ĐT Anh trông mong gì ở "Thế hệ vàng mới"?

Thứ bảy, 11/06/2016, 10:31
Người Anh lại đến giải đấu lớn, lại mang theo kỳ vọng mới. Năm nay người Anh viết về đội bóng con cưng của họ bằng những mỹ từ mới, chẳng hạn như “sức trẻ”, “nhân tố mới”, hoặc cao hơn là “Thế hệ vàng mới”.
Những câu từ này được thay thế cho những câu chữ của hai kỳ EURO 2012 và World Cup 2014, đấy là “Phòng ngự sắc sảo”, “lì lợm”, “lầm lũi”. Nhưng mấy chữ đậm tính chiến binh đó, thực chất là được dùng thay cho các câu “Tuyệt đỉnh”, “Hoàn hảo”, “Thế hệ vàng”, “Hình hài nhà vô địch” ở các kỳ EURO 2004, World Cup 2006.
Có nghĩa rằng thời nào cũng vậy, lúc thịnh hay suy, truyền thông Anh luôn có cách để ca ngợi Tam sư. Nhưng người hâm mộ thì đã quá ngán với chuyện này rồi, Michael Owen từng phải thốt lên: “Hãy nhớ rằng đối thủ của chúng ta chỉ có một, đấy là truyền thông!”.
Owen là một trong những thành viên ưu tú nhất của “thế hệ vàng” giai đoạn 2002-2008. Đội hình 11 người khi đó có thể nhắm mắt kể ra. Bộ đôi trung vệ Rio Ferdinand, John Terry, hai cánh là Ashley Cole và Gary Neville. Bốn tiền vệ là David Beckham, Joe Cole, Frank Lampard, và Steve Gerrard. Cặp tiền đạo là Michael Owen, Wayne Rooney. Tất cả đều là siêu sao (trừ thủ môn). Đặt cạnh dàn sao ấy thì những Rashford, Kane, Alli, Sterling hay Vardy… hôm nay được bao nhiêu phần so với bậc đàn anh?
Thế hệ của Owen là “thế hệ vàng” thật sự, nhưng đấy là một thế hệ bị đánh cắp những danh hiệu đáng được nhận. Thời đỉnh cao của Lampard và Gerrard, hai cầu thủ này là trái tim của hàng tiền vệ Chelsea và Liverpool, nhưng với điều kiện giữa sân đất diễn là của họ. Ở ĐT Anh, họ lại phải chơi cạnh nhau, cái gì cũng vậy, “bổ quá hóa độc”, họ triệt tiêu khả năng của nhau. Đấy là tiêu biểu cho cách làm bóng đá của người Anh. Đặt nặng hình ảnh trên tính hiệu quả.
Thế hệ của Kane, Alli, Sterling… sinh ra là một may mắn cho người Anh. Nhưng cái may mắn ấy thật quá nhỏ bé nếu so sánh với “thế hệ vàng” mà họ từng có đầu thế kỷ XXI. Những Lampard, Gerrard, Terry, Ferdinand… tất cả họ đều đóng vai trò đầu tàu tại CLB. Còn những Smalling, Sturridge, Wilshere hay Sterling ở nơi đâu trong các đội bóng chủ quản? Đều không phải trụ cột không thể thay thế. Harry Kane và Delle Alli là trụ cột, nhưng cũng chỉ ở Tottenham.
“Thế hệ vàng” không làm nên cơm cháo gì, thế hệ trẻ này liệu có đáng trông mong?
Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn