|
Ronaldo tưởng đã giải nghệ vì cái đầu gối không thể chữa lành, suốt từ năm 2000. Anh không đá được trận nào ở vòng loại. Trên hết, Ronaldo tại World Cup 2002 không bao giờ là một ngôi sao được chờ đợi. Là... thằng bờm thì đúng hơn, với kiểu tóc tam giác ngộ nghĩnh. Đấy có thể chỉ là một chi tiết bên lề. Nhưng đấy cũng có thể là một cách làm xuất sắc của HLV Felipe Scolari. Ông biết cách tạo niềm vui chơi bóng và xua tan mọi áp lực. Với Ronaldo, cũng như với mọi cầu thủ còn lại.
Khi nào cũng vậy, Brazil mà càng được chờ đợi, càng quyết tâm thể hiện hình ảnh rực rỡ, thì nguy cơ thất bại ở World Cup càng cao. Ngược lại, Brazil phải có vài chỗ nào đấy... để chê, thì mới là Brazil vô địch. Họ vô địch World Cup 1994 với Leonardo giật cùi chỏ đối phương đến chấn thương sọ, với “Dunga xấu xí” giữa sân, với trận chung kết đầu tiên trong lịch sử không có bàn thắng.
Neymar là một cầu thủ Brazil, sao anh còn có vẻ không biết những điều như vậy? Mà cũng không phải “nghiên cứu” chi lắm. Hãy cứ nhìn vào Lionel Messi, hoặc Cristiano Ronaldo. Áp lực phải tỏa sáng như một ngôi sao luôn là kẻ thù nguy hiểm nhất của chính các ngôi sao trên sân cỏ World Cup. Messi không cần vô địch World Cup để được biết đến như một cầu thủ vĩ đại - và đây có thể là điều mà bản thân Messi... không biết.
Ronaldo không nhất thiết phải dẫn đầu giải Vua phá lưới, mới là người hùng của Bồ Đào Nha. Càng cố diễn cho trọn vai người hùng, nguy cơ thất bại càng cao. Trước tiên là vì cái quyết tâm thoạt nghe có vẻ hay ho ấy đã làm mất hết mọi sự tự nhiên cần có rồi. Tài năng của Messi hoặc Neymar mà không còn yếu tố tự nhiên, thì còn gì là tài năng nữa!
Điều khó nhất đối với Neymar, và cả Coutinho trong lúc này, là làm sao quên ngay cái suy nghĩ rằng họ phải tỏa sáng, phải là ngôi sao, phải đáp ứng sự kỳ vọng. Đây không phải là lý thuyết suông. Đây là vấn đề của cuộc sống, mà các thanh niên luôn rủng rỉnh tiền bạc như Neymar không dễ gì biết. Trong cuộc sống, những người khiêm tốn trước tiên là người không nghĩ rằng thiên hạ có kỳ vọng điều gì về mình hay không, chứ chẳng phải những người tỏ rõ quyết tâm đáp ứng sự kỳ vọng. Và tất nhiên, khiêm tốn là một giá trị tốt trong cuộc sống.
Ngày xưa, tờ L’Equipe từng phỏng vấn Dunga, rằng người Brazil liệu có dựng tượng nếu anh liên tiếp mang băng thủ quân, đưa Brazil lên ngôi vô địch World Cup? Dunga trả lời: “Khả năng này dễ xảy ra hơn: chúng tôi sẽ bị đốt nhà nếu thất bại”. Không phải tự nhiên mà một Dunga chưa bao giờ được đánh giá cao về tài năng lại là thủ quân của đội vô địch World Cup.
Theo BongdaPlus