Có hay không nguy cơ “vừa đá bóng vừa thổi còi” khi tiểu ban Kỷ luật nằm trong cơ cấu tổ chức của Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF)?
Ở mùa giải 2012 tới, VPF sẽ tổ chức và điều hành 3 giải đấu lớn trong hệ thống thi đấu của bóng đá Việt là V.League (tên gọi mới là giải Ngoại hạng), giải hạng Nhất và Cup QG. Trao đổi vào hôm qua, Tổng Giám đốc điều hành VPF, ông Phạm Ngọc Viễn cho biết họ có một tiểu ban Kỷ luật để xử lý những sự cố, sai phạm phát sinh trong mùa giải.
Trên thực tế, phía VPF cũng đã gửi công văn sang ban Kỷ luật VFF đề nghị tăng cường nhân sự cho “bộ máy xét xử” của họ, cũng như phối kết hợp trong công tác của mùa giải 2012.
Tuy nhiên, có một vấn đề được đặt ra ở đây: liệu tiểu ban Kỷ luật nói trên có đảm bảo tính khách quan trong hoạt động của mình hay không khi nó thuộc VPF?
Nếu sau này, HAGL (phải) của bầu Đức sai phạm, tiểu ban Kỷ luật có dám xử thẳng tay? Ảnh: Như Ý.
Nên nhớ, ở các mùa trước, về mặt nguyên tắc, ban Kỷ luật VFF luôn hoạt động độc lập với BTC giải. Và cũng để thể hiện nguyên tắc này, Trưởng ban Kỷ luật VFF, Nguyễn Hải Hường từng tuyên bố rằng ban của ông có thể xử cả Trưởng giải lẫn các thành viên BTC giải nếu như họ sai phạm.
Còn ở mùa tới, khi VPF cũng có một ban Kỷ luật, liệu tính độc lập của “bộ máy xét xử” này có còn không? Sở dĩ hỏi như vậy bởi lẽ, từ Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF, ông Võ Quốc Thắng cho tới 2 Phó chủ tịch Hội đồng quản trị VPF là ông Nguyễn Đức Kiên và ông Đoàn Nguyên Đức, đều có đội bóng tham dự ở giải hạng Nhất và V.League. Thử hỏi, tiểu ban Kỷ luật sẽ xử lý như thế nào khi chẳng may Đồng Tâm.LA của bầu Thắng, HAGL của bầu Đức hay CLB bóng đá Hà Nội của bầu Kiên, sai phạm trong mùa giải?
Ở đây người viết không hề có ý nghi ngờ tính liêm trực của những người đứng đầu Hội đồng quản trị VPF. Thế nhưng, hãy thử đặt vào địa vị của những thành viên tiểu ban Kỷ luật VFF trong tương lai khi họ phải “xử” đội bóng của các “sếp”. Và có lẽ với một mô hình như VPF, vốn được khai sinh theo tư tưởng minh bạch, công bằng và nâng cao chất lượng của việc điều hành các giải đấu bóng đá, có lẽ cũng không nên để tồn tại những cơ cấu có thể tạo ra điều tiếng về chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi” như vậy.
Nên chăng hãy đặt tiểu ban Kỷ luật vào vai trò “một cách tay nối dài”, đại diện cho ban Kỷ luật VFF ở VPF mà thôi. Đồng thời giữ nguyên tính độc lập của ban Kỷ luật VFF với VPF. “Tiểu ban Kỷ luật phải hoạt động theo tiêu chí riêng của điều lệ VFF. Tiểu ban này chỉ xử lý những vụ việc đơn giản. Còn với những vụ việc phức tạp và quy mô, họ phải gửi hồ sơ lên để ban Kỷ luật VFF xử lý”, đó là một gợi ý của Trưởng ban Kỷ luật VFF, ông Nguyễn Hải Hường.