Đức Chinh, Quang Hải và trò chơi chuyển trạng thái của Việt Nam

Thứ bảy, 15/12/2018, 10:25
Khả năng chuyển trạng thái tốt từng giúp Việt Nam đạt kết quả tốt ở lượt đi, và điều đó cần được phát huy hơn nữa trong trận chung kết lượt về tại Mỹ Đình.

Bóng đá vẫn được gọi là trò chơi chuyển trạng thái (transition game). Một đội bóng sẽ thường ở trong một hay hai trạng thái chính: tấn công hoặc phòng ngự. Giữa hai trạng thái chính này sẽ có những trạng thái chuyển tiếp. Đấy là khi một đội bóng đang chuyển từ trạng thái tấn công về trạng thái phòng ngự, và ngược lại.

Trong bóng đá đỉnh cao, thành hay bại thường được quyết định ở giai đoạn chuyển tiếp như thế. Đội nào chuyển từ thủ sang công nhanh hơn, hiệu quả hơn đối phương chuyển từ công sang thủ sẽ có nhiều cơ hội để ghi bàn. Bởi khi chuyển trạng thái, đội hình của các đội bóng thường bị xộc xệch. Nhưng tình trạng xộc xệch ấy sẽ không kéo dài. Để đối thủ chuyển hẳn sang tình trạng phòng ngự có tổ chức, việc ghi bàn sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Malaysia không giỏi trong việc chuyển trạng thái từ tấn công về phòng ngự. Họ thường đẩy cao đội hình, và muốn cướp bóng ngay trên phần sân đối phương. Vì thế, nếu không thể đoạt lại bóng, họ mất nhiều thời gian hơn để chuyển từ trạng thái tấn công sang trạng thái phòng ngự có tổ chức. Trong trận chung kết lượt đi tại Bukit Jalil, HLV Park Hang-seo quyết định đánh mạnh vào điểm yếu này của đối thủ, bằng cách để Đức Chinh đá ở vị trí cao nhất thay Anh Đức, và bằng những điều chỉnh nhỏ trong cách chơi của hai hộ công Văn Đức và Quang Hải.

Đức Chinh phải hứng bão chỉ trích từ người hâm mộ, sau khi bỏ lỡ những cơ hội thực sự ngon ăn. Nếu Đức Chinh tận dụng được một trong ít nhất là ba cơ hội mà anh có, Việt Nam có thể đã vượt lên dẫn 3-0 hoặc đậm hơn, và khi đó đội chủ nhà có thể đã không còn ý chí làm nên một cuộc ngược dòng như họ đã làm nữa. Nhưng trong khi vẫn phải trách Đức Chinh vì quá phung phí, anh vẫn xứng đáng nhận những lời ngợi khen, vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ban huấn luyện giao phó.

Như đã nói, các tiền đạo và tiền vệ của Malaysia thường dâng rất cao. Nếu để họ đẩy được cả hàng phòng ngự lên cao theo, thì Việt Nam có nguy cơ bị bóp nghẹt không gian chơi bóng, và hàng thủ sẽ bị đặt dưới sức ép thường trực, giống như ở trận đấu thuộc vòng bảng. Để đối phó với nguy cơ ấy, Việt Nam cần phải kéo lùi hàng phòng ngự của Malaysia về gần vòng cấm của họ hơn, bằng cách sử dụng một tiền đạo nhanh nhẹn, xông xáo, và trên hết là luôn sẵn sàng thực hiện những pha di chuyển ra phía sau. Người đó là Đức Chinh.

Ngay từ đầu trận, chúng ta đã cố tình để "lộ" bài này, khi các trung vệ liên tục nhồi bóng qua đầu hàng thủ Malaysia cho Đức Chinh đua tốc độ. Đa số đường chuyền này không thành công. Nhưng không... quan trọng. Vì ý đồ của ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam khi yêu cầu các cầu thủ thực hiện bài phối hợp đó không phải để ghi bàn ngay, mà là để "đánh động" các hậu vệ của Malaysia. Họ biết rằng họ không thể dâng lên quá cao, bởi Việt Nam có một tiền đạo luôn sẵn sàng chiếm lấy khoảng trống sau lưng họ.

Với việc "ghim" được các hậu vệ Malaysia ở gần khung thành của họ, Đức Chinh cùng lúc làm được hai việc. Thứ nhất, anh khiến cho những pha lên bóng của Malaysia thiếu ổn định hơn, do sự đóng góp của các hậu vệ là hầu như không đáng kể. Thứ hai, mở ra một khoảng không gian lớn giữa tuyến tiền vệ và hậu vệ của Malaysia, để các tiền vệ công là Văn Đức và đặc biệt là Quang Hải khai thác, trong những tình huống chuyển trạng thái.

Tình huống dẫn tới pha bỏ lỡ gây tiếc nuối nhất của Đức Chinh cũng chính là tình huống thể hiện rõ nhất vai trò và hiệu quả của tiền đạo trưởng thành từ lò PVF. Sau đường chuyền dài từ tuyến dưới, anh bứt tốc thẳng về hướng khung thành đối phương. Hai trung vệ Malaysia bị kéo theo, và khi mà họ phá được bóng ngược trở lại, thì Quang Hải đã đón lõng tình huống bóng hai đó. Lúc này, khoảng cách giữa hàng hậu vệ và các tiền vệ (đang chạy về) của Malaysia là rất lớn.

Ngay khi Quang Hải vừa có bóng, Đức Chinh lại có thêm một pha di chuyển thông minh khác, chạy cắt ngang để tránh việt vị trước khi tấn công vào khoảng trống giữa trung vệ lệch trái và hậu vệ trái của Malaysia, người lúc này vẫn chưa kịp lùi về đúng vị trí. Đó là một pha bóng mẫu mực, chính xác cả về ý đồ lẫn cách thực hiện. Nhưng trong pha đối mặt với thủ môn sau đó, Chinh lại xử lý quá hiền.

Những pha di chuyển thông minh như thế của Đức Chinh chính là yếu tố mang tính sống còn với "trò chơi chuyển trạng thái" của HLV Park Hang-seo. Ông biết rằng Việt Nam chỉ có vài giây để kết thúc một pha phản công trước khi các tiền vệ của Malaysia kịp lùi về, và đẩy các cầu thủ tấn công của Việt Nam vào thế thua thiệt về quân số. Nên các quyết định di chuyển và chuyền bóng phải được thực hiện nhanh, chính xác, trên nguyên tắc đưa được bóng tới gần khung thành đối phương bằng càng ít chạm càng tốt. Trong cách chơi ấy, rõ ràng Đức Chinh phù hợp hơn hẳn so với Anh Đức.

Ở trên là hai tình huống phản công khá giống nhau, hình trên là trong trận gặp Malaysia vừa rồi, còn hình dưới là trong trận bán kết lượt về với Philippines. Ở tình huống đầu, khi Quang Hải đưa được bóng tới vị trí thuận lợi, Đức Chinh đã rất nhanh tấn công vào khoảng trống trung vệ đối phương bỏ lại khi dâng lên gây sức ép với đồng đội. Còn ở tình huống trong trận gặp Philippines, Anh Đức lại quyết định giật xuống gần với cầu thủ có bóng là Trọng Hoàng. Nếu Anh Đức di chuyển theo hướng mũi tên xanh, Trọng Hoàng đã có một lựa chọn chuyền bóng tốt hơn.

Trận đấu với Malaysia có thể sẽ là một "vết đen" trong sự nghiệp của Đức Chinh khi anh bỏ lỡ nhiều cơ hội tuyệt vời để khép lại trận đấu ngay trong hiệp một. Tuy nhiên, nếu HLV Park Hang-Seo vẫn quyết định chơi "trò chơi chuyển trạng thái" - một lựa chọn rõ ràng là phù hợp hơn trong bối cảnh Việt Nam không giỏi kiểm bóng và chủ động điều tiết nhịp độ của trận đấu - thì Đức Chinh vẫn xứng đáng là người đầu tiên được xem xét ở vị trí tiền đạo cắm.

Trận chung kết lượt đi trên sân Bukit Jalil có thể là trận đấu hay nhất của Quang Hải ở AFF Cup 2018, và cũng có thể là một trong những trận đấu hay nhất của anh trong màu áo các đội tuyển, dù không ghi bàn cũng không kiến tạo. Có nhiều nguyên nhân, xuất phát cả từ lựa chọn lối chơi của đối thủ lẫn của chúng ta, nhưng một nguyên nhân quan trọng là sự thay đổi - không quá rõ ràng như có tác động lớn - trong vị trí và vai trò của Quang Hải.

Về lý thuyết, Quang Hải và Văn Đức là hai tiền vệ công hỗ trợ cho tiền đạo cắm Đức Chinh. Nhưng thực tế trận đấu cho thấy Quang Hải chơi gần các tiền vệ trung tâm hơn là tiền đạo, trong khi Văn Đức thì thường xuyên được đẩy lên chơi gần như song song với Đức Chinh. Ngay cả khi đã dâng cao, lựa chọn của Hải cũng khác hẳn so với người đồng đội trên hàng công. Trong khi Văn Đức và Đức Chinh (sau là Tiến Linh) thường di chuyển hướng về khung thành của Malaysia, Hải sẽ giật lại để nhận bóng, ở vị trí có thể gọi là "số 10".

Với cách di chuyển này, Quang Hải thường xuyên có cơ hội nhận bóng giữa những khoảng không lớn, và không phải chịu áp lực trực tiếp từ cầu thủ đối phương (các hậu vệ thì đã bị Văn Đức và tiền đạo cắm kéo xuống sâu, các tiền vệ trung tâm thì chưa kịp lùi về). Và mỗi khi nhận bóng, anh cũng thường có ít nhất là hai lựa chọn để chuyền bóng lên phía trước. Nếu các cầu thủ chạy cánh (thường là Trọng Hoàng) kịp dâng lên, những lựa chọn cho anh càng phong phú hơn.

Cách chơi trực diện và dứt khoát mà đội tuyển đã chọn ở trận lượt đi rõ ràng phù hợp với Quang Hải, và ngược lại. Cầu thủ Hà Nội mang tới sức sống mạnh mẽ cho những pha chuyển trạng thái nhanh của Việt Nam nhờ khả năng kéo bóng ở tốc độ cao. Những quyết định chuyền bóng của Quang Hải cũng rất ấn tượng. Hải rõ ràng thích chơi cạnh những đồng đội tích cực di chuyển vào khoảng trống hơn là những người muốn đá gần, đá nhỏ. Thống kê cho thấy một mình Hải tạo được năm cơ hội ăn bàn trong trận lượt đi, nhiều nhất trong số các cầu thủ có mặt trên sân, cũng là nhiều nhất với cá nhân anh từ đầu giải.

Việt Nam ấn tượng ở các tình huống chuyển trạng thái từ thủ sang công hay bao nhiêu, thì bấp bênh ở những tình huống tấn công ổn định bấy nhiêu. Tấn công ổn định là khi chúng ta đẩy được đội hình lên cao, hai cầu thủ chạy cánh sang được một phần ba sân phòng ngự của đối thủ, và các tiền vệ trung tâm cũng vậy. Tuy nhiên, chính ở trạng thái "ổn định" này, Việt Nam lại tỏ ra bất ổn nhất, vì một vấn đề rất cũ: Cấu trúc đội hình không chắc chắn.

Lấy ví dụ tình huống ở cuối trận. Về lý thuyết thì đây là một tình huống "tấn công ổn định" khi chúng ta dâng được 7 người sang phần sân của đối thủ. Ngoài ba cầu thủ tấn công, hai cầu thủ chạy cánh cũng đã chiếm được các vị trí tốt. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh  khi Tiến Linh để mất bóng trong khi hai tiền vệ trung tâm còn chưa kịp tạo thành lớp che chắn ở phía sau. Trong tình huống sau đó, Hùng Dũng cố gắng lao lên cướp bóng nhưng không kịp. Cầu thủ có bóng của Malaysia đã loại được bảy cái bóng áo đỏ chỉ bằng một đường chuyền. Tình huống này kết thúc với quả phạt mà Malaysia đã có thể ghi bàn, nếu Văn Lâm không có phản xạ xuất thần.

Trận lượt đi với Malaysia cũng một lần nữa chứng kiến HLV Park Hang-Seo loay hoay với bài toán tiền vệ. Phút 75, ông thay Đức Huy bằng Công Phượng và kéo Quang Hải trở lại vị trí trung tâm, với ý đồ rõ ràng là khả năng giữ bóng của Hải sẽ giúp cho đội tuyển Việt Nam kiểm soát bóng tốt hơn, qua đó giảm sức ép lên các cầu thủ phòng ngự. Tuy nhiên, toan tính này đã phá sản hoàn toàn, khi Hải một lần nữa thể hiện anh không hợp chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm, liên tục đứng sai vị trí hoặc bị đối phương vượt qua trong các tình huống 1-1 ở tuyến giữa.

Quang Hải không gây sức ép, để tiền vệ Malaysia thoải mái xộc bóng theo trung lộ

Trong khoảng 10 phút Quang Hải chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm, Malaysia liên tục tạo được những tình huống sóng gió xuất phát từ trung lộ, điều mà họ đã không thể làm được trong thời gian trước đó. Nhưng HLV Park Hang-Seo đã kịp thời phát hiện ra vấn đề và tung Hùng Dũng vào sân, trả Quang Hải lại vị trí tiền vệ công. Nhưng sự bối rối ấy của ông Park cũng phơi bày một thực tế là đội tuyển Việt Nam vẫn chưa tìm ra giải pháp để có thể kiểm soát thế trận và bắt đối phương chơi theo cách của mình khi cần.

Vậy thì ở trận lượt về, kể cả khi được đá trên sân nhà, ông Park sẽ lại vẫn chơi tiếp trò chơi chuyển trạng thái?

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích