Gareth Bale đang có những ngày tươi đẹp cùng xứ Wales. |
Vì vậy sẽ không nói quá khi cho rằng ngôi sao 26 tuổi chính là “Napoleon Bonaparte” thu nhỏ của xứ Wales.
Xin làm rõ, người viết không có ý thực hiện sự so sánh khập khiễng giữa một bậc kỳ tài chính trị - quân sự và cầu thủ bóng đá. Chỉ cố nêu bật lên khía cạnh, cống hiến cả hai đã làm rạng rỡ bộ mặt đất nước dù bất kỳ lĩnh vực nào, ở thời điểm khác nhau.
Thành lập năm 1876, niên đại hơn trăm năm, nhưng bóng đá xứ Wales trước khi góp mặt ở VCK Euro 2016, vẫn lạc lạc lõng so với đà phát triển chung của đại đa số đội tuyển quốc gia. Không thể đổ lỗi cho thành phần đội tuyển “những chú rồng” xưa nay thiếu vắng nhân tài, từ John Charles, Ian Rush, Mark Hughes, Gary Speed, Ryan Giggs, Craig Bellamy...hầu như đều là những ngôi sao xuất chúng. Nhưng điểm chung của họ vẫn chỉ mang cái mác “cánh én”, khó tạo nên mùa xuân trọn vẹn.
Năm này qua năm khác, việc xứ Wales không góp mặt ở một kỳ World Cup hay Euro chẳng còn quan trọng. Người dân đón nhận bất kỳ tin tức không vui nào từ đội tuyển quốc gia, nơron thần kinh cảm xúc buồn từ họ chẳng thể kích hoạt được nữa.
Quan chức trong liên đoàn bóng đá không lo sức ép từ chức. Tất cả là kết quả một cuộc chuẩn bị tâm lý “chưa ra trận đã biết thua”. Điều này khiến Liên hiệp Anh, dường như chỉ có mình tuyển Anh đứng ra với tư cách “anh cả” đại diện ở các giải đấu lớn.
Thời thế thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn khi Premier League chuyển mình lên quy mô tầm cỡ. Bản quyền truyền hình từ rẻ bèo, theo ước tính trong 3 năm (2016-2019) có thể đem về cho người Anh 3 tỷ bảng. Tất nhiên đòi hỏi các CLB ở giải Ngoại hạng phải thu hút một nguồn nhân lực vĩ mô. Từ dùng liền, cho tới đào tạo rồi sử dụng như thế hệ Aaron Ramsey, Neil Taylor, Joe Allen, Gareth Bale…
Không thể gọi đó là vô tình, đúng hơn mối quan hệ cộng sinh giữa các câu lạc bộ tại Anh và cầu thủ xứ Wales gián tiếp thúc đẩy đều năng lực cầu thủ. Nhưng nói như Napoleon: “Một đội quân sư tử được một con nai dẫn dắt, sẽ không bao giờ là đội quân sư tử.”
Bale không phải là đội trưởng, nhưng tầm ảnh hưởng trên sân của anh hơn cả Ashley Williams. Chẳng hề nói suông, một mình ngôi sao của Real Madrid đóng góp đến 64% số bàn thắng cho “những chú rồng” ở vòng loại Euro. Đối với tuyển xứ Wales, Bale không chỉ là tâm điểm của những pha tấn công, còn là chỗ dựa tinh thần cho đồng đội.
Có Bale trên sân, từng cầu thủ trong đội hình như được tiếp thêm liều thuốc kích thích tinh thần chiến đấu, để họ có thể hy vọng vào một điều gì đó thần kỳ ở tương lai từ “con sư tử đầu đàn”. Giống như một binh đoàn khi sa lầy vùng chiến tuyến địch, rất cần người chỉ huy đưa ra những quyết định sáng suốt cứu cả đội quân.
Trước Anh, xứ Wales bế tắc trong tấn công, “con sư tử đầu đàn” Bale khai thông bằng một pha sút phạt đẳng cấp. Dù cuối cùng đoàn quân HLV Chris Coleman vẫn thất bại, Bale bị chỉ trích “ăn cháo đá bát” khi trước đó có những lời lẽ miệt thị nền bóng đá Anh từng tạo đà đưa anh lên tầm đẳng cấp.
Chẳng thèm biện luận, mảy may không quan tâm đến lời đàm tiếu thiên hạ, ngôi sao của Real Madrid âm thầm chứng minh câu nói trước đây của Napoleon: “Tôi có thể thất bại một trận đánh, nhưng tôi sẽ chiến thắng cả cuộc chiến tranh” hoàn toàn phù hợp với tuyển xứ Wales.
Đoạn kết bộ phim, Bale cùng đồng đội thắng Nga, Anh bị Slovakia cầm hòa và mất luôn ngôi đầu bảng. Vậy có phải, xứ Wales có thể thua Tam sư nhưng họ đã thắng cả cuộc chiến trong việc giành ngôi nhất bảng B không?
Đứng nhất bảng ở giải lớn lần đầu tham dự, biết thế nào cảm giác thi đấu vòng knock-out, Bale cùng đồng đội đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân xứ Wales, trên khán đài sân sân Municipal, họ hát vang ca khúc “Achy Breaky Heart,” với nội dung: “Đừng đuổi tôi về nhà, tôi muốn ở lại đây, uống cạn bia trong vại. Xin đừng đuổi tôi về”… Nghe thương và đong đầy cảm xúc lắm chứ, vì nếu bất kỳ ai trong chúng ta khi được đặt vào không gian, thời gian, cảm xúc đó đều không thể kìm nén sự sung sướng tột cùng về những gì đội bóng thân yêu làm được.
Con đường đến chức vô địch Euro 2016 còn dài, chẳng ai biết trước được điều gì. Lỡ một mai, xứ Wales dừng bước trước các đối thủ mạnh, sẽ không có gì nhục nhã tiếc nuối cả. Vì ở một góc độ nào đó, Bale và đồng đội có nhiều hơn cả một danh hiệu vô địch Euro.
Bale giúp tuyển xứ Wales chiến thắng chính họ, khi kiên gan vượt qua tiếng nói lịch sử để lần đầu góp mặt ở giải đấu lớn. Đánh bại đối thủ sừng sỏ để tiến vào vòng trong, làm khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc trong mỗi người dân mà vốn dĩ nó đã “chết” từ lâu. Quan trọng hơn, xóa bỏ bộ mặt Liên hiệp Anh xưa nay chỉ biết đến đội tuyển Anh. Tuyệt nhiên như lời cổ vũ tinh thần cho lứa đàn em kế cận phát huy hơn nữa hình ảnh xứ Wales ở Euro 2016.
Bale đưa bóng đá xứ Wales sang một trang sử mới. |
Gần hai thế kỷ trôi qua, người dân Pháp vẫn không thể nào quên đi hình ảnh Napoleon Bonaparte oai hùng, cưỡi bạc long đầy kiêu hãnh chinh chiến trên mọi mặt trận châu Âu. Họ cũng không thể nào thôi tự hào về di sản văn hóa – chính trị - quân sự - bộ luật mà vị hoàng đế này để lại.
Đối với người dân xứ Wales, chắc chắn hình ảnh Bale với từng bước chạy, từng giọt mồ hôi, từng pha ngã lăn ra đau đớn vì chinh chiến cho màu cờ sắc áo sẽ không bao giờ xóa nhòa trong tâm khảm. Rồi người ta rồi sẽ gọi mãi tên Bale như vĩ nhân chấp bút cho trang mới lịch sử bóng đá “những chú rồng”, người mở ra kỷ nguyên cho nền bóng đã xưa nay chỉ biết sống trong tăm tối. Những gì đã và đang làm được, sẽ không ngoa khi nói Bale chính là “Napoleon Bonaparte” thu nhỏ của xứ Wales.
Theo Zing