Sau hạn tất toán, vàng đấu thầu vẫn "hết veo"
Bất chấp thời hạn tất toán trạng thái huy động vàng của các nhà băng đã kết thúc, vàng đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong hai phiên gần đây vẫn được các doanh nghiệp, ngân hàng "vét sạch".
Đơn cử, trong phiên đấu thầu thứ 38 ngày 2/7, 40.000 lượng được đem ra đấu thầu đã "hết veo", còn trong phiên đấu thầu sáng 3/7 trong số 1,5 tấn vàng được đem ra đấu thầu chỉ có 100 lượng ế.
Kết quả 2 phiên đấu thầu vừa qua cho thấy, dù đã hết hạn tất toán nhưng do cầu vàng miếng trên thị trường vẫn rất lớn nên các doanh nghiệp và ngân hàng vẫn mạnh tay gom vàng.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến giá trúng thầu trong phiên sáng 3/7 bị đẩy lên cao hơn tới 500.000 đồng/lượng so với mức giá tham chiếu 36,7 triệu đồng/lượng mà NHNN đưa ra.
Việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào bán vàng thông qua các phiên đấu thầu, nhất là mấy phiên gần đây (với khối lượng 40.000 lượng/phiên) cho thấy, đây là một trong những biện pháp mà cơ quan điều hành đưa ra nhằm tạo nguồn cung, bình ổn thị trường vàng.
Dù giá vàng giảm mạnh nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá |
Theo ghi nhận của PV, thị trường vàng tại Hà Nội hai ngày qua trong trạng thái "chờ đợi". Giá vàng trong nước ngày 2-3/7 cũng gần như đứng im sau chuỗi ngày biến động "điên cuồng".
Lượng khách tới giao dịch tại phố vàng Trần Nhân Tông (Hà Nội) giảm hẳn, không còn cảnh người chen lấn trong cái nắng chói chang 40 độ C để mua được vài chỉ vàng nhằm lúc giá xuống.
Hiện tại ở Việt Nam, nhu cầu vàng vẫn còn lớn và nhu cầu này sẽ tồn tại trong một thời gian nữa, ngay cả sau ngày 30/6. Cùng với đó, nếu NHNN tiếp tục bơm vàng qua kênh đấu thầu, nguồn cung được đảm bảo thì ít nhất cũng phải 3 tháng nữa khi thị trường vàng đủ nguồn cung giá trong nước mới "bắt cùng nhịp điệu" và kéo gần khoảng cách hơn với giá thế giới.
Chưa phải lúc mua vàng
Liệu dòng vốn có chảy mạnh sang các tài sản tài chính khác đặc biệt là vàng khi kim loại quý này đang lao dốc mạnh?
Lo ngại này không phải thiếu cơ sở, khi mà thói quen tích trữ vàng đã “ăn vào máu” của người dân. Giám đốc một DN kinh doanh vàng tại Hà Nội cho biết, nhu cầu tích trữ vàng của người dân là có thực. Cảnh tượng xếp hàng, chen lấn để mua được vàng như cuối tuần qua là do tâm lý đám đông.
Giá vàng đang trong xu hướng giảm, nhưng vị giám đốc này cho rằng, vẫn chưa phải thời điểm tốt để mua vàng. Thậm chí, theo ông nếu mua trong thời điểm này không chừng người dẫn sẽ "hứng" rủi ro kép. Ở thời điểm này, nếu có nhu cầu buộc phải trả nợ bằng vàng thì có thể mua để thanh toán. Còn trong thời điểm giá vàng im ắng, ít biến động, người dân và nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước mỗi quyết định mua, bán, tránh tâm lý "mua theo, bán theo".
TS. Nguyễn Trí Hiếu – cố vấn cao cấp của OceanBank cảnh báo, không nên "bỏ trứng vào một giỏ" bởi vàng là sản phẩm đầu tư, nếu có vốn chỉ nên "đổ" vào kênh đầu tư này 10-20% tổng tài sản là hợp lý.
"Nếu mua để kinh doanh thì người dân, cá nhân không nên tham gia trong lúc thị trường vàng đang lình xình thế này. Còn nếu coi vàng là tài sản tích trữ thì nên lựa chọn thời điểm giá hợp lý để mua vào" – ông nói.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, việc vàng quay đầu giảm giá mạnh sau thời gian dài đứng ở giá cao là quy luật bình thường. Tuy nhiên, do thị trường vàng trong nước chưa liên thông với thế giới, nên nếu mua vàng thời điểm này thực tế người dân vẫn phải mua đắt.
Do không có sự liên thông với thế giới nên giá vàng trong nước luôn trong tình trạng "nóng, lạnh" khiến những ai có tâm lý găm giữ vàng được phen "mừng hụt" hoặc "toát mồ hôi hột" vì vàng lên xuống thất thường.
Vì thế, dù mặt bằng lãi suất đã hạ nhiệt, nhưng ông Hiển vẫn cho rằng, gửi tiền vào nhà băng lúc này là kênh đầu tư an toàn hơn cả.
Theo Infonet