi hỏi đó. Năm 2008, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí Đức, ông cho rằng lương của công nhân Trung Quốc đang quá cao. “Mức lương tại Trung Quốc, vốn được quy định bởi chính phủ, đang trở nên quá cao” – Hainer phàn nàn – “Chúng tôi sẽ mở nhà máy ở Ấn Độ. Việc sản xuất sẽ được đưa sang Indonesia, Lào và Việt Nam”.
Tại thời điểm Hainer nói câu này, năm 2008, nhiều công nhân của Adidas ở Phúc Châu đang nhận khoảng 150 nhân dân tệ mỗi tuần.
Adidas và cả Nike chưa bao giờ thực sự thoát khỏi những cáo buộc về sự bóc lột sức lao động của công nhân các nước nghèo. Mọi thứ bắt đầu gây sự chú ý từ năm 2000, khi báo chí phương Tây khui ra việc Adidas đang sử dụng các lao động trẻ em tại Indonesia, ép những đứa trẻ 15 tuổi phải làm 15 tiếng mỗi ngày, trả ít hơn 60 USD/tháng (dưới mức tối thiểu của Tổ chức Lao động quốc tế), và không cho công nhân được nghỉ ốm.
Một vài sự thay đổi đã được tạo ra. Cho đến thời điểm này, không còn cáo buộc nào cho việc Adidas dùng lao động trẻ em. Nhưng mức lương và điều kiện làm việc của nhiều công nhân trong các nhà máy sản xuất cho hãng này, vẫn là điều bức bối. Những scandal của họ vẫn liên tục xuất hiện.
Năm 2012, đã có cả một chiến dịch truyền thông xã hội yêu cầu tẩy chay hàng Adidas vì nhiều người tin rằng Olympic London 2012 đã được tạo ra bởi các “sweatshop” – từ ám chỉ những xưởng bóc lột sức lao động của công nhân nghèo. Trong vụ đình công ở nhà máy Yue Yuen, ở khắp nơi trên thế giới, người ta đã tiến hành các vụ biểu tình ở những cửa hàng của Adidas.
"Bóc lột" là một từ được gắn với thương hiệu Adidas. |
Thậm chí khi Selena Gomez, nữ ca sỹ nổi tiếng nước Mỹ trở thành đại sứ hình ảnh của Adidas, người ta thực hiện cả những cuộc biểu tình chống lại cô gái này, với biểu ngữ: “Selena: Đừng làm đại sứ cho lũ bóc lột công nhân”.
Doanh thu của Adidas trong năm 2012 là 20 tỷ USD. Trong năm đó, họ nhận những cáo buộc về việc trả cho công nhân 0,57 USD/giờ làm việc.
Họ vẫn liên tục hướng tới sự tăng trưởng. Trong năm 2014 này, năm diễn ra World Cup, hãng đồ thể thao khổng lồ của nước Đức đặt mục tiêu tạo ra doanh thu 2,7 tỷ USD chỉ riêng trong lĩnh vực bóng đá. Và một trong những biện pháp quan trọng, là hạ chi phí sản xuất.
Theo Lao động