Tại chợ nông sản Đà Lạt, phóng viên đã tận mục sở thị cảnh các tư thương công khai nhuộm đất đỏ Đà Lạt cho khoai tây Trung Quốc, gây nhầm lẫn với người tiêu dùng nhằm kiếm lợi khủng. Đáng ngạc nhiên là hành vi này được thực hiện công khai, kể cả khi cơ quan chức năng đang có mặt tại chợ để kiểm tra hàng hóa.
Đây là đống khoai tây Trung Quốc được nhập về chờ nhuộm đất đỏ Đà Lạt để biến thành hàng địa phương. |
Sở hữu vựa nông sản khá bề thế ngay tại cửa ra vào của chợ nông sản Đà Lạt, vợ chồng bà Lớn, ông Hòa tỏ ra rất năng động và nhạy bén với thị trường. Cửa hàng của ông bà chuyên kinh doanh các mặt hàng củ quả như khoai tây, củ dền, cà rốt…
Tiếp chuyện chúng tôi một cách vội vã để còn kịp chuyến xe ra Bắc “đánh hàng”, bà Lớn cho biết, khoai tây Đà Lạt chỉ có 6 tháng, từ tháng 11 đến tháng 5 hàng năm. Do vậy, hiện thị trường khá khan mặt hàng Đà Lạt. Mặc khác, nếu kinh doanh khoai Đà Lạt chính hiệu thì khó lòng cạnh tranh, vì giá cao. Và gia đình bà đã chủ động ra tận miền Bắc để mua khoai Trung Quốc, sau đó mang về phù phép thành khoai Đà Lạt, sẽ có lời hơn rất nhiều.
Cảnh nhân viên ray, trộn đất biến khoai tây Trung Quốc thành Đà Lạt diễn ra tại chợ, ngay trước mặt khách. |
Nhầm tưởng chúng tôi là thương lái từ TP.HCM đến tìm hiểu thị trường để kinh doanh rau củ quả Đà Lạt, bà Lớn, ông Hòa hồ hởi bật mí “bí kíp” biến khoai Trung Quốc thành khoai Đà Lạt.
Theo giới thiệu của ông Hòa, chúng tôi được chứng kiến cảnh một nam thanh niên đang tiến hành ray đất bột Đà Lạt lên đống khoai tây Trung Quốc. Khoai mới rửa còn ẩm nước, sau khi được ray đất bột và đảo đều sẽ quyện đất. Trong quá trình vận chuyển, buôn bán, khoai khô dần sẽ có màu tự nhiên như khoai Đà Lạt. Theo nam thanh niên này, đất bột dùng để nhuộm khoai bán khá phổ biến ở chợ, với giá 20.000 đồng mỗi bao.
Khoai rửa qua nước đổ đống, sau đó từng rổ đất đỏ sẽ được ray mịn, nhuộm lên như thế này. |
Sau khi phun bột đất đỏ, nam thanh niên này cho khoai vào bao và chờ xe tải phân phối ra thị trường. Theo ông Hòa, hàng của ông được đưa đi khắp nhiều nơi, từ Huế trở vào miền Tây Nam bộ.
Chỉ cho chúng tôi bí quyết kiếm lời, ông Hòa cho biết, hiện khoai Đà Lạt có giá 13.000 – 14.000 đồng/kg, khoai trung Quốc giá 11.000 đồng/kg. Nhưng nếu người tiêu dùng không rành, tiểu thương có thể bán khoai Trung Quốc bằng giá khoai Đà Lạt. Ông Hòa khẳng định, nếu chúng tôi đồng ý làm ăn, lấy hàng từ vựa của ông, ông sẽ không ngại chia sẻ thêm “bí quyết” làm ăn với hàng Trung Quốc.
Những bao khoai Trung Quốc được biến thành khoai Đà Lạt chờ đưa đi tiêu thụ. |
Cũng theo ông Hòa, sau khi được nhuộm đất Đà Lạt, đến người Đà Lạt cũng khó lòng phân biệt được đâu là khoai Trung Quốc, đâu là khoai địa phương. Nhờ vậy, các thương lái và tiểu thương có thể bán khoai Trung Quốc với giá khoai Đà Lạt!
Ông Hòa so sánh khoai tây Đà Lạt với hàng Trung Quốc. Củ khoai bên trái với vỏ mỏng, màu sậm là hàng Đà Lạt, củ khoai bên phải khi chưa nhuộm sạch sẽ, vỏ có màu sáng là hàng Trung Quốc. |
Điều đáng ngạc nhiên là việc nhuộm khoai Trung Quốc được vựa bà Lớn, ông Hòa thực hiện công khai, không giấu giếm, kể cả khi lực lượng chức năng đang kiểm tra hàng hóa tại chợ này.
Câu chuyện tiểu thương chợ Đà Lạt phù phép đổi màu, biến khoai tây Trung Quốc thành hàng Đà Lạt đã bị phanh phui từ một năm trước, xong đến nay tình trạng này vẫn tiếp diễn công khai, dù cơ quan chức năng địa phương nhiều lần khẳng định đã chấn chỉnh.
Theo Zing