Và đến năm nay, liên tiếp hai vụ bán độ tại Ninh Bình và Đồng Nai bị phanh phui, cho thấy tiêu vực vẫn lẩn khuất như những bóng ma…
Những tiêu cực ở mùa bóng 2005 như một vết nhơ của lịch sử bóng đá Việt Nam. Khi đó, hàng loạt sự cố có liên quan đến các đội bóng và các trọng tài, các cán bộ quản lý ở các CLB dính líu đến tiêu cực. Nổi đình nổi đám nhất là vụ hàng loạt trọng tài đẳng cấp FIFA của Việt Nam có liên quan đến đường dây cá độ bóng đá. Vụ điều tra và xử lý tiêu cực của các ông “vua sân cỏ” được xem là phát súng lệnh, mở màn cho chiến dịch “bàn tay sạch” trong bóng đá Việt Nam, trong đó đã có 7 trọng tài phải hầu toà.
V. Ninh Bình bán độ ở AFC Cup gây xôn xao làng bóng đá Việt Nam.
Vụ bắt giữ nhóm trọng tài này sau đó đã mở ra một loạt các chuyên án: Môi giới, hối lộ các trọng tài để dàn xếp tỷ số; Chiến dịch dùng tiền mua chức Vô địch V-League của SL Nghệ An trong mùa bóng 2000-2001; Vụ bán độ tại SEA Games 23 của Văn Quyến, Quốc Vượng cùng hàng loạt tuyển thủ U23 Việt Nam; vụ án đánh bạc dưới hình thức cá độ với số tiền lên tới hàng triệu USD của cựu cảnh sát Bùi Quang Hưng và “con bạc triệu đô” Bùi Tiến Dũng cùng các đồng phạm…
Bị “đánh động”, các tổ chức, đội bóng “nằm im thở khẽ” một thời gian. Bóng đá Việt Nam đã có một giai đoạn sòng phẳng và trung thực khiến những nhà quản lý phải thở phào. Tuy nhiên, như đã nói, bóng đá luôn gắn liền với tiêu cực và lần này, tiêu cực trở lại như những bóng ma, luôn ẩn khuất trong bóng tối. Trước kẽ hở và sự siết chặt nửa vời của VFF, VPF. Tình trạng đi đêm, móc ngoặc trọng tài, nhường điểm, liên minh, đánh hội đồng…đã bắt đầu diễn ra thường xuyên hơn.
Ở mùa giải nào cũng vậy (đặc biệt là lượt về), báo chí và dư luận liên tục những lời cảnh báo đại loại như: “khét mùi”, “cẩn thận củi lửa”…nhưng chuyện vẫn xảy ra. Các đội vẫn thắng, vẫn thua trong sự dự đoán của nhiều người.
Mùa giải 2013, khi V.League còn chưa khởi tranh, làng bóng đá Việt Nam rúng động với nghi án đội Sài Gòn Xuân Thành bán độ ở trận tranh Siêu cúp quốc gia với SHB Đà Nẵng trên sân Chi Lăng. Đội này sau đó đã bị trừ điểm và bỏ giải luôn.
Mùa giải 2013 có quá nửa số trận bị nghi ngờ tiêu cực. Đỉnh điểm là nghi án tổ trọng tài nhận hối lộ 100 triệu đồng trên sân Thanh Hóa ở vòng 3, đã được C45 triệu tập để điều tra vụ việc.
Đến mùa giải 2014 mới thực sự tồi tệ, với việc có tới 2 đội bóng bán độ, với số lượng cầu thủ tham dự lên tới hơn 10 người, hầu hết là trụ cột, cựu tuyển thủ ĐTVN, U23.
Trong vai trò của tổ chức có trách nhiệm quản lý và điều hành các giải đấu, VFF, VPF biết rằng mình sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường nếu như để lặp lại những vụ án tiêu cực trong quá khứ. Tuy nhiên, bắt bệnh luôn dễ bởi những “triệu chứng” là quá rõ ràng, thậm chí rất lộ liễu. Nhưng chữa bệnh mới khó, bởi người trong cuộc có quá nhiều những trở ngại, khó khăn và những điều khó nói trong việc xử lý tiêu cực đến nơi, đến chốn.
Nhóm cầu thủ Đồng Nai bán độ tại C45.
Cái khó của các nhà tổ chức và cơ quan công an, chính là công việc điều tra luôn thiếu những bằng chứng cụ thể. Câu hỏi “bằng chứng đâu?” dường như là một thách thức với các cơ quan chức năng. Thực tế thì ở mùa giải năm nay, rất nhiều trận đấu bị nghi ngờ có tiêu cực, chứ không chỉ có 2 đội Ninh Bình và Đồng Nai.
Sự thật là tiêu cực ở bóng đá Việt Nam đang ngày càng tinh vi và vô hình, khiến các nhà quản lý bóng đá nước nhà chỉ còn biết “bó tay” đứng nhìn, dù báo chí và dư luận ngày nào cũng ra rả chuyện đội này, đội kia, cầu thủ, trọng tài…có biểu hiện tiêu cực.
Dù đã có những vụ tiêu cực được phanh phui, nhưng để làm sạch hoàn toàn, bóng đá Việt Nam vẫn cần những liều thuốc cực mạnh hơn nữa. Liều thuốc đó mang tính tổng thể, hệ thống và cần nhiều thời gian mới có thể mang lại sự hiệu quả.
Theo Dân trí