Thể thao kiểu Mỹ

Thứ năm, 09/02/2012, 11:28
 Một nước Mỹ đang bị chia rẽ bởi cuộc đối đầu của của đảng Dân chủ và Cộng hòa trước thềm bầu cử Tổng thống. Một nước Mỹ vẫn chưa rút chân ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế mà tỉ lệ thất nghiệp mới chỉ hạ xuống mức 8,5% và cuộc biểu tình Chiếm phố Wall của những người dân nghèo kéo dài 4 tháng qua vẫn chưa chấm dứt. Nhưng mặc kệ, ngày Chủ nhật 5/2 tới, tất cả sẽ bị gạt hết sang một bên. Super Bowl đang đến.

Không kể hàng vạn người sẽ ngồi xem trực tiếp trên sân Lucas Oil ở Idianapolis, dự tính sẽ có 110 triệu người Mỹ sẽ dán mắt vào truyền hình. Tức là cứ ba người Mỹ thì lại có một người sẽ xem trận đấu chung kết mùa giải của bóng bầu dục Mỹ giữa New York Giants và New England Patriots. Không có một sự kiện nào lại cuốn hút được người Mỹ như thế.    

Sân vận động chật kín khán giả

Thế nên, Super Bowl đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một trận đấu thể thao. Thành phố Indianapolis dự tính sẽ đón khoảng 150 nghìn người hâm mộ, các chính khách, các ngôi sao trong làng giải trí, và sự kiện này ước tính sẽ thu về khoảng 150 triệu USD.

Người Mỹ bảo nhau rằng, nếu không có ít nhất 10 ngàn USD trong thẻ tín dụng, thì tốt nhất bạn hãy ở nhà mà bật tivi lên xem.

1 tuần trước trận đấu, 90% trong tổng số 13.000 phòng khách sạn ở Indianapolis đã được đặt chỗ. Giá phòng khách sạn tăng ở mức 1.700%! Khách sạn Days Hotel Airport nằm ở ngoại ô, nơi gần sân bay, tăng giá phòng lên tới 400 USD/đêm và chỉ bán cho những ai thuê với 4 đêm liền. 

Vé vào sân dĩ nhiên cũng đã bán sạch. Giá từ 800 đến 1.200 USD tùy từng chỗ ngồi. Mới đây, trên website của hãng chuyên bán thực phẩm và đồ gia dụng (kiểu như Metro hay BigC ở Việt Nam) đã rao bán 3 gói giá vé đi Indianapolis xem trực tiếp, là 3.000, 10.000 và 15.500 USD, tức là hơn 300 triệu đồng.

 Super Bowl, môn thể thao dùng sức kiểu “lấy thịt đè người”

Tờ USA Today mới đây đã loan báo rằng kênh truyền hình NBC đã bán sạch sẽ các slot quảng cáo của trận Super Bowl cho gần 100 thương hiệu với cái giá là 3,5 triệu USD cho mỗi 30 giây sản phẩm xuất hiện trên truyền hình. Một kỷ lục của truyền hình thể thao ở Mỹ và có lẽ trên toàn thế giới.

Trả lời cho câu hỏi là tại sao các hãng thương mại và sản phẩm lại chen nhau đổ tiền vào sự kiện ấy, các chuyên gia marketing ở Mỹ lý giải rằng, tự bản thân 110 triệu người xem truyền hình là cơ hội không thể có lần thứ hai trong năm, thì trong số 1/3 dân Mỹ ấy lại đa phần là giới trẻ và tầng lớp trung tuổi.

Đến đây, hẳn là nhiều người trong số chúng ta sẽ thắc mắc, rằng tại sao một môn thể thao dùng sức kiểu lấy thịt đè người, có kiểu cách trang phục kín hơn cả môn đấu kiếm, và cồng kềnh hơn cả một người lính cứu hỏa lại trở thành môn thể thao số một ở Mỹ (nếu căn cứ vào tỉ lệ xem truyền hình)? Và tại sao bóng đá (soccer) lại không thể phát triển mạnh hơn dù cho Mỹ đã tổ chức World Cup, và đây là một đất nước mà người nhập cư đến từ những nơi có truyền thống bóng đá như Nam Mỹ, hoặc đặc biệt hâm mộ như châu Á.

 

Chiếc cúp vô địch Super Bowl

Nếu thống kê các môn thể thao phổ biến nhất ở Mỹ chúng ta có thể thấy một điểm chung rằng tất cả đều được chơi bằng tay, hoặc ít nhất là đều được sử dụng tay. Golf, tennis, bóng rổ, bóng chày đều là những môn như thế. Kể cả boxing thì các võ sĩ cũng dùng tay để "nói chuyện" với nhau.

Lại thống kê tiếp, người Mỹ hầu như không chơi, hoặc không thích những môn thể thao mà tỉ số có thể là 0-0 khi kết thúc và phải chờ đợi mòn mỏi mới thấy ghi điểm hay bàn thắng. Một trận bóng rổ có thể có khoảng 70-100 lần ghi điểm. Trận Super Bowl 2011 giữa Packers và Steelers khiêm tốn hơn cũng có tỉ số là 31-25.

 

Một tấm vé vào sân có giá 1.200 USD, tương đương khoảng 25 triệu đồng

Chính bởi vậy mà bóng bầu dục của Mỹ mới cho phép đội tấn công ném bóng lên phía trên và chỉ có 11 cầu thủ trên sân (để có nhiều khoảng trống tấn công và khó phòng ngự hơn), trong khi Rugby, bóng bầu dục ở châu Âu, lại chỉ cho phép ném bóng ngang hoặc về phía sau và mỗi đội có 15 cầu thủ trên sân.

Super Bowl thu hút lượng khán giả xem truyền hình kỷ lục

Và có lẽ, người Mỹ cũng luôn thích khác người, bởi nếu như cả thế giới coi đua xe Công thức 1 (F1) là đỉnh cao thì người Mỹ lại hâm mộ điên cuồng Nasscar, một dạng đua tốc độ của những chiếc xe thiết kế có kiểu dáng tương tự như những chiếc xe hơi bình thường.

 

Nếu chỉ nhìn qua góc độ ăn uống thì Super Bowl ở Mỹ chỉ đứng sau đúng Lễ Tạ ơn (Thanksgiving day), bởi người ta tính rằng, trong ngày diễn ra trận chung kết bóng bầu dục, người Mỹ tiêu thụ lượng thực phẩm nhiều hơn cả dịp Giáng sinh hay đón năm mới.

Theo Thethaovanhoa.

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích