Hết thời đỏng đảnh như… truyền hình

Thứ tư, 11/01/2012, 10:18
Ai cũng nói bản quyền truyền hình bóng đá là con bò sữa, vậy nhưng nhiều lúc bò đó, sữa đó mà chẳng ai thèm vắt..., thậm chí còn đi... tiếp sữa cho bò (!).

Chuyện bản quyền truyền hình Việt Nam cần phải quay lại từng thời điểm, từng thời kỳ để hiểu đúng về bản quyền truyền hình và đặc thù bản quyền truyền hình bóng đá ở Việt Nam.

Tốn công lên sóng, lại còn tốn tiền

Những năm 1990, Tổng Thư ký AFC Peter Velappan thời bấy giờ đến Việt Nam tìm hiểu về tình hình bóng đá đã phải thốt lên: “Tôi nể phục sự hâm mộ bóng đá quốc gia các bạn nhưng tôi thấy có một điểm rất khó tháo gỡ. Đó là Việt Nam không thu được phần bánh rất lớn là bản quyền truyền hình mà ngược lại phải mất tiền rất nhiều để có được sóng truyền hình. Phần lẽ ra bóng đá phải được hưởng thì các bạn lại phải mất tiền cho nó rất nhiều…”.

Điều ông Velappan nói thực tế là những gì ông thu thập từ Strata là đối tác của bóng đá Việt Nam. Cũng cần biết khi đó ông Velappan đã giới thiệu Công ty Strata với bóng đá Việt Nam vì mối quan hệ của AFC với Strata rất thân thiện, bởi ông là bạn thân của Tổng Giám đốc Strata- Kashmiri.

Sau này thì chính Strata thừa nhận khi đầu tư vào bóng đá Việt Nam, điều họ “khổ” nhất là phải đưa các giải bóng đá lên sóng truyền hình (để thực hiện nghĩa vụ với các đơn vị, với khách hàng) mà truyền hình thì không bao giờ (thời điểm đó) mua sóng. Ngược lại thì Strata phải làm đủ mọi cách để “có sóng” với phần “phí có sóng” rất cao.

Nên mừng cho bóng đá Việt Nam với cuộc cách mạng về bản quyền truyền hình. Ảnh: XUÂN HUY

Bản quyền bóng đá đầu tiên được bán với giá… 1 đồng

Đó là bản quyền bóng đá lịch sử được thực hiện vào năm 1995 khi đội Công an TP.HCM dự cúp C2 châu Á. Lúc đó trưởng đoàn là ông Đặng Quang Dương đã đặt vấn đề trận đấu của đội Công an TP.HCM thì đội sẽ phải được hưởng tiền bản quyền truyền hình.

Thực chất chuyện này chỉ là tranh luận quanh quyền truyền hình của ai mà thôi, tiền chỉ là yếu tố phụ. Ông Dương “cương” tới bến với đài truyền hình địa phương bất chấp “phép” của Ủy ban Nhân dân TP.HCM cho “đài nhà” được khai thác các hoạt động văn hóa diễn ra trên địa bàn TP.HCM với danh nghĩa phục vụ khán giả TP.HCM.

Biết không thể thắng được “lệ làng”, ông Dương xin AFC cho được chuyển trận đấu ở sân Thống Nhất về sân Đồng Nai và “làm thủ tục” bán bản quyền cho Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai với giá… 1 đồng.

Đó là trận đấu đầu tiên tại Việt Nam bản quyền truyền hình của một CLB được bán và từ đó mở ra những tranh luận gay gắt về bản quyền truyền hình.

Ông Dương nói thẳng với báo chí: “Thế giới người ta bán được bản quyền truyền hình trong khi ở ta thì bóng đá lại mất tiền rất nhiều cho truyền hình để được lên sóng. Cái người ta bán được, lấy tiền để nuôi đội bóng thì ta lại bỏ tiền túi ra để mời nhà đài đến sân phát thật là vô lý…”.

Câu chuyện củi mục và trầm hương

Giải chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam là V-League 2001, những nhà điều hành không có một đồng nào từ bản quyền truyền hình. Tuy nhiên, giải đấu này vẫn lên sóng và để “có sóng” thì nhà tài trợ chính Strata phải bỏ tiền túi ra “mua” bằng đủ mọi kiểu, còn phải lệ thuộc rất nhiều vào nhà đài.

Được hơn nửa đường thì LĐBĐ VN bán được bản quyền truyền hình nhưng “bán” chỉ là cách gọi cho sang.

Đến mùa 2010, việc bán bản quyền cũng chỉ là thủ tục chứ không phải là miếng bánh lớn như ở nhiều quốc gia. Trong khi đó, chỉ riêng Nhật bán J-League đã thu hơn 3.000 tỉ. Giải này LĐBĐ VN chào tất cả các trận nhưng những đài chỉ mua lẻ với cái giá tượng trưng trong đó mua nhiều nhất là VTV và VTC. Hỏi các CLB là có thu tiền bản quyền từ mùa giải này không thì nhiều người nói họ không nhớ, hoặc nếu có thì rất ít và hoàn toàn không quan tâm.

Đến cuối năm 2010 thì LĐBĐ VN tìm được “đại lý” AVG và bán sỉ với cục tiền lớn cùng ràng buộc phải phát trên 70% tổng số trận V-League. Sau hợp đồng đó, đại diện đội bóng ĐT Long An của ông Võ Quốc Thắng (nay là chủ tịch HĐQT) đã ca ngợi hết lời về việc bán mão một cục lớn thay vì xé lẻ bán rất khổ và rất rẻ cho các đài, lại còn phải cầu cạnh và chịu lệ thuộc nhiều thứ.

Giờ thì bản quyền truyền hình, cái được xem là “củi mục” trước đây đã là “trầm hương” khi những đài trước đây chê ỏng chê eo giờ cũng lao vào cuộc “đấu” của VPF.

Cuộc đấu làm nhiều người mệt mỏi nhưng cũng là khởi điểm lịch sử về giá trị bản quyền mà từ khi hội nhập đến giờ đã hơn 20 năm nhưng bóng đá Việt Nam mới thực sự bán được cái mình có.

Theo Phapluattp.

 

Các tin cũ hơn