Ông Trần Quốc Tuấn tại SEA Games 26. Ảnh: Nam Hà. |
Đội tuyển U23 Việt Nam trước giờ lên đường tới SEA Games 26 nhận được sự ủng hộ tinh thần cũng như kỳ vọng của đông đảo người hâm mộ về một kỳ Đại hội thành công. Tuy nhiên, ngược với một lối đá có đường nét tại VFF Cup, đến SEA Games 26, ngay từ trận đấu đầu tiên, đội đã bộc lộ vấn đề khi thắng Philippines trong thế lội ngược dòng và thiếu thuyết phục.
HLV người Đức Falko Goetz thiếu hụt thông tin về sự quyết liệt của đấu trường SEA Games, về các đối thủ và chính các cầu thủ của mình nên không hoàn thành nhiệm vụ đầu tàu về chuyên môn cho U23 Việt Nam trong quãng thời gian thi đấu tại Indonesia.
Trong tình thế ấy đã xuất hiện những mâu thuẫn trong nội bộ giữa HLV với cầu thủ đội U23 Việt Nam, nhưng sự ức chế giữa các bên dù đã được cố gắng giải tỏa đã không đem lại kết quả tốt.
Với vị trí Trưởng đoàn, ông Trần Quốc Tuấn bị đánh giá thấp trong vai trò cầm trịch giải quyết những vấn đề nảy sinh của U23 Việt Nam, trong đó có cả việc tiết chế được cá tính của HLV trưởng.
Tuy nhiên, sự việc có thể sẽ không bị đẩy lên thành bức xúc nếu VFF, Trưởng đoàn và HLV trưởng Falko Goetz có hành động giúp giải tỏa được tâm trạng thất vọng dâng cao của người hâm mộ Việt Nam.
Ngay sau thất bại tại SEA Games 26, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn và HLV Falko Goetz đã lên tiếng xin lỗi người hâm mộ Việt Nam.
Không hài lòng với những lời xin lỗi này, nhóm cổ động viên có mặt trực tiếp tại Jakarta theo dõi U23 thi đấu cho rằng HLV Goetz thiếu hiểu biết về bóng đá Việt Nam, không thích hợp cho vai trò dẫn dắt các đội tuyển quốc gia và nhất là không cầu thị và nhìn nhận đúng sai lầm. Vì vậy, nhóm đã gửi một “tâm thư” tới Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ yêu cầu sa thải HLV Falko Goetz và cách chức Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn.
Không chấp nhận yêu cầu này, VFF đã tổ chức một cuộc họp mổ xẻ nguyên nhân thất bại tại SEA Games 26 giữa ban Thường vụ VFF, ban huấn luyện và Trưởng đoàn bóng đá Trần Quốc Tuấn.
Kết quả cuộc họp này được Phó Chủ tịch phụ trách tuyên truyền VFF Nguyễn Lân Trung thông báo với báo chí. Nhưng nó lại tiếp tục làm dấy lên làn sóng phản đối mới khi những chuyên gia bóng đá cho rằng VFF không chuyên nghiệp. Bởi các thành viên ban Thường vụ tham gia dự cuộc họp về chuyên môn với ban huấn luyện đội tuyển như Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, Phó chủ tịch phụ trách tài chính Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Viễn và Phó chủ tịch phụ trách tuyên truyền Nguyễn Lân Chung đều là những người không có kinh nghiệm dẫn dắt một đội tuyển bóng đá.
Vì thế những lời giải thích của HLV Falko Goetz bị giới chuyên môn cho rằng không nhận được sự phản biện cần thiết. Nhiều chuyên gia trong Hội đồng HLV quốc gia và cựu danh thủ bóng đá không chấp nhận lời giải thích của ông Goetz.
Làn sóng phản đối VFF dâng cao khi ông Falko Goetz không bị sa thải. Không còn là ông Goetz, giờ tới lượt VFF trực tiếp nhận sự phản ứng vì không chịu thay đổi tư duy.
Từ cuối tháng 11, một chiến dịch có sự tham gia của nhiều người đã được tiến hành để đòi các ông Nguyễn Trọng Hỷ - Chủ tịch VFF và Trần Quốc Tuấn - Tổng thư ký VFF từ chức. Một loạt tin nhắn được gửi lên lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT, thậm chí cả báo chí. Nhiều câu hỏi được gửi tới các báo, nhờ báo chí chuyển lên Bộ trưởng bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh.
Cách đây 16 ngày, thông tin về tin nhắn từ một số máy thuê bao 12...31068 với nội dung: “Ông Hỷ và ông Tuấn vừa đồng ý rút lui theo đề nghị của ông Vương Bích Thắng - Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT - nguồn tin này từ Bộ VH-TT&DL” gửi tới nhiều lãnh đạo ngành thể thao xuất hiện trên báo chí. Thông tin này khiến nhiều ngươi lo ngại việc ông Tuấn từ chức là do chỉ đạo từ cơ quan nhà nước và như vậy vi phạm luật FIFA. Nếu điều này là thật và FIFA có bằng chứng thì rất có thể bóng đá Việt Nam sẽ bị tổ chức quyền lực nhất của bóng đá thế giới ra lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, đến ngày 21/12, thông tin ông Trần Quốc Tuấn nộp đơn xin từ chức đã được xác nhận. Thường vụ VFF họp bất thường trong chiều nay để quyết định về lá đơn này.
Theo vnexpress