Con đường Ấn Độ đang đi có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, và cả những phát sinh theo cùng.
Đất nước của 20 nghìn tấn vàng
Ấn Độ hiện là nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, với mức nhập khẩu chiếm khoảng 1/4 nhu cầu vàng toàn cầu. Theo thống kê từ mineweb.com, năm 2012 nước này nhập tới 1.080 tấn vàng, trong đó 56% là nhập qua các ngân hàng, và lượng vàng trong nước hiện ước tính khoảng 18.000 - 20.000 tấn.
Người dân Ấn Độ có truyền thống đặc biệt ưa thích vàng để đầu tư, làm trang sức và quà tặng trong các dịp lễ hội. Hàng năm, quãng tháng 8 - 10 là mùa lễ hội, quãng tháng 3 - 5 và 11 - 12 là mùa cưới, nhu cầu mua vàng thường tăng cao.
Ấn Độ hiện là nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, với mức nhập khẩu chiếm khoảng 1/4 nhu cầu vàng toàn cầu. |
Tại quốc gia này, nhập khẩu xăng dầu và vàng chiếm tới 45% tổng nhập khẩu hàng hóa năm 2012-2013; nhập khẩu xăng dầu tăng 9,3% trong khi nhập khẩu vàng giảm 4,8% xuống 53,8 tỷ USD so với mức 56,5 tỷ USD của năm 2011-12 (năm có mức tăng trưởng nhập khẩu vàng 39%) do bắt đầu có những biện pháp hạn chế nhập khẩu.
Nhưng, giá vàng thế giới giảm mạnh trong thời gian vừa qua đã thúc đẩy nhu cầu vàng trong nước của Ấn Độ tăng lên. Lượng nhập khẩu tháng 4/2013 là 117 tấn, và đạt mức cao kỷ lục vào tháng 5/2013 là 162 tấn (bình quân cùng kỳ giai đoạn 2012 - 2013 là 70 tấn/tháng).
Mức độ vàng hóa cao đẩy Ấn Độ đối mặt với thâm hụt cán cân vãng lai, tác động bất lợi tới dự trữ ngoại hối cũng như đẩy đồng nội tệ Rupee liên tục mất giá.
Theo Reuters, thâm hụt cán cân vãng lai của Ấn Độ đã lên mức kỷ lục 4,8% GDP trong năm tài khóa 2012 - 2013 kết thúc vào tháng 3/2013 (so với mức 4,3% năm 2011 - 2012) nhưng vẫn thấp hơn mức dự kiến là 5%. Thâm hụt cán cân vãng lai quý 1/2013 là 3,6% GDP so với mức thâm hụt kỷ lục quý 4/2012 là 6,7% GDP.
Theo Bloomberg, đồng Rupee đã mất giá chưa từng có, một phần do nhu cầu USD tăng cao. Trong quãng 1/5 - 22/6/2013, đồng tiền này đã mất giá tới 6% và đến ngày 28/6 đã mất giá ở mức kỷ lục 8,9%; tính trong năm 2013, đồng Rupee mất giá 7,7%, mất giá mạnh thứ 2 sau đồng Yên Nhật trong rổ tiền tệ của 11 nước châu Á, đạt mức thấp kỷ lục mọi thời đại 60,765 Rupee/USD vào ngày 26/6.
Dồn dập “siết” quản lý
Tính từ tháng 3/2012 trở lại đây, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đã dồn dập đưa ra hàng chục quy định mới để tăng cường quản lý thị trường vàng, thậm chí kêu gọi người dân bớt “yêu” vàng.
Hướng chính sách của Ấn Độ có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, đặc biệt về việc siết chặt mối liên hệ của vàng với tín dụng, cũng như hạn chế nhập khẩu và cả nảy sinh về vênh giá và cả tình trạng nhập lậu.
Ngày 21/3/2012, RBI ra quy định các công ty tài chính phi ngân hàng không được cho vay dựa trên tài sản đảm bảo bằng vàng miếng, vàng thô và tiền xu vàng. Trong báo cáo định kỳ ngày 30/10/2012, RBI quan ngại việc nhập khẩu vàng tăng mạnh trong những năm gần đây do các ngân hàng cho vay mua vàng dưới mọi hình thức và điều này thúc đẩy nhu cầu vàng nhằm mục đích đầu cơ.
Và đến tháng 11/2012, cơ quan này chính thức có quy định cấm các ngân hàng cho vay để mua vàng dưới mọi hình thức.
RBI cũng đã dừng kế hoạch cho phép tăng tỷ lệ danh mục cho vay dựa trên thế chấp bằng vàng từ 11% lên 15% như dự kiến, cũng như chỉ đạo các công ty tài chính phi ngân hàng giới hạn giá trị khoản vay ở mức 60% giá trị tài sản thế chấp bằng vàng so với tỷ lệ 90 - 100% như trước đây.
Đến tháng 2/2012, RBI yêu cầu các ngân hàng hợp tác xã chỉ được phép cho vay thế chấp bằng vàng và không được phép cho vay mua vàng dưới mọi hình thức. Đầu tháng 5/2013 tiếp tục là quy định các ngân hàng được phép cho vay dựa trên tài sản đảm bảo là vàng trang sức và tiền xu vàng do ngân hàng đúc, nhưng không được phép cho vay để mua vàng dưới bất kỳ hình thức nào. Cho vay dựa trên đảm bảo bằng tiền xu vàng đối với mỗi khách hàng không được quá trọng lượng 50gram vàng.
Cũng trong tháng 5/2013, RBI quy định hạn chế nhập khẩu vàng trên cơ sở ủy thác của ngân hàng chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của đơn vị xuất khẩu vàng trang sức, rồi mở rộng sang các tổ chức khác được Chính phủ cho phép nhập khẩu vàng. Tất cả thư tín dụng (L/C) để nhập khẩu vàng dưới mọi hình thức phải được đảm bảo 100% bằng tiền mặt và việc nhập khẩu vàng sẽ phải được thực hiện theo phương thức Hồ sơ - Thanh toán, không được áp dụng phương thức Hồ sơ - Chấp thuận…
Đặc biệt, ngày 5/6/2013, Ấn Độ đã quyết định tăng thuế nhập khẩu vàng lần thứ 2 trong năm nay, từ 6% lên 8%, so với mức thuế 2% vào tháng 1/2012, nhằm nỗ lực kiềm chế thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức cao kỷ lục.
Cuối tháng 6, tiếp theo quy định trước đó, RBI yêu cầu việc nhập khẩu vàng dựa trên tín dụng của bên mua/bên bán phải tuân thủ quy định về tỷ lệ đảm bảo bằng tiền mặt và phương thức Hồ sơ - Thanh Toán, các ngân hàng phải đảm bảo không cho phép cấp tín dụng dưới bất kỳ hình thức nào để nhập khẩu vàng dưới mọi hình thức…
Những phát sinh…
Dễ thấy, điểm tương đồng trong loạt chính sách tăng cường quản lý thị trường vàng Ấn Độ giống với Việt Nam ở hướng siết chặt, cắt bỏ dần hoạt động cho vay bằng vàng, cho vay thế chấp bằng vàng, cũng như hạn chế việc nhập khẩu. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Ấn Độ gần đây tuyên bố có thể sẽ áp dụng thêm các biện pháp hạn chế nhập khẩu hơn nữa.
Giới chức trách Ấn Độ dự tính các chỉ số kinh tế như thâm hụt cán cân vãng lai sẽ được cải thiện. Tác động tích cực của các biện pháp hạn chế nhập khẩu vàng được cho là khá rõ, thể hiện qua các chỉ số khác đánh giá nền kinh tế như chứng khoán, tỷ giá, lãi suất…
Thực tế, nhập khẩu vàng của Ấn Độ đã giảm từ mức 135 triệu USD/ngày hồi đầu tháng 5 xuống còn bình quân 36 triệu USD/ngày vào cuối tháng 5. Cầu về ngoại tệ để nhập khẩu vàng cũng đã giảm đáng kể vào đầu tháng 6. Nhiều nhà phân tích dự báo, các biện pháp của RBI có thể giúp nhập khẩu vàng của nước này giảm tới 20 - 32% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, họ cũng dự tính, các biện pháp đó chỉ mang tính ngắn hạn và có thể dẫn tới chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, mà phía sau đó là quan ngại về tình trạng nhập lậu vàng gia tăng. Đây cũng là hai phát sinh có nét tương đồng tại Việt Nam, sau khi các chính sách quản lý thị trường vàng được triển khai hơn một năm qua.
Theo VnEconomy