Ông Nguyễn Sỹ Hiển: "Không phải HLV nào cũng dám liều như Park Hang-seo"

Thứ sáu, 07/12/2018, 13:43
Cựu danh thủ và HLV của Thể Công đánh giá cao cách bày binh bố trận và sử dụng nhân sự của HLV Park Hang-seo ở AFF Cup 2018.

Đoàn Văn Hậu cắt phá một đợt tấn công của cầu thủ Philippines.

Việt Nam lần đầu vào chung kết AFF Cup sau 10 năm. Ông đánh giá thế nào về chặng đường đã qua của thầy trò HLV Park Hang-seo?

Thay mặt người hâm mộ, tôi muốn cảm ơn sự nỗ lực của các cầu thủ. Họ đã thi đấu với tinh thần không thể chê trách. Đó là điều tạo ra cảm xúc trong lòng tất cả người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Bóng đá là một món ăn tinh thần vô cùng quý giá ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ vào tới chung kết, chứ chưa vô địch. Đi tới cái đích cuối cùng mới là điều hàng chục triệu người hâm mộ nước nhà mong mỏi.

Căn cứ tình hình hiện tại, Việt Nam hoàn toàn có thể đăng quang tại giải năm nay. Thứ nhất, tinh thần cầu thủ tốt. Thứ hai, Ban huấn luyện - đặc biệt là HLV Park Hang-seo - luôn kịp thời động viên tinh thần đội bóng. Thứ ba, sự luân chuyển chiến thuật cũng như đội hình thi đấu của Việt Nam rất linh hoạt, không trận nào giống trận nào. Chúng ta luôn thi đấu khôn khéo, biết mình biết người, và lựa chọn con người phù hợp với chiến thuật đề ra. Thứ tư, là hệ quả của ba điều trên Các VĐV luôn muốn vào sân và ai thi đấu cũng hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả thi đấu như một khối thống nhất, thực hiện đấu pháp HLV đề ra một cách nghiêm túc, triệt để.

Việt Nam thắng Philippines ở cả hai lượt trận là xứng đáng, nhưng hy vọng đội giữ vững đôi chân trên mặt đất để chuẩn bị cho chung kết gặp Malaysia. Bất ngờ là thứ luôn đồng hành cùng bóng đá. Tấm gương của Thái Lan là ví dụ. Trước khi vòng bán kết diễn ra, có ai ngờ họ thua Malaysia.

Quang Hải (số 19) hiện là chân sút số một của Việt Nam ở AFF Cup 2018. Anh cùng ghi được ba bàn như Anh Đức và Công Phượng.

Lần thứ hai trong ba trận đá sân nhà, Việt Nam lùi sâu đội hình và nhường thế trận cho đối thủ. Có vẻ HLV Park Hang-seo rất tự tin với đấu pháp phòng ngự phản công?

Trong hiệp một, có thể do cảm xúc hoặc đối thủ to khoẻ, đeo bám rát, Việt Nam chơi không thật tốt. Khả năng cầm bóng, tổ chức lối chơi của các cầu thủ thiếu đi sự tỉnh táo. Nếu như chậm lại thêm một chút, cầm bóng chắc chắn hơn một chút, chúng ta có thể thắng đậm hơn - thậm chí giải quyết trận đấu ngay trong 45 phút đầu tiên. Phải sang tới hiệp hai, nhờ sự cổ vũ của CĐV nhà cộng thêm thể lực Philippines giảm sút, Việt Nam mới chơi tốt hơn và có hai bàn. So với những trận trước, lối chơi của chúng ta không quá nhuyễn. Dù vậy, không riêng gì Philippines, gặp những đội khác Việt Nam vẫn có thể tự tin dựa trên nền tảng là hàng phòng ngự. HLV Park Hang-seo đầy đủ bản lĩnh và kinh nghiệm để xây dựng đấu pháp phù hợp, bắt nguồn từ cái gốc này.

HLV Park Hang-seo cho biết ông đã nghiên cứu và nhận thấy rằng thể lực của các cầu thủ Philippines thường đi xuống rõ rệt từ phút 65. Đây có phải lý do ông Park ém những cầu thủ trẻ, giàu tốc độ cho cuối trận?

Tôi từng có dịp đến Philippines và xem đội tuyển này thi đấu. Phải thừa nhận, thể lực đội bóng này không tốt, nhất là về sức bền. Không phải tới khi gặp Việt Nam, điểm yếu ấy mới lộ ra mà nó đã thể hiện ngay từ vòng bảng. Chẳng hạn trận gặp Thái Lan, Philippines chơi ép sân và tấn công tốt trong hiệp một, nhưng sang hiệp hai, họ bị xìu xuống quá nhanh. Phải nhờ đến một cú sút may mắn cuối trận, Philippines mới có bàn gỡ. Ở trận lượt đi, Việt Nam đã khai thác điểm này và suýt có bàn nâng tỷ số lên 3-1 từ chân Công Phượng. Tới lượt về, hàng thủ Philippines gần như hết sức đeo bám trong khoảng 15 phút cuối. Ở bàn mở tỷ số của Quang Hải, tiền vệ của Hà Nội thoải mái băng lên dứt điểm, còn hai trung vệ đội bạn đứng cách đó vài mét chỉ nhìn, chứ không lao vào tranh chấp.

Chúng tôi vẫn nói vui, rằng HLV Park Hang-seo là một "con cáo già". Bất cứ cầu thủ nào khi vào sân, kể cả chỉ chạy vài phút cuối trận, cũng không dám lơ là. Có lẽ mọi tuyển thủ đều hiểu, nếu họ chểnh mảng, chính tay họ sẽ vứt đi cơ hội cống hiến cho đội tuyển. Cách dụng binh của ông Park tạo cho học trò động lực thi đấu. Ở ông Park còn một cái hay nữa, là ông ấy dám liều. Tất nhiên, "liều" của ông ấy đều dựa trên những cơ sở vững chắc. Ban huấn luyện Việt Nam giờ nắm rất chắc tinh thần và trạng thái thể lực của từng cầu thủ. Đọc trận đấu thì nhiều người có thể, nhưng dám đưa ra những ý tưởng đột phá rồi thực hiện thì rất ít.

HLV Park Hang-seo ra sát đường biên chỉ đạo học trò tối 6/12. Nhà cầm quân người Hàn Quốc chỉ chịu 'đứng yên' sau khi Việt Nam xé lưới Philippines..

Philippines dùng nhiều đường chuyền từ hàng phòng ngự, thường là trung vệ Alvaro Silva, vào thẳng cấm địa Việt Nam tối 6/12. Lối chơi này có hợp lý không khi mà Việt Nam bố trí hàng thủ dày đặc?

Philippines không có lựa chọn nào khác ngoài cách đá kiểu châu Âu này. Ngoài những vấn đề về lực lượng, về thời gian tập cùng nhau quá ngắn, thể lực của họ không cho phép cách tấn công dồn dập. Philippines phải nghĩ cách làm sao để chạy được 90 phút, và lối chơi bóng dài, bỏ qua tuyến giữa, giúp họ đỡ mất sức di chuyển liên tục. Ngoài ra, như mọi người biết, Philippines mất gần một ngày để di chuyển từ Bacolod tới Hà Nội. Tinh thần và thể lực của họ rất mỏi mệt. Trong điều kiện ấy, yêu cầu họ phối hợp ban bật là không thể. Nhiều đội bóng tên tuổi, có đẳng cấp ở châu Âu thi thoảng cũng phải đá kiểu "mạnh ai nấy đá" khi gặp khó. Cái được của chiến thuật này là cầu thủ được tự do, thoải mái về tư tưởng khi vào sân. Đổi lại, sự chặt chẽ và tổ chức lối chơi lỏng lẻo, dễ bị vỡ nếu đối thủ chơi mưu mẹo, tiểu xảo.

Philippines cần ghi ít nhất hai bàn mới mong đi tiếp, nhưng trong suốt 90 phút, họ thường tập trung quân số xung quanh cấm địa Việt Nam, thay vì chờ sẵn trong vòng 16m50. Có phải Sven-Goran Eriksson muốn chờ những tình huống bóng hay không, thưa ông?

Tôi nghĩ phần nhiều là họ vẫn có sự kiêng dè nhất định với Việt Nam. Như nói ở trên, thể lực Philippines không đủ để họ lên công về thủ liên tục. Kể cả áp ba, bốn người trong cấm địa Việt Nam, khả năng có bóng dứt điểm của Philippines cũng không cao bởi quân số họ không thể đông bằng chúng ta. Đội bạn buộc phải chọn giải pháp an toàn là bố trí nhiều cầu thủ xung quanh vòng 16m50, hòng đón những quả bóng bật ra, bằng không chỉ cần Việt Nam một lần phá ra và đưa bóng lên thành công, Philippines sẽ thua.

Quang Hải bị phạm lỗi nhiều lần nhưng HLV Park Hang-seo vẫn giữ cầu thủ này tới cuối trận, để rồi sau đó, chính Quang Hải tạo ra những pha bóng nguy hiểm và mở tỷ số. Trước đó, Quang Hải đá chính toàn bộ các trận và thường đá trọn 90 phút. Đâu là yếu tố giúp Quang Hải nhận được sự tín nhiệm từ HLV Park Hang-seo?

Trong bóng đá ngày nay, mỗi HLV thường chọn một học trò mà người ta hay gọi là thủ lĩnh chiến thuật trên sân. Đó là người nắm rõ nhất triết lý của HLV, chơi tổ chức, và tạo ra những mảng miếng tấn công. Dưới thời HLV Park Hang-seo, Quang Hải là cầu thủ được chọn. Nhìn trên sân, Quang Hải có vẻ bị phạm lỗi rất nhiều nhưng thực tế, cầu thủ này né đòn rất tốt. Tôi đếm thấy em ấy nằm sân gần 10 lần trong hai trận gặp Philippines.

Qua ba giải đấu lớn, từ vòng chung kết U23 châu Á, Asiad 2018 đến AFF Cup hiện tại, Quang Hải có lẽ đã chiếm trọn niềm tin từ ông Park. Ngoài chuyên môn tốt, chơi đa năng nhiều vị trí, và làm được những điều mà ít cầu thủ Việt Nam thực hiện được, Quang Hải còn hưởng lợi từ cách dụng binh của ông Park. HLV này luôn ưu tiên sự ổn định cho những vị trí chủ chốt, làm nên xương sống cho lối chơi. Ở hàng thủ là bộ ba Ngọc Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, còn tuyến giữa là Quang Hải.

Hàng thủ Việt Nam, dưới sự chỉ huy của Ngọc Hải, mới nhận hai bàn thua tại AFF Cup 2018. Việt Nam là đội có hàng thủ vững chắc nhất tại giải năm nay.

Công Phượng một lần nữa vào sân ở 15 phút cuối và tạo ra được sự khác biệt. Nguyên nhân có phải là do sự chậm chạp của hậu vệ Philippines?

Việc thay đổi nhân sự cần đặt trong hoàn cảnh cụ thể để nhận xét, chứ không thể chỉ dựa vào vị trí trên sân. Dụng ý của HLV Park Hang-seo khi cho Công Phượng vào thay Đức Huy, một cách trực tiếp, là để tăng hoả lực hàng công. Nhưng sâu xa là để giảm áp lực cho hàng phòng ngự. Đồng ý là thể lực Philippines lúc ấy đã xuống, nhưng sức của Việt Nam cũng không còn sung mãn nữa. Việc Quang Hải mở tỷ số, trên lý thuyết, không ảnh hưởng nhiều tới mục tiêu ghi hai bàn của Philippines bởi nếu làm được, họ sẽ đưa trận đấu tới hai hiệp phụ.

Đưa Công Phượng, trước đó là Tiến Linh vào buộc đối thủ phải lùi về và không thể toàn tâm tấn công chúng ta. Đây cũng là cái hay của HLV Park Hang-seo. Để bảo vệ thành quả, ông Park không chọn cách thông thường là tăng cường hàng thủ, điều ông ấy tránh vì sẽ gây xáo trộn hệ thống, mà buộc đối thủ tự giảm sức ép. Nếu cứ co cụm trên sân nhà, Việt Nam sẽ làm điều mà Philippines muốn. Điều ấy rất nguy hiểm, bằng chứng là Philippines có bàn thắng từ một tình huống chẳng có gì đặc biệt ở phút 89. Tung Công Phượng vào là đánh đúng sở đoản về thể lực của Philippines. Nó còn ngăn những trung vệ to cao của Philippines lên chơi như tiền đạo.

Việt Nam đã thua bảy trong chín lần vào bán kết AFF Cup, trước khi AFF Cup 2018 diễn ra. Đâu là yếu tố giúp thầy trò Park Hang-seo phá được cái dớp này?

Tôi nghĩ mấu chốt nằm ở việc toàn bộ cầu thủ đều nể phục ban huấn luyện. Bằng nhiều cách, HLV Park Hang-seo giúp học trò nhận ra vị thế của mỗi người trong tập thể. Nó khác so với đội tuyển Việt Nam trước đây, khi một trụ cột dự bị, rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Nhưng kể từ khi ông Park nắm quyền, những ý kiến kiểu như vậy không còn. Tôi lấy ví dụ ở vị trí đội trưởng. Tại giải U23 châu Á, Xuân Trường có trận ngồi ngoài. Tới Asiad và AFF Cup 2018, Văn Quyết cũng không có ngoại lệ.

Tuy nhiên, mọi người đều ủng hộ tuyệt đối quyết định của HLV Park Hang-seo. Một ví dụ khác, ở bán kết lượt đi AFF Cup, Việt Nam cần chơi chắc chắn, và Hùng Dũng, Đức Huy được chọn. Đến lượt về, thể lực của Hùng Dũng không đảm bảo, và Xuân Trường được ưu tiên bởi em ấy đã sát cánh cùng Đức Huy một thời gian dài. Khi Xuân Trường mệt, Huy Hùng thế chỗ. Mọi chuyện cứ diễn ra một cách tuần tự, lớp lang như vậy.

Nhìn lại hành trình vào chung kết của Việt Nam, khán giả có thể cảm thấy, đó gần như là điều hiển nhiên. Đối thủ nào gặp Việt Nam cũng lộ điểm yếu này, điểm yếu kia. Đấy là bởi ban huấn luyện chúng ta đã phân tích và lên các phương án chiến thuật hợp lý, chi tiết, dự trù những bất ngờ có thể xảy ra.

So với Thái Lan, khả năng vô địch của Việt Nam khi gặp Malaysia ở chung kết như nào, thưa ông?

Việt Nam từng thắng Malaysia 2-0 ở vòng bảng, gặp lại họ ở chung kết, mọi chuyện không còn đơn giản như cách đây ba tuần nữa. Cần gạt sang một bên những dư âm về trận thắng này. Tinh thần và thể lực của Malaysia trong hai trận gặp Thái Lan rất mạnh. Nhưng gặp họ, tôi nghĩ Việt Nam đỡ bị tâm lý hơn so với Thái Lan. Điều quan trọng nhất bây giờ là ban huấn luyện phải làm sao nuôi được khát vọng vô địch cho cầu thủ. Việt Nam có mọi yếu tố, như người ta vẫn nói là thiên thời, địa lợi, nhân hoà để lên ngôi năm nay.

Theo VNE

Các tin cũ hơn