Thực tế thì Đức vẫn là đội bóng giàu tài năng, có chiều sâu đội hình tốt nhất tại World Cup 2014. Với những Oezil, Goetze, Kroos, Schurrle, Schweinsteiger, Mueller… ông Joachim Loew có những con người đủ khả năng thay đổi cục diện trận đấu ở thời điểm khó khăn nhất. Bất kỳ HLV nào sở hữu đội hình tài năng đến như vậy thì sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện thay đổi, bởi như vậy khác nào đánh cược với số mạng của mình.
Đức sở hữu nhiều yếu tố để đăng quang tại Brazil.
Vậy mà Loew vẫn cố gắng thử nghiệm, ngay cả thứ đã định hình từ năm 2006 đến nay như vị trí của Philipp Lahm chẳng hạn. Loew đẩy Lahm vào giữa, đá như một tiền vệ trung tâm để tăng chất thép cho khu trung tuyến trước sức công của đội tuyển Pháp. Ông cũng bất ngờ để Goetze ngồi dự bị và đưa Klose đá ngay từ đầu. Không có HLV nào dám liều lĩnh đặt cược vào “lão tướng” Klose như Loew bởi ai cũng biết, Klose đến Brazil lần này như một con bài chiến lược hơn là vị trí cần phải có trong đội hình.
Cách tiếp cận trận đấu ấy đã giúp Đức ghi bàn ngay ở cơ hội đầu tiên đưa bóng về khung thành của Pháp. Suốt thời gian còn lại của trận đấu, Đức chỉ có thêm 2 lần sút cầu môn nữa. Họ chiếm 59% thời lượng kiểm soát bóng trong hiệp một nhưng nhường cho Pháp đến 60% trong hiệp hai. Mọi thứ khác hoàn toàn so với trận đấu trước đó với Algeria, khi mà họ chiếm lĩnh toàn bộ trận đấu nhưng chỉ thắng trong những phút cuối của hiệp phụ.
Có thể nói Đức rút kinh nghiệm từ bài học đó để trở nên thực dụng hơn tại tứ kết World Cup 2014, và cũng có thể nói đấy chỉ là một gương mặt khác của họ trong một đội tuyển Đức đa diện mà Joachim Loew đã chuẩn bị để chinh phục cúp thế giới lần này? Người đời từng nói, đừng bao giờ thay đổi một đội hình chiến thắng. Đấy là triết lý để giúp bạn tránh đặt cuộc sống của mình trước rủi ro không cần thiết khi bản thân đã có lộ trình thành công. Với Joachim Loew và đội tuyển Đức, thay đổi là cả một định mệnh mà họ buộc phải lựa chọn.
Theo Người Đưa Tin