Hàng Việt đang hết “đất sống”?

Thứ tư, 10/07/2013, 07:09
Hàng Việt đang bị lép vế trên sân nhà, thậm chí dần bị đánh bật khỏi các kênh bán hàng như chợ, siêu thị, lẫn kênh phân phối đưa hàng về nông thôn.

Đó là ý kiến của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp (DN) Hàng Việt Nam chất lượng cao kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA), tại hội thảo “Động thái DN Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm 2013” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 9/7, tại TP.HCM.

Bị “ép sân” dữ dội

Trái với dự báo 6 tháng cuối năm 2013 của VCCI rằng tình hình sản xuất, kinh doanh của DN sẽ khởi sắc, bà lại nhận định DN Việt sẽ khó khăn nhiều vì bị cạnh tranh về kênh phân phối, khó tìm đầu ra. Cụ thể những khó khăn đó là gì?

Ở hầu hết các kênh phân phối, hàng Việt đang bị lép vế trước các công ty đa quốc gia và nhãn hàng riêng. Thông tin 80%-90% hàng hóa tại siêu thị là hàng Việt Nam nhưng thực chất toàn là hàng do DN Việt gia công cho công ty đa quốc gia, hàng do công ty đa quốc gia sản xuất hoặc nhãn hàng riêng của siêu thị. Còn hàng Việt “gốc” chủ yếu do các DN Việt nhỏ và vừa sản xuất thì rất yếu, đã bị đánh bật ra khỏi hệ thống siêu thị từ lâu.

hàng Việt
Hàng Việt “gốc” chủ yếu do các DN Việt nhỏ và vừa sản xuất thì rất yếu, đã bị đánh bật ra khỏi hệ thống siêu thị từ lâu.

BSA đã có buổi làm việc với lãnh đạo các siêu thị Big C, Co.op mart xem xét lại khó khăn của hàng Việt, bàn cách hỗ trợ. Đại diện Big C thừa nhận thực trạng thị phần hàng Việt trong siêu thị rất nhỏ. Phía siêu thị sẵn sàng hỗ trợ nhưng chắc phải 3-4 năm nữa may ra mới đủ sức cạnh tranh.

Thứ hai là kênh phân phối ở chợ. Tưởng chừng đây sẽ là phân khúc thị trường phù hợp cho hàng Việt phát huy sức mạnh nhưng cũng lâm vào cảnh hết sức khó khăn. Các công ty đa quốc gia vẫn chiếm ưu thế với vốn mạnh, nhân lực, biết cách chăm sóc tiểu thương như huấn luyện cách bán hàng, liên kết… Kết quả là các tiểu thương nay đã biết liên kết gây sức ép trở lại với DN sản xuất, đem đấu giá không gian trưng bày sản phẩm trong chợ với giá cao. Khi đó chỉ có công ty đa quốc gia đủ sức thuê lại, đẩy hàng Việt đến tình trạng sắp hết cửa bán hàng ở chợ.

Vậy chỉ còn kênh phân phối hàng về nông thôn là còn triển vọng?

Ngay cả ở nông thôn, hàng Việt cũng dần bị đánh văng khỏi thị trường. Chỉ 10%-15% người tiêu dùng nông thôn dùng hàng Việt, nhiều mặt hàng như bột giặt, nước rửa chén có cùng chất lượng nhưng hàng ngoại luôn chiếm lĩnh, nhiều DN Việt cùng ngành phải chuyển sang làm gia công. Đặc biệt, hàng Trung Quốc nhái nhãn hiệu Việt mặc sức tung hoành ở thị trường nông thôn khiến hàng Việt khó trụ lại.

Tôi không đồng ý với con số 8,9% DN muốn đưa hàng về nông thôn mà VCCI đưa ra. VCCI đã khảo sát những DN nào? Tôi nghĩ chỉ có những DN ngành bất động sản, xuất khẩu mới nói như vậy, còn hầu hết các DN sản xuất đều muốn đưa hàng về nông thôn.

Phải đổi mới công nghệ quản trị

Vậy nguyên nhân nào khiến hàng Việt bị đánh bật khỏi các kênh phân phối ngay trên sân nhà?

Ngoài nguyên nhân phần lớn DN Việt có quy mô nhỏ và vừa, vốn yếu, năng lực hạn chế thì sự thiếu liên kết giữa các DN đã làm suy giảm sức mạnh của hàng Việt tại thị trường trong nước. Ngoài ra, DN Việt thiếu sự giúp đỡ từ các địa phương trong việc đưa hàng về nông thôn. Để đưa hàng đến vùng sâu, vùng xa cần triển khai nhiều hạng mục, truyền thông trước nửa tháng, phải vận động nông dân đến tập huấn kỹ thuật, vận động tiểu thương đến nghe hướng dẫn kỹ năng bán hàng…

Các địa phương cho rằng các việc này tốn kém thời gian, khắt khe về chất lượng hàng hóa quá, nói thẳng ra là không có lợi lộc gì nên họ không nhiệt tình.

Một nguyên nhân khác là hàng giả, hàng nhái. Dường như hàng lậu thì các cơ quan chức năng siêng kiểm soát, xử phạt nghiêm, còn hàng nhái, hàng giả thì không được quan tâm lắm. Tôi biết nguyên nhân là vì hàng lậu dễ kiểm soát, xử lý, nếu bắt được vụ lớn lại được thưởng. Còn hàng nhái, hàng giả khó kiểm soát, khó bắt được vụ lớn.

Giải pháp nào cho DN Việt thoát khỏi khó khăn trong thời gian tới?

Tình hình sản xuất, kinh doanh từ nay đến cuối năm của DN Việt chắc chắn sẽ khó khăn hơn. Nếu không chịu đổi mới công nghệ kỹ thuật trong sản xuất sản phẩm, công nghệ quản trị DN thì trong 2-3 năm tới, với các hiệp định mậu dịch tự do, hàng hóa các nước sẽ tăng lên bất ngờ và đánh bật hàng Việt ra khỏi sân nhà.

Trên thực tế đã có một vài DN Việt thành công nhờ đổi mới công nghệ, cách quản trị như Rạng Đông, Vinamilk, Saigon Food… Gần đây có thông tin một số thực phẩm làm từ gạo đã được người tiêu dùng trong nước tiêu thụ mạnh vì lo ngại về sự an toàn của thực phẩm nước ngoài. Đây cũng là hướng đi đúng cho DN Việt, nếu biết tận dụng nguồn nguyên liệu thế mạnh trong nước, sản xuất sản phẩm mới để cạnh tranh. Ngoài siêu thị, DN Việt cần tìm cách duy trì thương hiệu Việt qua những kênh phân phối khác.

Xin cảm ơn bà.

Theo PLTP

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn