Mập mờ việc ngân hàng "giữ hộ" vàng cho dân

Chủ nhật, 07/07/2013, 07:57
Chưa bao giờ trên thị trường lại có trường hợp phi lý khi người "trông hộ đồ" phải trả tiền cho "người gửi đồ" đang xảy ra với thứ hàng hóa đặc biệt mang tên vàng miếng. Điều này, khiến dư luận hoài nghi về chiến lược giữ hộ vàng đầy hảo tâm của các ông chủ nhà băng...

Mập mờ

Trong vai người đang cần gửi vàng ở một nơi tin cậy, kinh qua nhiều ngân hàng, theo ghi nhận của PV, dịch vụ giữ hộ vàng đang nở rộ trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Khi hỏi, nhân viên các ngân hàng đều khẳng định, đây là giữ hộ chứ không phải là huy động vàng, vì người gửi vàng sẽ phải mất phí để được ngân hàng giữ hộ, chứ không được nhận lãi suất như trước kia.

Tuy nhiên, khi PV đề cập được tiếp cận hồ sơ pháp lý (hợp đồng ký gửi vàng của ngân hàng) thì nhận được những cái lắc đầu kèm ánh mắt soi mói.

Tại một chi nhánh của ngân hàng có thương hiệu nằm trên đường Trần Duy Hưng, khi PV bản báo đặt vấn đề gửi vàng, nhân viên ở đây cho biết, ngân hàng này nhận giữ vàng nhưng không làm theo dạng hợp đồng mà chỉ có giấy chứng nhận giữ vàng. Vừa nói, nhân viên này giơ cho PV xem tờ giấy chứng nhận ký gửi vàng mà không cho cầm vì khi nào khách hàng đem vàng đến gửi thì mới được cầm.

vang

Một ngân hàng có hoạt động “giữ vàng” hộ người dân - Ảnh minh họa.

"Vàng phải luân chuyển nên không thể ghi seri. Hầu hết các ngân hàng chỉ ghi tên của khách hàng trong vòng 3 ngày để đem đi kiểm định thôi, còn sau 3 ngày nếu không có vấn đề gì thì sẽ cho lưu thông bình thường, tức là quay đi quay lại chứ không thể giữ số vàng đấy mặc định cho khách này hay khách kia", nhân viên ngân hàng này cho hay khi nhận được lời thắc mắc về việc ghi số seri vàng trong tờ giấy biên nhận.

Mặc dù hồi cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phát đi một văn bản gửi các tổ chức tín dụng về việc không trả lãi, lợi tức, phí và các hình thức khác cho khách hàng; hạch toán đúng tính chất tài khoản giữ hộ vàng theo quy định của NHNN Việt Nam.

Đồng thời NHNN cũng yêu cầu, các tổ chức tín dụng công bố trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng biểu phí giữ hộ vàng cũng như thông tin cụ thể về các địa điểm thực hiện hoạt động giữ hộ vàng.

Thế nhưng, trên Website của các ngân hàng thương mại nhan nhản quảng cáo dịch vụ giữ hộ vàng miếng (chủ yếu là vàng SJC và PNJ) với mức phí rất tượng trưng, thậm chí khách hàng còn được hưởng lãi suất theo kỳ hạn gửi.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại Hà Nội có dịch vụ giữ hộ vàng cho biết, Nhà nước vẫn công nhận quyền nắm giữ vàng của người dân, nhu cầu cất trữ và đầu tư vàng trong dân dù có giảm nhưng vẫn còn. Do đó, các ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ giữ hộ vàng nhằm giúp khách hàng bảo quản tài sản bằng vàng một cách an toàn.

Hơn nữa, giữ hộ vàng cũng phù hợp với việc nhiều ngân hàng thương mại được NHNN cấp phép cho mua bán vàng và kinh doanh vàng miếng.

vang

Rủi ro ai chịu?

Đến giờ, chắc hẳn dư luận còn chưa quên vụ án lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng khi lòng tham nổi lên đã ôm 70 cây vàng của khách cao chạy xa bay. Theo đó, năm 2009, Nguyễn Tuấn Anh được bổ nhiệm làm Phó giám đốc phụ trách chi nhánh Vàng Hà Đông.

Năm 2010, Tổng công ty vàng Agribank ban hành quy định nhận giữ hộ vàng, đá quý và các tài sản quý của khách hàng. Nhiều người dân đã mang vàng đến chi nhánh này gửi. Lợi dụng vị trí của mình Tuấn Anh đã biển thủ một số lượng vàng lớn của khách.

Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, bằng thủ đoạn nhận vàng gửi song không đưa vào hệ thống sổ sách không nhập kho, từ tháng 5 đến tháng 10/2011, Tuấn Anh còn chiếm đoạt tài sản của 6 người khác, tổng cộng gần 1.500 chỉ vàng (tương đương hơn 6 tỷ đồng vào thời điểm năm 2011).

Tại phiên tòa sơ thẩm cuối tháng 5/2012, tại Hà Nội, Tuấn Anh khai toàn bộ vàng chiếm đoạt đã mang đi trả nợ tiền vay để kinh doanh và chi tiêu cá nhân. Trước hành vi phạm tội của mình, Tuấn Anh đã bị TAND Hà Nội tuyên phạt 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Kẻ phạm tội đã bị pháp luật trừng trị thích đáng, nhưng bị hại là những người lỡ đặt niềm tin, trao gửi hàng chục cây vàng vẫn chưa thể yên lòng với khối tài sản lớn còn chưa đòi được lại.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, luật sư Lâm Văn Quang, đoàn Luật sư Hà Nội phân tích: Đây là một dạng "lách luật" của các tổ chức tín dụng, bởi nguyên tắc tài sản cá nhân, đã là giữ hộ thì không được phép sử dụng, hay đem tài sản đó ra để kinh doanh và giữ và phải trả lại nguyên gốc, nguyên bản.

Xét đúng bản chất, ngân hàng chỉ làm một chức năng, nhiệm vụ duy nhất là trông coi hộ với mức độ an toàn và tính bảo mật cao, đó là lý do tại sao họ phải thu phí. Tuy nhiên, đối với một bản hợp đồng, khi mà điều kiện ràng buộc về các tài sản đã gửi, chúng ta thấy ngân hàng hoàn toàn có thể sử dụng những tài sản mà cụ thể ở đây là vàng SJC được gửi vào ngân hàng để kinh doanh.

"Nếu không sớm được chấn chỉnh, thì thị trường vàng sẽ tiếp tục chứa đựng bất ổn, nếu giá vàng thế giới tăng mạnh, cùng lúc nhiều người gửi rút vàng ra để bán và đầu tư sang lĩnh vực khác.

Khi đó không còn cách nào khác, buộc ngân hàng phải mua lại vàng trong dân bằng mọi giá để trả người gửi, từ đây có thể dấy lên những đợt sóng ngầm và tạo ra những cơn sốt giá vàng trên thị trường", vị luật sư có gần 20 kinh nghiệm tranh tụng trong lĩnh vực kinh tế, dân sự nói.           

Nguyễn Đại Lai, nguyên Phó vụ trưởng vụ Chiến lược phát triển Ngân hàng Nhà nước (NHNN):NHNN cần vào cuộc

Về nguyên tắc, khi gửi phải đảm bảo đúng mặt hàng đã gửi, phải có số hiệu hay thậm chí là phải ký, đóng dấu, niêm phong sản phẩm, khi trả phải còn nguyên niêm phong. Nhưng làm như vậy thì phải trả phí rất lớn, trong khi đó các ngân hàng lại không được lợi, nên nó phải đồng hạng hóa dùng thứ hàng hóa này để kinh doanh kiếm lợi.

Nói chung ngân hàng được hai cái lợi, vừa có tiền trông giữ lại vừa có lợi từ việc kinh doanh từ chính những thỏi vàng của người dân đem đi gửi. Đây là một kiểu lách các quy định của ngành ngân hàng về việc quản lý vàng miếng.

Để làm rõ thực chất của sự việc, rất cần NHNN "vào cuộc", từ đó nhận ra đâu là những kẽ hở cần điều chỉnh trong chính sách cũng như điều hành của ngành nhằm đưa ra biện pháp khắc phục, chứ không nên để người dân phải chịu thiệt thòi.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng viện Quản lý kinh tế Trung ương:Người dân quá dễ dãi

Xem qua bản hợp đồng, người dân mang vàng đi gửi, thừa hiểu vàng của mình chỉ được đảm bảo đầu vào và đầu ra, còn quá trình lưu trữ được sử dụng vào mục đích gì thì tất cả đều không nắm rõ.

Phải chăng, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang có một sức mạnh vô hình khiến người dân phải tin tưởng gửi khối tài sản lớn vào mà không mảy may tính toán mức thiệt hơn.

Có thể nhận thấy, sau khi quy định quản lý vàng miếng có hiệu lực và đạt được những hiệu quả nhất định, các ngân hàng chỉ còn cách duy nhất để huy động vàng miếng trong nhân dân thông qua hình thức này, đây được xem là cách huy động tính thanh khoản ít tốn kém nhất mà lại dễ xoay vòng vốn.

Nếu bảo các ngân hàng lạm dụng thì cũng nên nghĩ lại, phải chăng do người dân quá dễ dãi mới để điều này xảy ra.

Luật sư Tạ Quốc Cường, đoàn Luật sư TP. Hà Nội:Tội sử dụng trái phép tài sản?

Chiểu theo điều Điều 142, Bộ luật Hình sự: "Tội sử dụng trái phép tài sản", có thể hành vi của các ngân hàng phạm phải điều luật này. Tuy nhiên, việc ký gửi vàng được thực hiện bằng hình thức ký kết hợp đồng trên tinh thần tự nguyện, nên phải tuân thủ những quy định trong bản hợp đồng và nguyên tắc ngân hàng.

Nếu một trong hai bên có vướng mắc xảy ra chỉ là hành vi pháp luật dân sự, chờ hướng giải quyết trên tinh thần tôn trọng nhau hoặc phán quyết của tòa.

Xét cho cùng, khi đã đặt bút ký vào bản hợp đồng, khách hàng luôn nắm "đằng lưỡi", bởi bản hợp đồng đều được các ngân hàng soạn thảo kỹ lưỡng với mức độ rủi ro rơi về phía họ thấp nhất. Vì thế khách hàng cần cân nhắc kỹ, trước khi quyết định.  

Theo Nguoiduatin

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn