Tết cũng không hết đá!
Kỳ nghỉ Đông của người Italia và Tây Ban Nha kéo dài chừng ba tuần, ngay cả khi Liga khởi tranh muộn hơn so với các giải vô địch hàng đầu châu Âu khác. Người Đức nghỉ hẳn một tháng, còn Ligue 1 cũng giãn ra ba tuần cho các cầu thủ xả hơi. Tất nhiên, xen kẽ vào lịch đấu ấy vẫn là các trận đá Cúp quốc nội, nhưng điểm khác biệt là các đội bóng có thể chỉ coi đó như là mặt trận phụ và đưa ra các giải pháp nhân sự để giữ sức cho các cầu thủ, bởi giải vô địch quốc gia vẫn là đấu trường quan trọng nhất.
Trong 3-4 tuần mà cả châu Âu được nghỉ ngơi ấy, người Anh vẫn ra sân, với mật độ chừng 4-5 ngày/trận (vào thời điểm đá Cúp châu Âu, họ sẽ đá ba trận trong vòng sáu ngày). Họ tập luyện trong lễ Giáng sinh và ra sân thi đấu ngay trong cả ngày Boxing Day. Một ngày trước khi sang năm mới 2012, Manchester United đón tiếp Blackburn Rovers, Chelsea gặp Aston Villa, còn Arsenal tiếp QPR... trong khuôn khổ vòng 19 Premier League.
Đến một cầu thủ khỏe mạnh như “Gã Skrek” Wayne Rooney cũng bị kiệt sức vì không được nghỉ ngơi - Ảnh Getty
Tất nhiên, họ vẫn sẽ tổ chức đầy đủ những buổi tiệc để chào mừng các dịp đặc biệt cuối năm ấy, nhưng nghỉ ngơi đúng nghĩa và sum họp bên gia đình, thì không.
Đá cho đến chết?
Trước đó, các cầu thủ của Premier League đã trải qua một năm vô cùng căng thẳng, với các mùa giải vắt từ năm này sang năm khác, và chỉ có giai đoạn mùa Hè là họ được nghỉ ngơi thật sự. Nhưng ngay cả kỳ nghỉ hiếm hoi ấy cũng bị “xà xẻo”: Cuối tháng Năm, mùa giải kết thúc, nhưng đầu tháng Sáu, kế hoạch tập trung trở lại đã rục rịch. Mùa Hè năm nay, Manchester United đã tập trung trở lại ngay từ đầu tháng Bảy, tức họ chỉ có chừng hơn một tháng nghỉ Hè, trước khi lên đường trải qua một tháng du đấu ở Mỹ, rồi quay về Anh và chỉ có một tuần chuẩn bị cho trận tranh Community Shield.
Hệ thống thi đấu cồng kềnh ở Anh cũng là thủ phạm vắt kiệt sức các cầu thủ. Premier League có 38 vòng. FA Cup, giải đấu lâu đời nhất thế giới, cũng là giải đấu phí phạm sức lực nhất, vì mở rộng phạm vi tham gia đến cả những hạng đấu “trời ơi đất hỡi” nhất (mùa 1998-1999 ghi nhận một kỷ lục, với 558 đội từ 10 hạng đấu của nước Anh tham dự). Chưa kể Cúp Liên đoàn và các Cúp châu Âu. Một con số các trận đấu khổng lồ!
Trụ cột của một đội bóng hàng đầu nước Anh có thể chơi hơn 3500 phút trong một mùa bóng (riêng Nemanja Vidic, cầu thủ “mẫn cán” nhất của M.U, đã chơi gần 4500 phút trên tất cả các mặt trận mùa trước), trong khi con số tương tự ở Bundesliga, Liga và Ligue 1 chỉ nhỉnh hơn 3000 một chút. Mùa trước, có tổng cộng 78 cầu thủ của Premier League dính chấn thương trước khi tháng 2/2011 kết thúc, chiếm 1/6 số lượng cầu thủ của 20 đội bóng.
Ảnh hưởng đến bộ mặt bóng đá Anh
Mùa Hè năm ngoái, như thường lệ, đội tuyển Anh trải qua một vòng chung kết World Cup tồi tệ ở Nam Phi, bị loại ở vòng 1/8 sau thảm bại trước đội tuyển Đức. Đội U-21 Anh bị loại ngay từ vòng bảng ở giải U-21 châu Âu diễn ra nửa năm trước, với sự vắng mặt của hai trụ cột là Andy Carroll (Liverpool) và Jack Wilshere (Arsenal), đều vì lý do cần phục hồi thể lực sau một mùa bóng căng thẳng.
Tất nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho lý do ấy, nhưng phải thừa nhận rằng sự uể oải sau một mùa giải quá vất vả đã ảnh hưởng đáng kể đến diện mạo của đội tuyển Anh ở mọi cấp độ trong các giải đấu quốc tế.
Một lịch làm việc như thế cũng tôn vinh những “người không phổi” kiểu Frank Lampard, những góp phần làm “tuyệt chủng” những mẫu cầu thủ có tính sáng tạo và chơi bóng mềm mại của nước Anh. Đội tuyển Anh luôn có rất nhiều người hoạt động bền bỉ và có tính chiến đấu (ngay cả ở một chân sút như Rooney), nhưng mẫu cầu thủ tạo đột biến thì không nhiều, và sự thiếu sót này có thể hình thành từ mật độ dày đặc các trận đấu đã bóp nghẹt cảm xúc chơi bóng, đồng thời đề cao thứ tư duy máy móc.
Vì bóng đá, ngoài việc là một nghề nghiệp, còn có thể coi như một nghệ thuật đòi hỏi cảm hứng. Mà sáng tạo thì luôn cần cảm hứng, được sản sinh từ quãng thời gian nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng, cả về thể chất và trí óc.
Có giải pháp, nhưng vẫn bất khả thi?
Thật ra, các nhà tổ chức bóng đá Anh hoàn toàn có thể sắp xếp cho Premier League được nghỉ Đông trong khoảng hai tuần. Chúng ta có thể lấy mùa bóng này làm ví dụ: Các vòng 18 (diễn ra vào 17/12) và 19 (31/12) có thể được dời sang năm mới, và hai lượt trận ấy có thể được đá bù vào giữa tuần bất kỳ trong năm không có Cúp châu Âu. Để phục vụ cho đội tuyển Anh trước các giải đấu lớn, Premier League cũng có thể khai mạc sớm một tuần so với thường lệ, tránh các loạt du đấu vô bổ và có thể tận dụng trận đấu ấy như một phần của giai đoạn chuẩn bị mùa bóng. Tất nhiên, việc đá sớm một tuần có thể ảnh hưởng đến trận Community Shield, nhưng lợi ích của hai đội bóng có thể được đánh đổi cho 18 đội còn lại hay không?
Dĩ nhiên, giải pháp kể trên là điều mà các nhà tổ chức bóng đá Anh không thể không nhận ra, nhưng có thể là họ chưa muốn làm, vì tính chất giải trí và “phục vụ” quá cao của bóng đá Anh (nghỉ lễ cũng phải có cái mà xem chứ!), và các ràng buộc về bản quyền truyền hình. Nhưng chừng nào người Anh còn nghĩ rằng “đánh cắp” gà tây của các cầu thủ là điều đúng đắn, thì đội tuyển quốc gia của họ vẫn sẽ gây thất vọng dài dài ở các giải quốc tế, không chỉ vì thể lực và trí lực hao mòn, mà những thế hệ cầu thủ của họ cũng sẽ bị biến thành những cái máy trên sân. Những cái máy thậm chí biết... mệt mỏi.
Premier League “cô đơn” - Ligue 1 khai mạc từ 13/8, nghỉ Đông từ 22/12 đến 15/1. Có đá thêm một loạt trận Cúp QG vào 7/1. - Serie A khai mạc từ 6/8, nghỉ Đông từ 22/12 đến 8/1. Không đá Cúp. - Bundesliga khai mạc từ 6/8, nghỉ Đông từ 18/12 đến 21/1. Đá Cúp quốc gia Đức vào các ngày 20 và 21/12. - La Liga khai mạc từ 26/8, nghỉ Đông từ 18/12 đến 8/1. Đá Cúp nhà Vua vào 20/12. - Premier League khai mạc từ 13/8, không có kỳ nghỉ Đông. |
Theo thethaovanhoa.