Được xem là loại thịt có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều sắt, tốt cho người đang phải kiêng mỡ, thịt ngựa hiện không còn là món ăn lạ trong thực đơn của nhiều gia đình. Mùa Tết năm 2014, cùng với những sản phẩm dán mác ngựa được ưa thích khác, nhiều gia đình cũng tìm mua thịt của loài động vật này để làm mâm cỗ cúng cuối năm.
Anh Bùi Công Nguyệt (Thái Nguyên) trong tháng giáp Tết âm lịch đã bán 10 con ngựa thịt. Anh cho biết, thời gian gần Tết thịt ngựa bán khá chạy. Trung bình mỗi ngày anh thịt 1-2 con. Đa phần mọi người đặt mua làm cỗ tất niên.
“Giá thịt ngựa năm nay khá mềm. Gần Tết, chỉ tăng nhẹ từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, ngang với giá thịt bò”, anh Nguyệt cho biết. Tuỳ loại thịt ngựa mà có giá khác nhau. Thịt thăn lưng, thịt bắp giá 250.000 đồng/kg, các loại khác giá thấp hơn, từ 200.000 – 230.000 đồng/kg. Giò ngựa cũng được nhiều khách đặt mua, với giá từ 280.000 – 300.000 đồng/kg.
Ngoài giết mổ tại cơ sở Thái Nguyên, dịp cuối năm anh Nguyệt còn đem ngựa đến các tỉnh khác để thịt như Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định. Ngoài bán thịt ngựa, anh Nguyệt còn nấu cao tại chỗ, giá cao ngựa Bạch là 500.000 đồng/lạng, cao ngựa đen và trắng giá thấp hơn từ 300.000 – 350.000 đồng/lạng. Anh cho biết, thời điểm gần Tết, cao ngựa thường được khách hàng mua làm quà biếu.
Theo anh Nguyệt, càng gần Tết lượng thịt ngựa bán ra càng tăng mạnh, gấp 2, 3 lần ngày thường. “Do quan niệm năm Giáp Ngọ không ăn thịt ngựa nên hầu hết khách mua về làm cỗ tất niên giải xui”, anh Nguyệt cho biết.
Món giò ngựa được khách hàng đặt khá nhiều vì có vị thơm lạ, dễ ăn. |
Trên các diễn đàn mạng, thịt ngựa làm cỗ Tết cũng được mua bán xôm tụ với giá chênh lệch khá lớn với giá bán tại chợ và các vùng quê. Thịt thăn loại 1 được rao bán với giá từ 300.000 - 400.000 đồng/kg, nhưng có nơi rao tới nửa triệu một kg. Thịt loại 2 như vai, sườn khoảng trên 200.000 đồng/kg.
Riêng các loại giò ngựa, thịt tim ngựa được bán với giá khoảng 350.000 kg. Các loại ruốc thịt ngựa hiếm hơn, từ 700.000 đồng đến khoảng 1 triệu đồng cho mỗi kg thành phẩm. Lòng ngựa để chế biến món thắng cố nổi tiếng của vùng Tây Bắc cũng được rao với giá từ 300.000 - 500.000 đồng cho một xuất 4 người ăn. Để làm quà biếu Tết, cao ngựa bạch và cao ngựa màu được tìm mua nhiều dù giá khá đắt, lên tới 3 đến 5 triệu đồng một kg.
Mua 3kg thịt ngựa về giải xui cuối năm, anh Trần Mạnh Quân (Thái Bình) chia sẻ: “Năm con gì thì kiêng ăn con đấy, nên mua thịt ngựa về làm cỗ tất niên. Thịt ngựa nhiều đạm, giò ngựa ngon, ăn vào khoẻ như ngựa để năm mới chạy xô với công việc”.
Là người làm ăn nên quan niệm thực phẩm của anh Quân khá khắt khe. “Năm Ngọ thì không ăn thịt ngựa, nhưng thịt ngựa cuối năm lại giải đen. Nhân tiện thưởng thức thịt ngựa vì năm sau sẽ không sát sinh loài động vật này”, anh Quân nói.
Cũng cho rằng ăn thịt ngựa cuối năm giải xui, bà Bùi Thị Oánh (Cầu Giấy – Hà Nội) đặt mua 2kg thịt ngựa. Mọi năm bà Oánh thường sử dụng thịt gà và thịt bò là món chính. Nhưng bữa tất niên năm nay, bà Oánh sử dụng thịt ngựa thay cho thịt bò. Theo bà, thịt ngựa thơm, vị ngọt và chế biến được nhiều món ăn. “Năm nay kinh tế khó khăn, các con đều là dân kinh doanh nên việc giải xui rất quan trọng”, bà Oánh chia sẻ.
Cách chế biến thịt ngựa khá giống với thịt bò do mùi vị, màu sắc không khác biệt quá nhiều. Để làm được một mâm cỗ cúng chỉ toàn thịt ngựa, gia chủ có thể phải chi từ 2 đến 2,5 triệu đồng, với đủ 5 món chính.
Theo chị Nhân, một người cung cấp thịt ngựa qua diễn đàn dành cho cha mẹ khá nổi tiếng, khá nhiều khách hàng của chị năm nay là những người lần đầu mua loại thịt này về làm cỗ cúng. Thịt ngựa chủ yếu được mua tại trại Thái Nguyên, hoặc nhập miếng lẻ từ Bắc Kạn hay Ba Vì.
"Yêu cầu thịt ngựa chất lượng tốt là màu đỏ đậm, thớ chắc, để lâu không ra nước, khi chế biến phải mềm và không có mùi ngái. Tuy một số vùng như Thái Nguyên đã lập trang trại ngựa thịt nhưng không phải lúc nào cũng có hàng để bán vì nguồn cung khá thất thường".
Chị Nhân cho biết, năm nay, số lượng người đặt hàng thịt ngựa tăng gấp vài lần so với những năm trước. Nhiều người sẵn sàng bỏ tiền triệu để mua thịt ngựa, cao ngựa làm quà biếu Tết. Do vậy, khách đặt hàng phải chờ vài ngày mới có thịt tươi để giao, riêng giò, ruốc và cao ngựa phải chờ lâu hơn.
Theo Zing