Tờ Dân Việt phản ánh, sau vụ thu hoạch lúa Nàng thơm Chợ Đào năm 2013-2014, người dân xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước (Long An) rất phấn khởi khi công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đến cân lúa đợt 1... Tuy nhiên, mới cân được khoảng 90 tấn thì dừng lại cho đến nay, số lúa còn tồn khoảng trên 120 tấn không tiêu thụ được…
Ông Huỳnh Văn Cơ- Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, Long An cho biết vụ đông xuân năm 2012, nông dân xã Mỹ Lệ được khuyến khích tham gia vào cánh đồng mẫu lớn (liên kết 4 nhà).
Trên 4 tấn lúa của vợ chồng bà Phương chất đống chờ thương lái. |
Trong đó, Công ty CP Nông Trại Sinh Thái EcoForm (Phú Quốc- Kiên Giang), đứng ra hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Theo đó, ngay trong vụ đầu toàn xã đã xuống giống lúa Nàng thơm Chợ Đào với diện tích 63/100ha nằm trong khu vực cánh đồng mẫu.
Tổng sản lượng trên 250 tấn được Công ty CP Nông Trại Sinh Thái EcoForm tiến hành thu mua hết toàn bộ sản phẩm của người nông dân sau khi thu hoạch với giá 10.000đ/kg (cao hơn thị trường từ 2.500-3.000đ/kg)…
Thấy được hiệu quả kinh tế ban đầu, trong vụ đông xuân 2013-2014, người dân xã Mỹ Lệ tiếp tục xuống giống 57/100ha (theo hợp đồng với công ty), với tổng sản lượng ước đạt trên 200 tấn. Sau khi thu hoạch, công ty cử người về xã tiến hành thu mua số lúa nằm trong cánh đồng mẫu, nhưng chỉ được 3 ngày thì doanh nghiệp “rút êm”.
Bà Nguyễn Thị Năm, ngụ ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước (Long An), cho biết, gia đình bà cũng tham gia vào chương trình, nay đã xuống giống 1ha, vụ này thu hoạch được trên 4 tấn, nhưng chưa bán được kg nào.
Bà Châu Thị Lượm (ngụ ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ) cũng đứng ngồi không yên bởi trên 2,5 tấn lúa của bà nằm chất đống ở nhà không ai mua. Trong khi đó, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều trông chờ số tiền bán lúa nên bà phải vay nóng tiền bên ngoài để làm chi phí.
Được biết, diện tích sản xuất lúa Nàng thơm Chợ Đào trong toàn xã có khoảng 500ha. Năm 2003, Sở KHCN Long An đã giúp xã Mỹ Lệ các thủ tục đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ xác lập nhãn hiệu độc quyền và tên gọi xuất xứ hàng hoá, chỉ dẫn địa lý của loại gạo đặc sản này.
Mới đây, Văn phòng Sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO) đã cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền cho nhãn hiệu "Gạo Nàng thơm Chợ Đào”. Đây là loại gạo ngon đặc biệt, không nơi đâu có được bởi hương vị thơm ngon, đậm đà thế nhưng ngay cả khi đi vào chất lượng thì người nông dân vẫn “bị thua”.
“Bán tháo”
Trong khi đó các mặt hàng nông sản của Việt Nam như gạo, cà phê, mới đây là dưa hấu lại chỉ được bán với mức giá rất thấp và bị chi phối, phụ thuộc vào những biến động của thị trường thế giới.
Cụ thể là giá gạo, thời điểm tháng 6/2013, trang Oryza- trang tin giá gạo toàn cầu cho biết, giá gạo Việt Nam giảm khoảng 1-4%, khiến giá gạo 5% tấm cuối tháng 6 khoảng 370 USD/tấn và đưa Việt Nam thành quốc gia có giá gạo rẻ nhất.
Thông tin mới nhất TBKTSG đưa tin, giá trúng thầu bình quân của Việt Nam trong phiên đấu thầu cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines vào ngày 15/4 là gần 439 USD/tấn (giá CIF giao tại kho Philippines).
Tức là phải chấp nhận bán giá thấp hơn tới 30 USD/tấn để được trúng thầu.
Khi giá gạo xuống mức thấp, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) thường xin hỗ trợ vốn để mua tạm trữ lúa gạo của nông dân. Tuy nhiên, chính sách tạm trữ gạo mới chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà nông dân trồng lúa vẫn ca điệp khúc "được mùa mất giá".
Khi áp lực về việc phải trúng thầu đặt ra khiến giá lúa gạo đấu thầu ở mức thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thu mua của thương lái từ người nông dân và người dân sẽ thiệt đơn thiệt kép.
Trong khi gạo chất lượng thấp thì bán giá rẻ, còn chất lượng cao lại không bán được. Vậy, ai phải chịu trách nhiệm đã để nông dân trong suốt hàng chục năm qua lặp đi lặp lại cảnh được mùa là rớt giá, thậm chí đã phải bán đổ bán tháo sản phẩm, nuốt nước mắt vào trong để vứt bỏ chính các sản phẩm mà mình đã phải đổ tiền bạc, công sức bón trồng... làm thua thiệt nhiều cho người nông dân?
Trong khi việc tiêu thụ sản phẩm của bà con nông dân, nhất là xuất khẩu, Bộ Công Thương được giao làm đầu mối xuất khẩu. Nhất là đối với thị trường, xúc tiến thương mại chưa hiệu quả, không đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Mặc dù Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, để xảy ra tình trạng này, “trách nhiệm có phần của Bộ Công Thương”. Nhưng cái người dân trông chờ là giải pháp, là làm thế nào để người dân không phải chịu thiệt thòi.
Bẽ bàng trước 'giấc mơ xoài Nhật'
Trong khi đó, TTXVN đưa tin, tại cuộc đấu giá trái cây mùa thu hoạch vừa rồi, một cặp xoài ở miền Nam Nhật Bản nằm trong số 231 cặp trái cây bán tại một số chợ bán buôn ở tỉnh Miyazaki, phía Nam Kyushu đã được mua với giá gần 3.000 USD.
Cặp xoài ở miền Nam Nhật Bản đã được mua với giá kỷ lục 300.000 yen (62 triệu đồng, gần 3000 USD) |
Theo Liên đoàn kinh tế nông nghiệp tỉnh Miyazaki, cặp xoài này đã đạt danh hiệu “Taiyo no Tamago” (Những quả trứng của Mặt trời). Đây là một danh hiệu có tiêu chí xét duyệt rất khắt khe, trong đó tất cả các loại trái cây đều phải nặng ít nhất 12 ounce (khoảng 340g) và có độ ngọt cao.
Những loại trái cây được yêu thích và dĩ nhiên cũng rất đắt đỏ ở Nhật Bản bao gồm nho hồng ngọc từ tỉnh Ishikawa, có quả to tròn. Những chùm nho này thường được bán với giá khoảng vài nghìn bảng.
Dưa Nhật cũng được bán với giá rất cao ở các cuộc đấu giá. Một cặp dưa đã được mua với giá kỷ lục 1,6 triệu yen (hơn 15.000 USD) tại một cuộc đấu giá ở thành phố miền Bắc Sapporo, Hokkaido.
Trước đó, tại lễ hội xì gà được tổ chức tại Havana (Cuba) 6 hộp xì gà thượng hạng cũng đã được bán với giá 1,1 triệu USD.
Thuốc lá là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Cuba. Theo thống kê mới nhất, trong năm 2013, doanh thu bán xì gà của nước này đã tăng 8%, đạt 447 triệu USD với thị trường nhập khẩu mạnh nhất là Trung Quốc.
Theo Đất Việt