Theo Hiệp hội cá nước lạnh Việt Nam, mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc trong việc chống nhập lậu cá tầm Trung Quốc, làm cho lượng cá tầm nhập lậu giảm đáng kể trong thời gian qua song, tình trạng cá tầm nhập lậu gần đây lại tái diễn.
Hiện nay, cá tầm lậu vào Việt Nam chủ yếu qua đường biên giới, sau đó được vận chuyển bằng nhiều con đường khác nhau để tuồn vào tiêu thị tại nội địa, điển hình là vận chuyển bằng máy bay, từ sân bay Nội Bài vào TP.HCM với số lượng 2-3 tấn mỗi ngày.
Trong đơn kiến nghị, Hiệp hội phát triển cá nước lạnh cũng nhấn mạnh, tất cả các sản phẩm cá tầm được sản xuất trong nước không có bất cứ đơn hàng nào được vận chuyển vào TP.HCM qua đường hàng không.
Lý do: Các nhà sản xuất cá tầm miền Bắc hiện quy mô nhỏ, không đủ để tiêu thụ nên không thể vận chuyển đi các vùng miền khác. Hơn nữa, giá cá tầm tại miền Bắc là 150.000-160.000 đồng/kg nên không thể đưa vào TP.HCM rồi cũng chỉ bán bằng với giá bán tại miền Bắc. Các nhà sản xuất cá tầm lớn tại Tây Nguyên cũng khẳng định cá tầm vào Sài Gòn được vận chuyển bằng đường bộ vì giá rẻ hơn.
Được biết, mới đây, ông Đỗ Quang Tùng - Giám đốc cơ quan quản lý CITES Việt Nam cũng khẳng định rằng cơ quan này chưa hề cấp phép nhập khẩu cá tầm thương phẩm cho bất kỳ đơn vị hay cá nhân nào.
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội phát triển cá nước lạnh Việt Nam, cho biết, cá tầm nhập lậu về Việt Nam được tiêu thụ với giá rẻ không chỉ làm thiệt hại cho người nuôi trồng cá tầm trong nước, làm ảnh hưởng đến ngành sản xuất cá tầm non trẻ mà còn nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng bởi cá tầm nhập lậu không được kiểm soát về mặt chất lượng.
"Hiệp hội phát triển cá nước lạnh và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cá tầm trong nước đã làm đơn kiến nghị tới cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt kiểm soát cá tầm nhập lậu để bảo vệ ngành nuôi trồng cá tầm trong nước cũng như bảo vệ người tiêu dùng", ông Hào nói.
Theo VEF