GS Võ Tòng Xuân: Nông sản sẽ thoát cảnh làm ăn chụp giựt với Trung Quốc

Thứ tư, 28/05/2014, 09:03

nông sản

Việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép vào thềm lục địa Việt Nam không chỉ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam mà còn ảnh hưởng tồi tệ tới sự giao lưu thương mại giữa hai quốc gia.
Dù Trung Quốc là thị trường lớn tiêu thụ nông sản Việt Nam. Nước ta bé nhỏ không thể cung cấp đủ hàng cho Trung Quốc nếu họ cần. Nhưng trong thực tế, hàng hóa mà các doanh nghiệp của ta xuất sang TQ hoặc hàng hóa do chính thương lái TQ sang mua từ các địa phương VN trong thời gian qua chỉ có lợi cho TQ và doanh nghiệp VN chứ nào có lợi cho đất nước VN hoặc nông dân VN ta bao nhiêu! Lý do chính là các DN hai bên chỉ muốn xuất theo tiểu ngạch.
Cho nên nếu thị trường này bị ảnh hưởng, ban đầu chắc chắn ta sẽ gặp khó nhưng về lâu dài sẽ là điều tốt. Ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phải có những thay đổi lớn để hướng đến những thị trường sang trọng hơn, chuỗi giá trị mang lại cao hơn…
Nhiều năm nay, các mặt hàng nông sản của Việt Nam như trái cây, rau quả, cao su, gạo, đường... xuất khẩu qua Trung Quốc rất mạnh, nhưng chủ yếu theo đường tiểu ngạch. Nhìn bề ngoài, có vẻ như nông dân ta có được đồng tiền là nhờ Trung Quốc. Nhưng thực tế không phải vậy. Nếu làm bài toán kinh tế một cách đầy đủ, ta mất nhiều hơn được.
Thị trường tiểu ngạch này rất dễ tính và không yêu cầu cao về chất lượng, chỉ cần giá rẻ là bao nhiêu họ cũng mua. Để có được cái giá “siêu rẻ”, chúng ta hạ giá thành bằng cách vắt kiệt đất đai, vắt kiệt sức người (trả giá rẻ mạt cho nông dân), rồi chở quá tải gấp 2 – 3 lần để khi hàng hóa đến cửa khẩu sẽ có cái giá rẻ nhất.
Lâu nay, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam khi xuất sang Trung Quốc chỉ thích đi đường tiểu ngạch. Kết quả là, ngân sách chẳng thu được đồng nào từ mấy ông thích xuất lậu này. Nông dân kiếm được vài đồng bạc lẻ, nhưng đường sá thì tan nát, toàn xã hội phải gánh chịu – trong đó có tiền thuế của nông dân. Rồi đất đai bạc màu, môi trường bị hủy hoại, không phải đợi đến đến đời con đời cháu mới phải trả giá mà thực tế là chúng ta đang phải tra giá.
Làm ăn với thương lái Trung Quốc, chúng ta đã quá quen thuộc với các thủ đoạn ép giá, hoặc mua rồi quỵt tiền. Ngoài ra, còn có tình trạng mua “hàng độc, hàng lạ” như mua lá khoai, rễ cây, lá điều, hay mua đỉa… Mục đích họ mua làm gì chưa rõ trong khi môi trường, môi sinh của ta bị ảnh hưởng nặng nề.
Họ mua đồ kém chất lượng của ta, đổi lại, họ cũng xuất sang Việt Nam nhiều hàng hóa chất lượng kém, gây hại sức khỏe cũng với cái giá rẻ mạt. Làm ăn lâu dài với họ theo kiểu tiểu ngạnh này, kết quả là chúng ta có một nền nông nghiệp ăn xổi ở thì, không có gì gọi là bền vững. Chỉ cần họ đóng cửa khẩu vài ngày, là hàng hóa đã ùn ứ, phải đổ bỏ vì với chất lượng kiểu này, nếu Trung Quốc mà không “ăn” thì không nước nào dám ăn.
Để thoát khỏi thị trường Trung Quốc, chúng ta phải dứt khoát thay đổi. Nhưng lâu nay, do làm ăn lâu đời với Trung Quốc, ta đã quen thuộc với cái kiểu làm ăn chụp giựt của họ, không thể một sớm một chiều mà thoát ra khỏi cái tập quán này.
Để xuất khẩu qua các thị trường như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc… sản phẩm trái cây hay các mặt hàng nông sản khác đều phải tuân theo yêu cầu gắt gao của nước sở tại. Bù lại, hàng hóa của ta một khi đã được chấp nhận thì những thị trường này chấp nhận với giá rất cao, nông dân lãi hơn rất nhiều.
Nếu đường biên bị siết chặt hơn, hàng hóa qua lại khó hơn, thì đó sẽ là cơ hội để ngành nông nghiệp tự đổi mới, bứt phá. Đã đến lúc chúng ta phải chấm dứt cảnh làm nông kiểu “ăn xổi ở thì” để có cú “thoát Trung” trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo MTG

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích