Hàng nội đánh bạt hàng ngoại

Thứ ba, 02/09/2014, 09:13
Cận ngày khai giảng, các sản phẩm phục vụ học sinh hút hàng mạnh. Khác với mọi năm, mùa tựu trường năm nay, tại TP.HCM, các mặt hàng sản xuất trong nước từ áo quần, giày dép đến tập vở, bút mực, cặp học sinh…chiếm ưu thế.

Khách hàng lựa chọn đồ dùng học tập trong chương trình bình ổn giá tại nhà sách Nguyễn Huệ (TPHCM). Ảnh chụp tối 11/8. Ảnh: Đại Dương

Khách hàng lựa chọn đồ dùng học tập trong chương trình bình ổn giá tại nhà sách Nguyễn Huệ (TP.HCM). Ảnh chụp tối 11/8. Ảnh: Đại Dương

“Nếu ba, bốn năm trước, vào giờ này sản phẩm cặp học sinh rẻ tiền của Trung Quốc, Thái Lan tràn lan thị trường thì giờ này, sản phẩm cùng loại được sản xuất trong nước chiếm ít nhất 95% thị phần. Hàng ngoại không có cửa cạnh tranh lại hàng Việt”- ông Trần Bá Dũng - Phó Giám đốc Công ty sản xuất ba lô, túi xách Hương Mi nói. Ngoài Hương Mi trên thị trường hiện nay còn có các DN sản xuất túi xách học sinh khá mạnh khác như Miti, Mr.Vui, Ladoda…

Sản phẩm của các DN này phủ kín ở các kênh bán lẻ từ siêu thị, nhà sách đến chợ truyền thống, cửa hàng phân phối riêng và đã trở thành “lá chắn” đối với hàng ngoại nhập cùng chủng loại.

Không riêng ba lô, túi xách, các mặt hàng phục vụ học sinh được sản xuất trong nước đều chiếm ưu thế trên thị trường, nhất là tại TPHCM nhờ Chương trình bình ổn các mặt hàng phục vụ mùa khai trường 2014-2015. Đây là năm thứ hai thành phố thực hiện bình ổn với các mặt hàng này và được thành phố triển khai từ tháng 4 gồm 4 nhóm hàng chính yếu: tập vở, cặp - ba lô - túi xách, đồng phục học sinh, giày. Giá bán cam kết thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 10% - 15%.

Tính đến nay, trên địa bàn thành phố hiện có 778 điểm bán dụng cụ học tập bình ổn giá với 168 siêu thị, nhà sách, 306 cửa hàng tiện lợi, 304 điểm bán lẻ tại các khu dân cư. Bà Lê Ngọc Đào- Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, điểm mới của chương trình bình ổn mùa khai trường 2014 là việc gia tăng về số lượng nhóm hàng và mẫu sản phẩm tham gia bình ổn.

Nếu trước đây chỉ có 3 nhóm hàng bình ổn là tập vở, cặp - ba lô - túi xách, đồng phục thì năm nay có cả bình ổn giày học sinh. Lượng hàng dụng cụ học tập tham gia bình ổn thị trường chiếm từ 35% đến 40% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố.

Chương trình bình ổn đã từng bước đẩy lùi hàng ngoại nhập, hàng gian, hàng giả; đặc biệt đẩy lùi tình trạng tăng giá bất hợp lý vào các mùa khai trường như trước đây.

Theo Tiền Phong

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn