Đội bóng Nhật Bản Renofa Yamaguchi chính thức gửi tới CLB Hà Nội lời đề nghị chuyển nhượng với Quang Hải. Tiền vệ của U23 Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành cái tên thứ 4 của bóng đá Việt Nam, cái tên thứ 2 của CLB Hà Nội sang chơi tại Nhật Bản. Đi hay ở với Hải đều sẽ là lựa chọn khó khăn.
Nhật Bản không chỉ có hoa hồng
Nếu CLB Hà Nội chấp nhận lời đề nghị của Yamaguchi, Quang Hải sẽ ngay lập tức được gia nhập môi trường bóng đá đỉnh cao, chuyên nghiệp nhất châu Á hiện nay. Anh sẽ được chơi bóng bên cạnh các đồng đội giỏi, có thu nhập cao. Hải sẽ trở thành hình ảnh đại diện mới của Việt Nam ở Nhật Bản, các hợp đồng quảng cáo sẽ lại dồn về. Anh sẽ có cơ hội nâng cao trình độ, đánh bóng hình ảnh và tên tuổi ở tầm châu lục.
Việc Quang Hải được các đội bóng châu Á để mắt tới cũng là bằng chứng cho thấy anh đang là ngôi sao lớn nhất của bóng đá Việt Nam hiện nay. Hai màn trình diễn đỉnh cao ở Giải U23 châu Á và ASIAD 18 minh chứng cho đẳng cấp và sự ổn định. Tuổi 21 minh chứng cho tiềm năng còn rất lớn. Hải hiện là người tài năng nhất, phù hợp nhất để xuất ngoại.
Quang Hải không nên rời Việt Nam ở thời điểm này. |
Nhưng Nhật Bản không phải chỉ có hoa hồng.
Renofa Yamaguchi đang chơi ở J.League 2, xếp hạng 12 với 16 điểm kém đội nhì bảng. Khi mùa giải đã qua 31 vòng đấu, Yamaguchi gần như không còn cơ hội lên hạng. Nếu tới Nhật Bản, Hải sẽ giống như Công Phượng, Tuấn Anh: chỉ được chơi ở giải hạng hai.
Nhưng ngay cả tại J.League 2, cơ hội của Hải cũng là không nhiều. Công Phượng, Tuấn Anh chỉ có vẻn vẹn 5 lần ra sân suốt 1 năm ở Nhật Bản. Huyền thoại cỡ Công Vinh cũng chỉ có 9 trận thi đấu với chưa đầy 400 phút. Lấy gì đảm bảo Quang Hải sẽ xuất sắc và may mắn hơn 3 người đàn anh?
Một câu hỏi khác, Yamaguchi (và nhiều CLB châu Á) muốn Hải vì chuyên môn hay có mục đích thương mại? Nếu họ cần Hải vì chuyên môn, sao lời đề nghị không tới sớm hơn khi Hải thủ lĩnh U20 Việt Nam, tạo dấu ấn tại U20 World Cup?
Đề nghị của Yamaguchi tới ngay sau ASIAD và U23 châu Á - thời điểm danh tiếng của Hải lên cao nhất. Hãy để ý, các đội bóng nước ngoài thường xuất hiện, thường dành sự quan tâm cho những cầu thủ Việt Nam nổi tiếng nhất từng giai đoạn. Đó là Công Vinh 2013, Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường 2015.
Những bản hợp đồng ấy thường không có nhiều giá trị chuyên môn. Và thật tình cờ, không lâu sau khi Công Vinh tới Nhật Bản, bia Sapporo đã có mặt tại Việt Nam. Không lâu sau khi Công Phượng sang Mito Hollyhock, du lịch song phương phát triển vượt bậc.
Chia sẻ với PV hồi đầu năm, Xuân Trường từng nói: “Nếu ra nước ngoài một lần nữa, tôi muốn mình được thi đấu thật nhiều. Tôi muốn mình thực sự ra đi vì các CLB nước ngoài để ý tới phong độ cao của mình. Có như thế, tôi mới được thi đấu nhiều hơn”.
Xuân Trường không được thi đấu nhiều trong 2 năm ở Hàn Quốc. |
Ở V.League, Hải vẫn đang tiến bộ
Trước Quang Hải, ba người đàn anh Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh đều đã thất bại trong các nỗ lực chinh phục Đông Á. Công Vinh là người hiếm hoi có được thành tựu với 9 lần ra sân và 2 bàn thắng.
Những thống kê ấy nói rằng vẫn tồn tại một khoảng cách rất lớn giữa cầu thủ Việt Nam với trình độ Nhật Bản. Cách biệt ấy không chỉ đến từ năng lực cầu thủ, cách biệt ấy còn là sự chuyên nghiệp, khoảng cách địa lý, khí hậu, văn hóa, ngôn ngữ, phong cách sống... Cách biệt ấy không thể san lấp trong ngày một ngày hai, không thể xóa bỏ chỉ bằng sự nỗ lực và kiên trì tự thân.
Đương nhiên, vẫn có những người Đông Nam Á thành công ở J.League như trường hợp của Chanathip Songkrasin hay Teerasil Dangda. Nhưng ngay cả Dangda và Chanathip cũng từng bị nghi ngờ trước khi tới Nhật Bản. Bản thân họ cũng là những cầu thủ giỏi nhất Đông Nam Á, đến từ nền bóng đá có đẳng cấp cao hơn Việt Nam.
Họ cũng chỉ tới J.League khi tuổi đời đã dày dạn, tài năng đã chín muồi. Chanathip ra đi năm 24 tuổi, Dangda 30 tuổi mới sang Nhật. Còn Quang Hải chỉ vừa qua tuổi 21.
Quang Hải chưa cần đi đâu bởi ngay lúc này, anh cũng chưa đạt tới “đỉnh”. Mùa 2015, “Hải con” ghi vỏn vẹn 3 bàn sau 25 trận. Con số ấy tăng lên 5 bàn ở mùa năm ngoái và đạt tới 9 bàn khi năm nay còn chưa kết thúc. Nghĩa là Hải vẫn còn rất nhiều tiềm năng cần giải phóng ngay tại Việt Nam, nghĩa là anh chưa cần ra đi vào lúc này. Môi trường V.League vẫn đang giúp Quang Hải tiến bộ từng ngày, giúp anh bước lên những nấc thang cao hơn của sự nghiệp.
Với các đội tuyển quốc gia và CLB Hà Nội, tiễn Quang Hải sang Nhật Bản cũng là một canh bạc đầy rủi ro. Để Hải đi nghĩa là chấp nhận nguy cơ anh phải ngồi dự bị, chấp nhận nguy cơ thui chột tài năng. Để Hải đi nghĩa là mỗi lần đội tuyển tập trung, sẽ rất khó kéo anh về nước, sẽ phải đàm phán, phải vận động, phải quan hệ.
Với Quang Hải lúc này, V.League có lẽ vẫn là lựa chọn phù hợp hơn cả.
Theo Zing