9 năm trước, khi CHDCND Triều Tiên góp mặt tại World Cup 2010. Đối với nhiều người khi ấy, với trình độ công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, các chuyên gia cũng không tài nào tìm hiểu được tường tận rằng đội bóng xứ Đông Á ấy mạnh ra sao, các cầu thủ chơi ở đâu, sở trường là gì,... Chỉ biết, giọt nước mắt lăn trên má Jong Tae-se ở đất Nam Phi đã đọng lại trong lòng người hâm mộ cho đến tận hôm nay.
Triều Tiên thất bại và rời giải sớm nhưng họ không phải nhận những lời bình phẩm như đội yếu, cửa dưới hay lót đường.
Có thể không vượt trội bằng Brazil, Bồ Đào Nha hay Bờ Biển Ngà nhưng chính ý chí sắt đá hiện lên trên mỗi gương mặt mỗi tuyển thủ đã cho tất cả thấy bóng đá Triều Tiên có sức mạnh tinh thần và sự tự hào đáng khâm phục.
Jong Tae-se khóc khi hát quốc ca tại World Cup 2010. |
Ở Triều Tiên, một đất nước được nhớ tới với những quả tên lửa nhiều hơn bóng đá, mọi thứ đều phải ngăn nắp và kỷ luật. Những cầu thủ ở đất nước này cũng như người lao động trong các ngành, nghề khác. Họ làm tất cả, sống, chiến đấu và làm việc để phục vụ lý tưởng cách mạng của Tổ quốc mình.
Và khi lá quốc kỳ bay trên cầu trường lớn nhất thế giới - World Cup, người Triều Tiên đã khóc rất nhiều.
Jong Tae-se khóc dưới sân, người hâm mộ khóc trên khán đài. Đó là nước mắt của sự tự hào khi người Triều Tiên, sau bao nỗ lực và bất chấp khó khăn đã vươn lên và sánh ngang tầm với các quốc gia lớn trên thế giới.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên - ông Kim Jong-un. |
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là người rất mê thể thao, đặc biệt là bóng đá. Với ông Kim, môn thể thao Vua là cầu nối tốt nhất để hình ảnh về con người và đất nước mình được lan tỏa theo cách đẹp nhất tới thế giới.
Trong lá thư “Mở ra thế hệ vàng trong việc xây dựng sức mạnh thể thao, dựa trên tinh thần cách mạng của Paektu”, ông Kim nhấn mạnh:
“Thể thao đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, củng cố sức mạnh của quốc gia và tiếp thêm ánh sáng vào uy tín, danh dự của quốc gia, truyền niềm cảm hứng cho mọi người với niềm tự hào dân tộc và góp phần xây dựng xã hội với khí phách cách mạng.
Những VĐV nên coi chương trình đào tạo, tập luyện của mình là mệnh lệnh chiến đấu.
Đấu trường huấn luyện của họ sẽ như chiến trường”.
Đó là lời lý giải cho nguyên nhân tại sao, các VĐV thể thao của Triều Tiên luôn làm việc, tập luyện và thi đấu bằng kỷ luật thép. Họ không chỉ chơi bóng theo niềm đam mê và cảm hứng đơn thuần nữa.
Đó là nhiệm vụ, là sứ mệnh với Tổ quốc.
Kỷ niệm của BLV Quang Huy với bóng đá Triều Tiên |
Trong một cuộc trao đổi ngắn với BLV Quang Huy về bóng đá Triều Tiên, chúng tôi có dịp được hiểu thêm về sự tự hào mà người hâm mộ đất nước này dành cho các tuyển thủ.
Ở vòng loại World Cup 2010, đứng trước những ngưỡng cửa cuối cùng để giật lấy tấm vé đến Nam Phi, ĐTQG Triều Tiên nhận được nguồn động viên lớn lao theo đúng...phong cách đất nước mình. Với những trận đá trên sân nhà ở thủ đô Bình Nhưỡng, toàn bộ chỗ trống đã được lấp kín và người hâm mộ đều mặc quân phục. Họ cổ vũ, đánh nhịp điệu và hát các khúc ca truyền thống đều răm rắp.
Dưới nguồn động viên tự hào và tự tôn dân tộc như vậy, đội Triều Tiên hoàn thành nhiệm vụ và đến với vũ đài lớn nhất thế giới.
Một nền bóng đá bí ẩn ...
Jorn Andersen, người Na Uy làm việc với cương vị HLV trưởng ĐTQG Triều Tiên hơn 1 năm là nhân vật rất đặc biệt với lịch sử bóng đá nước này. Ông chính là HLV ngoại đầu tiên được LĐBĐ Triều Tiên mời làm việc.
Trong những ngày sống và hít thở bầu không khí ở quốc gia bí ẩn nhất thế giới, những kỷ niệm đọng lại đến giờ với Andersen vẫn chưa hề phai nhạt.
“Điều khó khăn lớn nhất với tôi khi làm việc ở đây là sự cô đơn. Tôi không có trợ lý hay bất kỳ ai có để có thể cùng thảo luận. Vậy nên, đôi lúc toàn đội không có chung ý tưởng.
Triều Tiên luôn phải nhận lời đồn không hay từ bên ngoài. Thực chất, cuộc sống người dân ở đây hoàn toàn bình thường.
Những học trò của tôi không bao giờ biết mệt mỏi. Họ luôn hoàn thành công việc và khao khát tìm tòi điều mới lạ. Các cầu thủ luôn được thôi thúc ra sân tập. Ở châu Âu, chuyện cầu thủ phàn nàn giáo án tập luyện rất thường tình. Nhưng tại Triều Tiên, điều đó chưa từng xảy ra”.
HLV Jorn Andersen. |
Cũng theo lời kể của Andersen, như các hoạt động khác ở Triều Tiên, bóng đá cũng được giữ kín hình ảnh với toàn thế giới. Giải VĐQG ở đây chưa được chỉn chu như tầm cỡ của ĐTQG nước này. Thường thì trước khi bóng lăn 1 ngày, thông tin về giải đấu mới được phát qua loa phóng thanh bên ngoài SVĐ để người hâm mộ được biết.
Hơn nữa, sân chơi cho các CLB ở Triều Tiên cũng không được quan tâm quá nhiều. Thay vào đó, họ dồn toàn lực cho ĐTQG. Các cầu thủ cũng thuộc quyền quản lý của các CLB khác nhau nhưng chỉ được tập trung vào cuối tuần khi chuẩn bị có trận đấu. Những ngày còn lại, với những người trong thành phần ĐTQG, họ phải sinh hoạt trên tuyển và dành hết sức lực cho màu áo này.
Thất bại tại Asian Cup 2019
Những gì Jorn Andersen kể lại là minh chứng cho sự tụt dốc không phanh của bóng đá Triều Tiên trong 9 năm qua. Từ tâm thế một đội được dự World Cup, giờ đây họ chỉ còn là “kho điểm” tại mỗi giải đấu cấp châu lục.
Các CLB phải đóng vai nền móng cho ĐTQG, là nơi cung cấp, phát hiện và đào tạo nhân tài cho ĐTQG. Nhưng ở Triều Tiên, mọi đường lối lại được thực hiện theo cách trái ngược. Những cầu thủ Triều Tiên không được cọ xát và ra nước ngoài thi đấu nhiều, do đó, tâm trạng bị ngợp là điều dễ hiểu.
Thất bại tại Asian Cup 2019. |
Đó là lý do để giải thích cho phong độ yếu kém của ĐTQG Triều Tiên ở sân chơi Asian Cup 2019. Họ đá 3 trận vòng bảng, thua cả 3, chỉ ghi được 1 bàn và thủng lưới tới 14 lần. Nhưng bàn thắng duy nhất trong trận đấu cuối cùng với Lebanon lại giúp Đội tuyển Việt Nam đi tiếp.
Đó là kỷ niệm không bao giờ quên với HLV Park Hang-seo và các học trò.
Những hy vọng cho tương lai
Nhìn thấy và hiểu được thất bại mình đang phải nhận, bóng đá Triều Tiên liên tục tìm cách tìm tòi, đổi mới và hòa nhập trong những năm gần đây.
Trong quá khứ, họ từng có Jong Tae-se khuynh đảo J.League và được ví như “Rooney Châu Á”. Giờ đây, đất nước này vẫn còn những ngôi sao đang chơi bóng ở các quốc gia khác tại lục địa vàng. Thậm chí, ở môi trường đỉnh cao nhất là Châu Âu, người Triều Tiên cũng in dấu giày.
Thượng nghị sĩ của Italia - ông Antonio Razzi là bạn thân với Nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng giới thiệu cho các CLB Ý rất nhiều tài năng của bóng đá Triều Tiên. Thông qua cánh cửa quan hệ hữu nghị này, những hậu bối của Jong Tae-se có cơ hội được tiếp xúc, trải nghiệm và thi đấu tại Italia - nơi có giải Serie A là 1 trong 5 giải VĐQG hàng đầu Châu Âu.
Choe Song-hyok từng đá ở Serie B. Trong khi đó, Han Kwang-song từng đá cho Cagliari tại Serie A. |
Như lời HLV Andersen kể lại, người Triều Tiên và các cầu thủ của họ không bao giờ sống trong cảm giác thất bại quá lâu. Mỗi lần thua cuộc hay bị loại khỏi cuộc chơi, các cầu thủ Triều Tiên lại quay về tập luyện và luôn tin tưởng vào những tương lai tươi sáng hơn.
Bóng đá là một chu kỳ hình sin, lúc thăng, lúc trầm. Người yêu bóng đá đất nước này hẳn chưa quên một câu chuyện thần kỳ xảy ra vào World Cup 1966 tại Anh. CHDCND Triều Tiên lúc đó đã đánh bại Ý 1-0 để vào tứ kết, trở thành đội bóng châu Á đầu tiên vượt qua vòng đầu của một kỳ World Cup. Trong trận tứ kết, họ dẫn trước Bồ Đào Nha của huyền thoại Eusebio 3-0 trước khi để thua 5-3 chung cuộc.
Sau đó, họ lại dần chìm vào quên lãng để rồi được cả thế giới nhớ đến vào năm 2010. Thất bại tại Asian Cup 2019 chỉ là tính giai đoạn của cả nền bóng đá bởi người Triều Tiên vẫn vậy. Họ vẫn nghiêm túc tập luyện, thi đấu và chiến đấu với kỷ luật thép và sự tự hào hiếm có.
Vòng loại World Cup 2022 đã cận kề, hy vọng những gì đọng lại trên đất UAE là điểm đáy của chu kỳ phong độ. Bóng đá Triều Tiên vẫn khát khao, vẫn hy vọng và luôn làm tất cả để chứng minh cho cả thế giới thấy được hình ảnh về đất nước, con người của xứ sở này mạnh mẽ và anh hùng ra sao.
Theo VTC