HLV Miura giúp bóng đá Việt Nam nhận ra nhiều điều
Trong khoảng 2 năm nắm các đội tuyển, HLV Miura đã làm được những gì và chưa làm được những gì, thưa ông?
Tôi sẽ nói về những mặt được trước, vì ông ấy làm được nhiều việc đấy chứ: Tâm thế của các đội tuyển được nâng lên, thể lực tiến bộ rõ rệt. Về mặt thông số, HLV Miura cũng chưa làm hỏng bất cứ chỉ tiêu nào mà VFF giao cho.
Ông ấy chỉ ra cho chúng ta thấy rằng để đá từ các giải đấu cấp châu lục trở lên thì chúng ta cần đạt chuẩn thể lực tối thiểu là như thế nào. Đây là điều rất quan trọng, vì ngay cả các đội như Nhật Bản hay Hàn Quốc muốn đá ở tầm thế giới thì đầu tiên cũng là phải cải thiện thể lực. HLV Miura chỉ ra cho chúng ta cái chuẩn đấy, và bây giờ việc của những người điều hành nền bóng đá, điều hành các CLB là thay đổi phương pháp đào tạo trẻ, cải thiện về mặt y học thể thao để theo kịp thể lực với mặt bằng chung của bóng đá quốc tế.
Chuyên gia bóng đá Trần Duy Long (phải) chia sẻ những khó khăn của HLV Miura |
Nhưng cũng nói riêng về khâu thể lực, có người bảo HLV Miura không hiểu cầu thủ Việt Nam, nên khiến cho cầu thủ quá tải?
Hình như họ đang nói ngược. Cầu thủ của chúng ta thường tập chưa đủ cường độ ở V-League, sau đó lên tuyển một số người lại đòi hỏi cứ phải tập giống ở CLB để tránh chấn thương, thì lấy sức đâu mà đá? Ngược là ở chỗ đấy, CLB phải là nền tảng để cầu thủ có các tiêu chuẩn cơ bản khi lên đội tuyển, chứ không phải đội tuyển phải quay trở lại với điểm sơ khởi ở CLB.
Còn về phong cách, rất nhiều ý kiến cho rằng HLV Miura không mang lại phong cách phù hợp với bóng đá Việt Nam?
Mỗi HLV có một triết lý riêng, là người trong nghề với nhau tôi hiểu nỗi khổ của ông Miura, cũng như chúng ta nên tôn trọng công việc của ông ấy, tôn trọng những gì ông ấy đã làm được. Và thật ra thì bóng đá thế giới nhiều năm trở lại đây đã có sự giao thoa đáng kể về mặt phong cách: Cầu thủ Nam Mỹ chơi bóng mạnh mẽ không khác cầu thủ châu Âu, cầu thủ châu Âu thì người nước này đá thuê ở nước kia nên không còn lạ lẫm lối chơi của nhau, nên một đội bóng có thể thích ứng với nhiều lối chơi khác nhau là bình thường.
Có thể chiến thuật của HLV Miura trong từng trận đấu chưa linh hoạt, nhưng nói đi cũng phải nói lại, rằng cầu thủ của chúng ta đã đủ sức đáp ứng tất cả các yêu cầu để tạo nên sự đa dạng về lối chơi hay chưa? Đừng nghĩ rằng cầu thủ Việt Nam đã ở đẳng cấp cao mà đưa ra những đòi hỏi quá cao. Chúng ta vừa đòi hỏi thành tích vừa muốn chơi đẹp thì e rằng hơi khó cho HLV Miura.
Đừng định hướng sai
Đặt trường hợp khán giả ngộ nhận về điều đó thì còn có thể hiểu được, nhưng một vài quan chức chủ chốt cũng có những phát ngôn mang tính áp đặt lối chơi cho đội tuyển thì có phải đem lại định hướng sai cho dư luận không, thưa ông?
Tôi trân trọng tâm huyết của những người có đóng góp cho bóng đá Việt Nam, nhưng thật ra nên phân biệt quản lý một CLB khác và quản lý một nền bóng đá, rồi một đội tuyển quốc gia khác nhau rất xa.
Còn về đòi hỏi việc xây dựng đội tuyển theo phong cách tương tự như CLB HA Gia Lai thì sao?
Mô hình đào tạo của HA Gia Lai liên kết với Arsenal là một trong những hướng đi tốt. Bầu Đức rất giàu tâm huyết khi cho ra lò một nhóm cầu thủ đáng chú ý như hiện nay. Công của bầu Đức dĩ nhiên rất lớn. Nhưng chúng ta nên phân biệt rõ chỗ này, bầu Đức là nhà kinh tế chứ không phải là dân chuyên môn bóng đá. Mô hình đào tạo của bầu Đức là một hướng đi nhưng không phải là mô hình duy nhất. Chúng ta thấy đó, đá ở giải quốc nội, HA Gia Lai của bầu Đức vẫn chưa là gì mà, nên phong cách HA Gia Lai không phải là phong cách bắt buộc phải theo.
Arsenal cũng chưa phải là đỉnh của bóng đá thế giới, rồi nếu tất cả các ông bầu bóng đá đều làm theo một kiểu, định hình lò đào tạo theo đúng 1 phong cách thì chưa hẳn đã hay. Phải đa dạng, phải nhiều trường phái thì nguồn cầu thủ mới dồi dào, đội tuyển mới dễ thích ứng với nhiều môi trường và nhiều lối chơi khác nhau. Và đấy là việc của những nhà chuyên môn của VFF, phải định hướng và phải chắt lọc.
Với những gì đã nói về HLV Miura, ông cho rằng chúng ta nên tiếp tục hay ngưng gia hạn hợp đồng với ông ấy?
Thật ra đây không phải là vấn đề lớn nhất của bóng đá Việt Nam vào lúc này, mà vấn đề là cải tiến giải quốc nội. Giải quốc nội mới là giải đấu quan trọng nhất của mọi nền bóng đá, với bóng đá Việt Nam là V-League. Tôi chờ đợi V-League sẽ thay đổi gì trong năm tới, năm tới nữa. Chất lượng V-League thay đổi thì tự khắc chất lượng cầu thủ sẽ thay đổi, chất lượng các đội tuyển sẽ tốt lên.
Còn đặt trường hợp ngược lại, nếu V-League vẫn thiếu tính cạnh tranh, chất lượng không được cải thiện thì có mời Mourinho về đây cũng không thể nâng tầm bóng đá Việt Nam, chứ đừng nói đến Miura hay ai khác.
Đặt trường hợp VFF ngưng ngay hợp đồng với HLV Miura ở thời điểm hiện tại thì sao?
Tôi không quan tâm đến chuyện ông Miura có được gia hạn hay không, nhưng nếu bảo ngưng ngay bây giờ thì không cần thiết, vì hết tháng 4 hợp đồng cũ đã đáo hạn rồi. Dĩ nhiên trừ trường HLV Miura muốn rút vì không muốn chịu thêm áp lực thì lại khác. Nhưng ông ấy chưa lên tiếng về vấn đề này.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dân Trí