Tuyển Việt lại mời cầu thủ từ trời Tây!

Thứ ba, 20/03/2012, 13:22
Ngày 5-6 này đội tuyển U22 Việt Nam sẽ có đợt tập trung 35 ngày, và vẫn như mọi lần, VFF đã thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, sự am hiểu về bóng đá của mình bằng việc cất công mời một cầu thủ ở tận trời Tây về khoác áo đội tuyển Việt Nam.

 

Huỳnh Kesley và Nguyễn Rogerio đã có quốc tịch Việt Nam và được giới chuyên
môn đánh giá cao, nhưng không được vào đội tuyển chỉ vì VFF thích thế?.

Một tờ báo thể thao uy tín của nước ngoài cho biết, VFF đã liên hệ với cầu thủ Geoffrey Cabaye để mời về khoác áo đội tuyển Việt Nam. Điều nổi bật của cầu thủ này không phải là anh đang chơi cho giải hạng... 5 của Pháp mà là có người anh đang thi đấu cho đội Newcastle United ở giải ngoại hạng Anh.

Ngoại, cho oai

Người ta đang tự hỏi, liệu VFF chờ đợi điều gì từ những cầu thủ này ngoài cái mác Việt kiều bởi trước đây, chính VFF đã không ít lần thất vọng với các cầu thủ kiểu này.

Người hâm mộ, đặc biệt là người Đà Nẵng, chắc mãi không thể quên cầu thủ Casset Ludovic với tên tiếng Việt là Mã Trí. Năm 2004, để chuẩn bị cho Tiger Cup, Mã Trí được VFF mời vào tập trung cùng đội tuyển với một lý lịch sáng ngời, từng chơi cho AJ Auxerre – một trong những câu lạc bộ hàng đầu ở Ligue 1.

Tập luyện ở đội tuyển dăm bữa, Mã Trí bị loại, VFF đưa ra thông tin “cầu thủ này không hợp với sơ đồ chiến thuật”. Thấy VFF tốn công mời cầu thủ này vào đội tuyển, Đà Nẵng nhanh nhẩu ký hợp đồng với Mã Trí, bản hợp đồng có thời hạn tới tận năm 2008. Mức lương mà Mã Trí được nhận là 3.500 USD/tháng, một mức lương cao ngất lúc bấy giờ. Lãnh đạo đội Đà Nẵng chỉ nhận ra mình đã cả tin nên mua hớ, khi mà cả ông Lê Thuỵ Hải lẫn ông Trần Vũ (khi ấy làm cho Đà Nẵng) đều từ chối đưa Mã Trí ra sân bởi “hắn chỉ được cái mã”.

Đến cuối tháng 9.2006, bị giới chuyên môn “chộ” quá, giám đốc điều hành đội bóng là ông Bùi Xuân Hoà đã phải thoả thuận với Mã Trí xin đền thêm chín tháng lương, vé máy bay về Pháp chỉ để cắt sớm hợp đồng cho đỡ mắc cỡ.

Ngoài Mã Trí, có thể kể ra thêm hàng loạt cái tên đã vào đội tuyển rình rang rồi ra đi trong im lặng như năm 2006, Toni Lê Hoàng, một Việt kiều Ba Lan, được VFF chào đón vào đội Olympic Việt Nam với rất nhiều mỹ từ. Nhưng ông A. Riedl đã “chịu không thấu” và quyết định gạch tên cầu thủ này trước SEA Games 23. Hai đội bóng là Đà Nẵng và Hoà Phát Hà Nội cũng kịp thời lắc đầu từ chối dù trước đó tin theo VFF, họ tranh nhau tiếp xúc với Toni Lê Hoàng. Rồi Ngô Tuấn Anh về từ Đức dưới thời ông Mai Đức Chung năm 2008...

Đóng cửa với người nhà

Những cái tên như Đinh Hoàng La, Nguyễn Rogerio hay Huỳnh Kesley có thể được gọi là “người nhà” mà các cổ động viên không cần thấy ngượng miệng. Họ nằm trong số những cầu thủ nhập quốc tịch Việt Nam đã khá lâu và gắn bó với bóng đá Việt Nam suốt thời gian qua. Không phải nghiễm nhiên mà suốt sáu mùa bóng ở Đà Nẵng, Nguyễn Rogerio đá chính cả sáu mùa và giờ đây anh là cầu thủ không thể thiếu của Sài Gòn FC.

Tương tự như vậy, dù Leandro được người Hải Phòng gọi bằng “King” nhưng Bình Dương sa thải không thương tiếc, trong khi đó Đinh Hoàng La vẫn tiếp tục được trọng dụng dù đã đôi lần phản ứng với cách điều hành của đội bóng. Kesley cũng là cầu thủ không thể thiếu ở các câu lạc bộ mà anh góp mặt, đã không dưới vài lần trung vệ Phước Tứ khẳng định: “Kèm được Kesley thật sự khó khăn”.

Đinh Hoàng La, Huỳnh Kesley cũng đã từng được lên đội tuyển Việt Nam và được đánh giá là sinh hoạt chuyên nghiệp, đạt yêu cầu về chuyên môn. Hoàng La chiếm luôn vị trí chính thức của Dương Hồng Sơn, Huỳnh Kesley làm lu mờ những tiền đạo khác.

Rõ ràng, nếu các cầu thủ Việt kiều kia mọi người chỉ “nghe tiếng” thì với những cầu thủ đã nhập tịch và cống hiến cho bóng đá Việt Nam suốt thời gian qua, các huấn luyện viên lẫn người hâm mộ đã kiểm chứng một cách cụ thể về trình độ của họ. Họ được xác nhận “đủ chất lượng” bằng giấy chứng nhận mang quốc tịch Việt Nam, và cả những bản hợp đồng đầy trọng thị từ các đội bóng.

Đến thời điểm này, VFF vẫn cương quyết không đưa ra những trả lời cụ thể về chuyện thích “vọng ngoại” và đóng cửa với các cầu thủ đã nhập tịch, khiến người hâm mộ chỉ có thể nhận định rằng “vì VFF thích thế”. Chẳng lẽ tầm nhìn của quan chức ngành thể thao chỉ đến thế.

Theo SGTT

Các tin cũ hơn