Bên cạnh sự hạn chế về tuyến bay, chất lượng bay, thì giá thành là một rào cản lớn khiến lượng khách sử dụng dịch vụ rất ít ỏi. Chẳng hạn đơn giá của công ty lữ hành Vitours: giá thuê theo giờ đối với trực thăng MI 17 (24 chỗ) là 4.800 USD, giá thuê theo giờ với trực thăng EC 155 (12 chỗ) là 8.470 USD.
Ngoài ra còn các khoản phí phụ thu đối với đoàn khách thuê theo yêu cầu như: phí sân bay là 3,15 triệu đồng một chuyến bay, phí đăng ký hành trình là 7 triệu đồng một chuyến bay, phí đáp theo yêu cầu là 11,55 triệu đồng một chuyến bay…
Ảnh minh hoạ
Còn tại công ty lữ hành Indovina Travel, giá cho một tour bay trực thăng MI 17 tham quan Hạ Long một ngày là 9,95 triệu đồng mỗi khách, áp dụng với đoàn khách 20 người trở lên. Với số lượng khách ít hơn, mức giá trên một khách buộc phải cao hơn nhiều mới đủ bù đắp chi phí nhiên liệu và phục vụ cho chuyến bay.
Trong khi đó, đa số khách mua tour là khách cao cấp, sang Việt Nam du lịch ít người. Chuyến bay chỉ có thể bán thành công với hai cách: một là gom đủ số lượng khách lẻ để bay theo mức giá thông thường, hai là khách chấp nhận bao trọn toàn bộ chuyến bay, nghĩa là chi trả cao hơn nhiều lần mức giá thông thường.
Tuy nhiên, ngay cả khi khách đã chấp nhận bao trọn gói chuyến bay cũng chưa chắc đã ngay lập tức được phục vụ.
Nguyên nhân là toàn miền Bắc hiện nay chỉ có duy nhất một đơn vị cung cấp dịch vụ là công ty Trực thăng Miền Bắc với số lượng máy bay hạn chế, trong khi ngoài dịch vụ du lịch còn phải thực hiện các dịch vụ bay ngoại giao, bay dịch vụ thăm dò và khai thác dầu khí, cứu hộ, cứu nạn…Do đó, việc khai thác dịch vụ bay trở nên bị động với các doanh nghiệp du lịch.
Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng: “Với hơn 300 doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Hà Nội, không khó khăn gì để khai thác nguồn cầu cho sản phẩm du lịch trực thăng. Song các vấn đề liên quan đến chính sách cần phải được giải toả trước khi phát triển dịch vụ”.
Theo ông Kế, mức giá quá cao hiện nay có thể lý giải do sự thiếu cạnh tranh của thị trường bay trực thăng. Mới có duy nhất Công ty Trực thăng Miền Bắc cung cấp dịch vụ bay cùng số lượng máy bay ít ỏi, thiếu đa dạng thì không thể có mức giá “hài hoà”.
“Đa số máy bay của đơn vị này đều là máy bay lớn, nhiều chỗ, trong khi nhu cầu chủ yếu là các đoàn khách ít người. Cần có nhiều máy bay nhỏ với nhiều đơn vị tham gia cung cấp để đa dạng hoá dịch vụ và đa dạng lựa chọn cho du khách thì mới có sự đột biến về chất lượng bay cũng như giá cả dịch vụ. Song, đã có công ty tư nhân nhập máy bay về nhưng không bay được do vấn đề liên quan đến chính sách hàng không” – ông Kế cho hay.
Lý giải những trở ngại trên, ông Trần Xuân Dinh - Giám đốc công ty Trực thăng Miền Bắc cho rằng có nhiều khó khăn về chính sách, thủ tục mà công ty cũng không nằm ngoài do các quy định bắt buộc về an ninh quốc phòng, an toàn bay, các quy định chống xâm phạm đến tài nguyên môi trường và những quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, việc nâng cấp cơ sở vật chất trong hoạt động khai thác bay đòi hỏi một nguồn kinh phí đầu tư khổng lồ và thường xuyên. Không những thế, ngoài các chi phí nâng cấp khu khai thác bay, khu nhà xưởng, thiết bị kỹ thuật, thiết bị nội thất , đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này còn phải có nguồn tài chính lớn cho các dịch vụ bảo đảm và có một đội ngũ khai thác bay được đào tạo chuyên nghiệp.
Do đó, không phải doanh nghiệp nào muốn cũng có thể tham gia cung cấp và khai thác dịch vụ bay trực thăng.
Ông Dinh cho biết, việc nâng cấp chất lượng hạ tầng và đơn giản hoá các thủ tục bay là bài toán lâu dài. Còn trước mắt, công ty Trực thăng Miền Bắc sẽ tích cực phối hợp với các doanh nghiệp du lịch để quảng bá dịch vụ tới du khách, xác định các thị trường khách trọng điểm để quảng bá và khai thác đúng hướng.
Ngoài ra, công ty sẽ có những điều chỉnh về giá thành trong điều kiện cho phép để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế. Hiện công ty cũng đang xây dựng chính sách giá mới với từng dịch vụ khác nhau kèm theo chính sách thương mại hợp lý. Trong đó có thể sẽ cân nhắc giảm giá vào mùa cao điểm.
Theo VNE