Siêu thị, doanh nghiệp hợp sức cứu trái cây

Thứ sáu, 27/06/2014, 09:33
Vải, thanh long bị tắc nghẽn xuất khẩu, đổ dồn về chợ quay ngược vào Nam khiến giá giảm mạnh và dồn ứ. Hiện một số siêu thị và doanh nghiệp TP.HCM đang phối hợp tích cực để thu gom và tiêu thụ.

Theo lãnh đạo chợ đầu mối Thủ Đức, năm nay 40% vải thiều xuất khẩu đi nước ngoài quay ngược vào Nam. Cùng lúc, một số trái cây xuất khẩu khác của miền Nam như thanh long cũng ùn ứ vì thương lái và các nhà xuất khẩu Trung Quốc ngưng mua. Do đó, lượng trái cây về chợ đầu mối TP.HCM tăng đột biến, kéo theo hàng loạt các loại trái cây khác giảm giá.

Ông Huỳnh Hồng Ửng, Chủ nhiệm Hợp tác xã thanh long Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, thanh long ruột đỏ loại ngon tại vườn chỉ 2.000-3.000 đồng một kg, các loại còn lại chỉ vài trăm đồng một kg. Hai tháng nay, 70% mặt hàng ở tỉnh này không xuất khẩu được sang Trung Quốc. Trong khi đó, cùng thời điểm năm trước, giá thu mua thanh long ruột đỏ khoảng 20.000-25.000 đồng một kg.

“Họa may chỉ có được vài đối tác quen năn nỉ họ mới mua cho. Hiện nay, nông dân ở đây đang rất khốn khổ vì không biết tiêu thụ sản phẩm như thế nào. Nhiều hộ chỉ biết đứng nhìn trái thanh long thối dần theo ngày”, ông Ứng kể.

Ông còn cho biết thêm, trước đây chỉ cần bán 3-7 kg thanh long là người dân có đủ tiền chi phí cho sinh hoạt một ngày, nhưng nay bán 400kg cũng không đủ, thậm chí còn không có khách mua.

thanhlong-2-2395-1403767492.jpg

Thanh long ruột đỏ loại ngon tại vườn giá chỉ 2.000-3.000 đồng.

Trước tình hình trên, một số siêu thị đã cùng nhau tìm cách hỗ trợ người nông dân bằng cách thu mua với số lượng lớn.

Đại diện Saigon Co.op cho biết, khi biết tình hình trái cây ùn ứ cả ở miền Bắc cũng như miền Nam, từ đầu tháng 6, toàn hệ thống siêu thị đã chủ động thực hiện kích cầu cho các loại trái cây thông qua lễ hội trái cây. Chỉ riêng hệ thống siêu thị Co.opmart ở TP HCM và các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ đã tiêu thụ hơn 10 tấn vải thiều một ngày và đang có xu hướng gia tăng do loại trái cây này đang được mùa và giá tốt. Hiện tại, đơn vị này đã tăng cường cử người khảo sát thực tế và đánh giá về quy trình trồng, kỹ thuật chăm sóc, quy mô, sản lượng tại vườn để việc thu mua  đảm bảo chất lượng cao và giá mua tốt nhất cho người trồng .

Ước tính từ đầu tháng 6 đến nay, hệ thống siêu thị này tại TP.HCM đã tiêu thụ gần 400 tấn trái vải tươi, và sẽ tăng thêm 100 tấn nữa cho đến hết tháng.

“Hiện nay, mỗi tháng hệ thống siêu thị tiêu thụ 2.000 tấn trái cây các loại. Tổng lượng trái cây tiêu thụ năm nay tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Lượng trái cây phía Bắc vào Nam cũng tăng đột biến trên 25% so với cùng kỳ 2013. Riêng sức mua trái vải trên toàn hệ thống đang ở mức 15-17 tấn một ngày”, đại diện Saigon Co.op cho biết.

Không chỉ Saigon Co.op, các siêu thị khác như Big C, Lotte Mart, Metro Cash&Carry cũng hỗ trợ người nông dân thu mua vải thiều và một số loại trái cây khác bán với giá ưu đãi.

Đại diện Metro Cash&Carry cho biết, mỗi tuần siêu thị phân phối trên 60 tấn trái vải tại toàn hệ thống Metro và sẽ tiếp tục mua vải cho đến hết mùa vụ.

Tương tự, Big C cho hay mức tiêu thụ trung bình hiện nay là 5 tấn mỗi ngày trên toàn hệ thống.

Bên cạnh siêu thị, Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions – VWS) cho biết, sẽ phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM thu mua gần 6 tấn vải với giá 17.000 đồng để ủng hộ nông dân. Theo đó, số vải này sẽ được Công ty cùng Sở Công Thương TP.HCM tặng cho người dân 3 xã Đa Phước, Qui Đức, Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

vai-thieu-6183-1403771111.jpg

Vải thiều chuyển vào miền Nam ngày một tăng.

Tuy nhiên, sự phối hợp trên mới chỉ giải quyết được phần nào lượng trái cây ùn ứ tại TP.HCM. Hiện một số tỉnh miền Tây vẫn đang khốn khổ vì trái cây không xuất khẩu được sang Trung Quốc.

Chia sẻ quan điểm về tình hình trên, TS Võ Mai, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Trái cây Việt Nam cho rằng, việc trồng và kinh doanh trái cây của Việt Nam còn mang nặng tính tự phát, nhỏ lẻ, không có nhiều vùng chuyên canh…

Hiện nay trên thực tế, trái cây bán sang Trung Quốc chủ yếu bằng đường tiểu ngạch chứ không chính ngạch như các loại hàng hóa khác và không được các công ty Trung Quốc ký cam kết. Thời gian gần đây, thông tin thương lái Trung Quốc ngưng mua là thiếu chính xác. Việc 40% lượng vải miền Bắc quay đầu vào Nam là do tiểu thương nắm thông tin lệch lạc nên lo sợ thương lái Trung Quốc trả hàng. Do vậy, theo bà Mai, Bộ Công Thương cần phối hợp với cơ quan chức năng để giám sát kỹ tình hình nhằm đưa thông tin chính xác cho thương lái và nông dân.

Bà Mai đề xuất, để tình trạng này không diễn ra lần thứ 2, cần có sự can thiệp của Nhà nước. Cụ thể, Nhà nước nên tìm thị trường tiêu thụ trái cây  mới cho Việt Nam, để tránh lệ thuộc vào Trung Quốc. Hiện 70-80% trái cây Việt Nam được xuất sang Trung Quốc.

Tiếp đến, Nhà nước cần khuyến khích và đẩy mạnh công nghiệp chế biến đối với trái cây. Thành lập viện nghiên cứu, đưa ra những chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế biến trái cây, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp xây dựng những nhà máy bảo quản và chế biến.

Bà Mai cho biết thêm, bà đang cùng Hiệp hội nghiên cứu và khuyến khích các hợp tác xã trái cây chế biến các sản phẩm như rượu thanh long, ổi, bưởi… Đồng thời, Hiệp hội đang đẩy mạnh kết nối giữa các doanh nghiệp nước ngoài như Úc, Mỹ với các đơn vị thu gom trái cây Việt Nam để xuất qua các thị trường mới. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần hỗ trợ công nghệ sau thu hoạch để xử lý trái cây đạt yêu cầu quốc tế.

Đồng quan điểm với TS Võ Mai, ông Ứng cũng  mong Nhà nước cần vào cuộc để  đưa ra định hướng đúng đắn cho người làm vườn. Bởi lẽ, tình trạng đua nhau trồng thanh long ở một số tỉnh khác như Bình Thuận, Long An đang gia tăng, chỉ vài năm nữa sản lượng sẽ tăng 1,5 lần so với hiện nay.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích